GenZ trong quân ngũ - Bài 1: 'Giải mã' chiến sĩ thế hệ GenZ

LTS: Thế hệ GenZ là những người sinh từ năm 1995 đến 2012 (một số ý kiến cho rằng từ năm 1997 đến 2015), nổi bật với tư duy cởi mở, nhanh nhạy, thích tự do, phá bỏ các nguyên tắc, lối mòn và đề cao giá trị bản thân, đôi khi đến mức ích kỷ, buông tuồng, thiếu tôn trọng người khác, có tư tưởng bất chấp... Điều này vừa có mặt thuận lợi, nhưng cũng là thách thức đối với chỉ huy trong quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ. Làm thế nào để chiến sĩ thế hệ này sớm bắt nhịp môi trường Quân đội đòi hỏi tính kỷ luật cao, đoàn kết chặt chẽ và phát huy tốt điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, hết lòng vì tập thể, nhiệm vụ chung? Loạt bài 'GenZ trong quân ngũ' gợi mở một số vấn đề liên quan.

Sinh ra trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ và thông tin, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, internet, mạng xã hội cùng nhiều yếu tố gia đình, xã hội khác đã tác động, ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành suy nghĩ, tính cách của GenZ? Điểm mạnh, điểm yếu của chiến sĩ thế hệ GenZ là gì? Hãy cùng chúng tôi "giải mã"...

Điểm trội của GenZ

Khảo sát tại Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) và một số đơn vị thuộc Quân khu 3, chỉ huy các đơn vị trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ đánh giá: So với các thế hệ chiến sĩ trước đây, phần lớn chiến sĩ thế hệ GenZ có lối sống năng động, tự tin, cởi mở và dễ hòa đồng, không ngại giao tiếp, làm quen.

Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) chúc mừng các chiến sĩ tròn một năm nhập ngũ. Ảnh: TRẦN VŨ

Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) chúc mừng các chiến sĩ tròn một năm nhập ngũ. Ảnh: TRẦN VŨ

Họ cũng là những người có cá tính mạnh mẽ, luôn muốn được thể hiện, khẳng định bản thân, không ngại khó khăn mà luôn suy nghĩ sáng tạo, tìm cách giải quyết, khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo cách đơn giản, khoa học, hiệu quả hơn. Do có nhiều điều kiện và thường xuyên được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, điện tử, nguồn thông tin đa dạng nên chiến sĩ có hiểu biết rộng, nhất là kiến thức về công nghệ thông tin. Trình độ, nhận thức của các chiến sĩ thế hệ GenZ cũng cao và đồng đều hơn nên tiếp thu nhanh các nội dung huấn luyện. Nhiều chiến sĩ có tài lẻ như văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, cắt tỉa cây cảnh, cắt tóc, hàn xì, mộc...

Thượng úy Trần Tuấn Vũ, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 vẫn còn ấn tượng với lễ Giáng sinh 2023 do chiến sĩ trong đơn vị chuẩn bị. Theo đó, đơn vị có 4 chiến sĩ là người công giáo nên chỉ huy Đại đội 1 báo cáo, xin phép cấp trên tổ chức Giáng sinh chúc mừng. Được sự nhất trí, Ban chỉ huy Đại đội 1 họp bàn và triển khai thực hiện. Vậy là tranh thủ giờ nghỉ cùng vật dụng, vật liệu “cây nhà lá vườn”, chỉ trong ít ngày, các chiến sĩ đã tự chuẩn bị quà tặng, trang trí, làm cây thông Noel... tạo nên đêm Giáng sinh lung linh với nhiều trò chơi vui nhộn.

Chiến sĩ mới thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) hào hứng thu hoạch sản phẩm tăng gia. Ảnh: TUẤN ANH

Chiến sĩ mới thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) hào hứng thu hoạch sản phẩm tăng gia. Ảnh: TUẤN ANH

Thượng úy Trần Tuấn Vũ nhận xét: “Chiến sĩ thế hệ GenZ nắm vấn đề rất nhanh nên tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”. Còn theo Trung úy Nguyễn Đức Long, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692: “Chiến sĩ thế hệ GenZ có khả năng sáng tạo cùng tư duy nhạy bén, không thích đi theo lối mòn.

