Ghế thủ tướng Anh lung lay

Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức sau khi các cuộc tụ tập tại tư dinh của ông bị điều tra, giáng đòn nặng nề vào uy tín của chính trị gia 57 tuổi.

 Cover

Cover

Ghế thủ tướng Anh của ông Boris Johnson hiện lung lay hơn bao giờ hết, trong bối cảnh ông đang chịu sức ép phải từ chức do những bê bối liên quan đến việc tuân thủ quy tắc phòng dịch.

Cụ thể, chính trị gia 57 tuổi bị cáo buộc đã không trung thực trước công chúng và quốc hội Anh về những buổi tiệc tùng thâu đêm tại số 10 phố Downing, London, giữa lúc cả nước đang trong đợt phong tỏa để chống dịch, theo BBC.

Thủ tướng Johnson thậm chí phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức từ chính các thành viên trong đảng Bảo thủ của ông, chứ không chỉ đơn thuần là áp lực từ những chính trị gia đối lập.

Bên cạnh lùm xùm xoay quanh việc tụ tập trong thời gian giãn cách, gần đây ông Johnson còn bị khiển trách bởi cố vấn vì khoản chi phí tốn kém cho việc tân trang lại căn hộ của ông ở phố Downing.

Trước đó, vào năm 2020, chính quyền Thủ tướng Johnson cũng bị chỉ trích vì nỗ lực bảo vệ một nghị sĩ đảng Bảo thủ gặp bê bối. Những yếu tố này cộng hưởng lại khiến vị trí của Thủ tướng Johnson trở nên thiếu chắc chắn hơn bao giờ hết.

 Rắc rối đang bủa vây Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty.

Rắc rối đang bủa vây Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty.

Cáo buộc tiệc tùng

Vào mùa xuân 2020, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở Anh, Thủ tướng Johnson được cho là đã tham dự một bữa tiệc rượu trong khu vườn thuộc tư dinh của ông trên phố Downing, London.

Thời điểm đó, theo quy định của chính phủ Anh, người dân không được phép ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng, đơn cử như đi làm, tập thể dục hoặc mua thức ăn và thuốc men.

Quy định giãn cách xã hội cũng cấm tụ tập trên hai người ở nơi công cộng. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm những gia đình có nhiều thành viên hoặc việc tụ tập là “điều cần thiết cho mục đích công việc”.

Khoảng 30 người được cho là đã tham dự bữa tiệc tại khu vườn trên phố Downing vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, một số luật sư lưu ý rằng địa điểm này không phải là không gian công cộng.

Vào tháng 5/2020, một số bức ảnh đã ghi lại cảnh ông Johnson dùng rượu vang và ăn pho mát cùng các nhân viên trong khu vườn nhà thủ tướng ở phố Downing.

Khi được hỏi về sự việc trên, ông Johnson cho rằng ông và các nhân viên đã có mặt tại bữa tiệc để “bàn về công việc”. Thủ tướng 57 tuổi sau đó đã xin lỗi và giải thích rằng ông không biết sự kiện nói trên là một bữa tiệc.

Một số cuộc tụ họp khác đã được báo cáo vào cuối năm 2020 và vào tháng 4/2021, bao gồm cả hai bữa tiệc có sự tham dự của nhân viên dưới quyền ông Johnson, được tổ chức vào đêm trước lễ tang của Hoàng thân Philip. Thời điểm đó, việc tụ tập trong nhà ở Anh đã bị cấm, theo BBC.

Dù đã gửi lời xin lỗi đến văn phòng Nữ hoàng Elizabeth, vụ bê bối tiệc tùng giữa lúc cả nước giãn cách và cách xử trí của Thủ tướng Johnson đã khiến dư luận và giới chính trị gia phẫn nộ.

 Bức ảnh được cho là đã ghi lại buổi tiệc tại vườn hoa nhà Thủ tướng Boris Johnson trong thời gian giãn cách. Ảnh: Guardian.

Bức ảnh được cho là đã ghi lại buổi tiệc tại vườn hoa nhà Thủ tướng Boris Johnson trong thời gian giãn cách. Ảnh: Guardian.