Cùng một nhiệm vụ, nếu thế hệ trước sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành thì thế hệ chiến sĩ hôm nay lại tìm cách thực hiện một cách đơn giản, khoa học và hiệu quả hơn. Hệ thống tưới nước không cần dùng sức người ở đơn vị chúng tôi là một trong nhiều ý tưởng đến từ các chiến sĩ thế hệ GenZ. Các chiến sĩ cũng rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao khi tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục-thể thao, xây dựng và làm đẹp cảnh quan cũng như các phong trào khác trong đơn vị”.

Những điểm trừ

Tuy nhiên, một bộ phận chiến sĩ thế hệ GenZ quá phụ thuộc vào thành tựu khoa học - công nghệ như internet, thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo dẫn đến ngại giao tiếp xã hội, thậm chí bị lệ thuộc dẫn đến mắc các bệnh như tự kỷ, bệnh tic, luôn tỏ ra mệt mỏi, ủ rũ khi không có thiết bị điện tử trên tay. Một số quá đề cao tự do cá nhân, tôn sùng giá trị vật chất, sống ích kỷ, hẹp hòi, thậm chí sống buông thả, vô kỷ luật; thiếu bản lĩnh, dễ bị lôi kéo, hay đòi hỏi quyền lợi một cách vô lý. Sức khỏe của một bộ phận chiến sĩ thế hệ này cũng hạn chế trước yêu cầu hoạt động quân sự cường độ cao, đòi hỏi thể lực tốt, dẻo dai.

Một vấn đề nữa là thế hệ GenZ sinh ra khi đất nước phát triển, tỷ lệ sinh thấp nên được nuông chiều, bao bọc, vì thế thường thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống, tính tự lập, không quen với công việc nặng nhọc, lao động chân tay. Nhiều đồng chí khi mới nhập ngũ thậm chí còn không biết giặt quần áo, không phân biệt được cái cuốc với cái xẻng, không phân biệt được một số loại rau ăn phổ biến...

Trung tá Vũ Thành Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) cho biết: “Từ thực tiễn quản lý, huấn luyện, chúng tôi nhận thấy, các đặc điểm nổi bật của chiến sĩ thế hệ GenZ thường được bộc lộ rõ trong giai đoạn khoảng 1-2 tháng đầu nhập ngũ. Những chiến sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, từng đi làm thường có tính tự lập cao, dễ thích nghi với cuộc sống quân ngũ và tự giác thực hiện nhiệm vụ.

Chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Ngược lại, một số đồng chí mới học xong trung học phổ thông, tuổi đời 18, 19 thường mất nhiều thời gian hơn để hòa đồng với cuộc sống mới, hay bị dao động tư tưởng trước những tác động từ môi trường bên ngoài”. Còn Trung úy Đào Văn Tình, Trung đội trưởng Trung đội 15, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 đánh giá: “Nhiều chiến sĩ chỉ biết đến bản thân, có thái độ vô cảm, thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh; cá biệt một số bộ phận còn có biểu hiện thiếu tự giác, chống đối lại mệnh lệnh của cấp trên. Khả năng chịu áp lực của chiến sĩ cũng hạn chế nên dễ nảy sinh tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực”.

Binh nhất Phạm Văn Mạnh, sinh năm 2002, chiến sĩ Tiểu đoàn 30, Bộ Tham mưu Quân khu 3 nhớ lại: “Khi còn ở nhà, tôi thường thức đến 1-2 giờ sáng mới đi ngủ. Vào quân ngũ phải ngủ đúng giờ, sáng hôm sau lại báo thức sớm nên thời gian đầu không quen, lúc nào cũng thấy thiếu ngủ và mệt mỏi. Có những hôm đến giờ báo thức, đồng đội nằm cạnh phải sang giường gọi, tôi mới tỉnh giấc. Sau một thời gian được chỉ huy kèm cặp, giúp đỡ, tôi bắt đầu thích nghi và quen với nền nếp sinh hoạt”.

Trung sĩ Vũ Minh Luật, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 6, Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242, Quân khu 3) chia sẻ: “Các chế độ, nền nếp, công việc cứ lặp đi lặp lại khiến lúc đầu tôi thấy nhàm chán, có lúc nghĩ bỏ đơn vị ra ngoài đi chơi để thay đổi không khí. May mà chỉ huy các cấp gặp gỡ, động viên kịp thời nên tôi nhận thức được trách nhiệm của bản thân và không vi phạm kỷ luật”.

(còn nữa)

ĐỨC THỊNH - ĐỨC TUẤN - NGUYỄN TRƯỜNG

-------

Tâm tình-Kiến nghị

Hòa đồng, thể hiện cái tôi có chừng mực

Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi tình nguyện nhập ngũ. Thời gian đầu vào đơn vị, tôi cũng thấy nhiều bỡ ngỡ. Tính cách của tôi khá trầm và ít giao tiếp nên chậm hòa nhập với môi trường mới. Được cấp trên, đồng đội giúp đỡ, tôi cởi mở, tự tin hơn trong học tập, huấn luyện và sinh hoạt; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, mạnh dạn trao đổi, phát biểu ý kiến trong các buổi sinh hoạt. Sau hơn một năm nhập ngũ và hoàn thành khóa đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, tôi thấy mình trưởng thành hơn về mọi mặt, nhất là phương pháp, tác phong làm việc cụ thể, tỉ mỉ, khoa học; xây dựng tốt các mối quan hệ đoàn kết trong đơn vị.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950 (Quân khu 9) cùng nhau chăm sóc vườn ươm hoa của đơn vị. Ảnh:NGUYỄN LUÂN

Chiến sĩ Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950 (Quân khu 9) cùng nhau chăm sóc vườn ươm hoa của đơn vị. Ảnh:NGUYỄN LUÂN

Tôi nghĩ, không chỉ quân nhân mà ai cũng cần có cá tính riêng, tạo sự khác biệt trong tính cách từng người. Tuy nhiên, sống và làm việc ở đâu, nhất là trong môi trường quân ngũ vốn đề cao nếp sống chính quy, kỷ luật, nền nếp và tinh thần tập thể thì việc quá đề cao cái tôi, thể hiện bản thân một cách thái quá sẽ không phù hợp. Ví như thường xuyên tạo ra tranh luận không đáng có; hành động đi ngược lại với các quy định. Cá biệt, nếu hành động đó xuất phát từ cái tôi và lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến mất đoàn kết, thiếu gắn kết với đồng chí, đồng đội. Trên cương tiểu đội trưởng quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới, tôi nhận thấy phải thể hiện cái tôi phù hợp để từng chiến sĩ làm theo. Trong sinh hoạt phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng đội, cấp trên để rút kinh nghiệm hoàn thiện, điều chỉnh bản thân, không nên quá đề cao quan điểm hoặc nóng tính trong thực hiện nhiệm vụ. Khi hài hòa được tính cách cá nhân, thể hiện quan điểm cá nhân có chừng mực, đúng nơi, đúng chỗ sẽ tạo ra không khí chân thành, cởi mở trong giao tiếp giữa đồng chí, đồng đội, mối quan hệ cấp trên, cấp dưới; tập thể đoàn kết đồng lòng giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung sĩ LÊ QUỐC VỌNG

(Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung đội 10, Đại đội 3, Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950, Quân khu 9)

-------

Tránh mệnh lệnh hành chính, yêu cầu quá cao

Chất lượng chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ vào Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4) ngày càng được nâng lên, nhiều đồng chí đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Phần lớn chiến sĩ có nhận thức tốt, tinh thần tự giác học tập, rèn luyện, kỹ năng sống, giao tiếp với tập thể, kết quả hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Đại tá Nguyễn Đức Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 động viên chiến sĩ mới yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh:GIANG ĐÌNH