Bà Sue Grey - công chức cấp cao của chính phủ Anh - đang tiến hành điều tra “về bản chất” của các buổi tụ họp tại dinh thủ tướng, đồng thời xem xét đưa ra các “biện pháp kỷ luật cá nhân”.

Nếu cuộc điều tra của bà Grey phát hiện bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật, sự vụ sẽ được chuyển sang cho phía cảnh sát tiếp tục điều tra.

Thủ tướng Johnson đã kêu gọi các nghị sĩ chờ đợi kết quả báo cáo của bà Grey trước khi phán xét hành động của ông.

Đồng minh quay lưng

Giữa lúc Thủ tướng Johnson phải đối mặt với làn sóng chỉ trích, uy tín của ông tiếp tục bị giáng một đòn nặng nề khi nghị sĩ David Davies - một thành viên gạo cội của đảng Bảo thủ - đã yêu cầu Thủ tướng Johnson từ chức.

"Tôi mong người lãnh đạo chịu trách nhiệm cho những hành động mà họ đã thực hiện. Ngày hôm qua, ông ấy đã làm ngược lại. Vì thế tôi xin trích dẫn một câu nói mà có lẽ nhiều người đã biết, được Leopold Amery nói với Neville Chamberlain: 'Ngài đã ngồi ở vị trí này quá lâu cho những điều tồi tệ ngài đã làm. Nhân danh chúa, xin hãy đi đi'", ông Davies phát biểu tại phiên họp của Hạ viện Anh ngày 19/1.

 Nghị sĩ Anh David Davies. Ảnh: PA.

Nghị sĩ Anh David Davies. Ảnh: PA.

Nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ đã gây sức ép buộc nghị sĩ Davies công khai lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Johnson từ chức, theo Guardian.

Phát biểu được nghị sĩ Davies đưa ra sau khi một thành viên của đảng Bảo thủ, nghị sĩ Christian Wakeford, rời khỏi hàng ngũ và chuyển sang đảng Lao động đối lập. Cú đổi phe của ông Wakeford diễn ra ngay trong phiên họp Hạ viện ngày 19/1.

Trong bức thư kêu gọi ông Johnson từ chức, nghị sĩ Wakeford cho rằng đương kim thủ tướng không mang tới "sự lãnh đạo và một chính phủ mà nước Anh xứng đáng".

"Các chính sách của chính phủ đảng Bảo thủ mà ông dẫn dắt không giúp ích cho người dân, chúng chỉ khiến cử tri đối mặt thêm những khó khăn", bức thư của nghị sĩ Wakeford cáo buộc.

Hai nghị sĩ Davies và Wakeford không phải là những đồng minh duy nhất quay lưng với ông Johnson giữa lúc rắc rối bủa vây chính trị gia 57 tuổi. Cựu cố vấn cấp cao Dominic Cummings của ông Johnson cũng tung ra các cáo buộc liên quan đến vụ tụ tập tại dinh thủ tướng trong thời gian Anh giãn cách xã hội, đồng thời chỉ trích cách ông Johnson đối phó với dịch Covid-19.

Khả năng bị thay thế

Khác với cơ chế bầu cử ở Mỹ, tại Anh, thủ tướng không được bầu ra một cách trực tiếp. Do đó, với tư cách lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, vị trí thủ tướng của ông Johnson phụ thuộc vào sự ủng hộ liên tục từ các nghị sĩ trong đảng.

Trước các cáo buộc nhắm vào ông Johnson về việc không trung thực với quốc hội và công chúng, các nghị sĩ đảng Bảo thủ nghi ngờ khả năng lãnh đạo của thủ tướng đương nhiệm có thể gửi thư bất tín nhiệm đối với chính trị gia 57 tuổi.

Cần 54 nghị sĩ đảng cầm quyền gửi thư phản đối năng lực lãnh đạo của thủ tướng để kích hoạt quá trình khởi động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm được thực hiện bởi thành viên cơ quan lập pháp của một quốc gia, nhằm xác định liệu chính phủ cầm quyền đủ độ tín nhiệm để tiếp tục điều hành đất nước hay không.

Giờ đây, việc ông Johnson có tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả từ cuộc thanh tra của bà Grey xoay quanh cáo buộc tiệc tùng nhiều lần tại dinh thủ tướng trong thời gian giãn cách.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ghe-thu-tuong-anh-lung-lay-post1290940.html