Đại tá Nguyễn Đức Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 động viên chiến sĩ mới yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh:GIANG ĐÌNH

Tuy nhiên, CSM đến từ nhiều địa phương, phong tục, tập quán khác nhau, nhận thức không đều. Một số đồng chí ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội nên thường có lối sống khép mình, ngại tiếp xúc với người lạ; một số đồng chí đi lao động xuất khẩu, làm ăn xa, tiếp xúc xã hội nhiều, vào Quân đội dễ nảy sinh tư tưởng so sánh tiêu cực, khiến khó khăn trong công tác quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng. Vì vậy, để quản lý, huấn luyện CSM đạt kết quả tốt, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần phải có phương pháp quản lý sâu sát, tỉ mỉ và qua nhiều kênh thông tin như gia đình, người thân, bạn bè, đồng hương, những sự bộc lộ cảm xúc, ý thức, trách nhiệm qua hoạt động thực tiễn để có biện pháp đánh giá, quản lý sát với từng chiến sĩ; kịp thời động viên, định hướng để CSM vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong đơn vị như: Đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân, tổ chiến sĩ bảo vệ, tổ đoàn kết; thường xuyên quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, tổ chức các hoạt động như sinh nhật đồng đội, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao phù hợp với tâm lý tuổi trẻ, linh hoạt, sáng tạo, tạo tâm lý thoải mái, tránh mệnh lệnh hành chính, áp lực, yêu cầu quá cao, tạo điều kiện để CSM yên tâm công tác.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC TÙNG

(Chính ủy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206, Quân khu 4)

----------

Khơi gợi tính sáng tạo, ý thức tự giác
Chất lượng chiến sĩ mới (CSM) ngày càng được nâng lên. Cụ thể là số CSM có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp ngày càng tăng nên nhận thức có những chuyển biến rõ nét. Cùng với đó là thể trạng và khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật hiện đại, tiếp thu cái mới của CSM cũng được nâng lên, thuận lợi hơn cho quá trình huấn luyện, rèn luyện theo chức trách, nhiệm vụ tại đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, một số chiến sĩ còn có tính ỷ lại, thiếu kỷ luật, tự giác. CSM chưa quen với môi trường quân ngũ, sức chịu đựng trong rèn luyện, huấn luyện ở cường độ cao còn hạn chế.

Huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho chiến sĩ mới ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 453, Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 Hải quân. Ảnh: XUÂN TIẾN

Qua nhiều năm huấn luyện CSM, chúng tôi thấy, để khắc phục tình trạng này, cán bộ các cấp cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp CSM hiểu rõ về truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Hải quân nhân dân Việt Nam, về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Quá trình huấn luyện thường xuyên cập nhật nội dung, phương pháp huấn luyện phù hợp với trình độ, đặc điểm của CSM, khơi gợi tính sáng tạo, phát huy tinh thần tự học, chú trọng rèn luyện kỹ năng, khả năng thích ứng với môi trường tác chiến hiện đại. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục, rèn luyện kỷ luật giúp CSM ý thức được tầm quan trọng của kỷ luật trong môi trường Quân đội, rèn luyện cho họ tính tự giác, chấp hành nghiêm quy định của đơn vị. Thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào để thu hút CSM tham gia, phát triển năng khiếu sở thích trên các lĩnh vực. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa-văn nghệ, giúp CSM an tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị. Ngoài ra, thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện trực tiếp; bằng nhiều biện pháp cần làm tốt việc nắm, quản lý, dự báo, định hướng và giải quyết tư tưởng, tránh để bị động, bất ngờ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện CSM.

Thiếu tá VŨ ĐÌNH TRIỀN

(Chính trị viên Tiểu đoàn 453, Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 Hải quân)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/genz-trong-quan-ngu-bai-1-giai-ma-chien-si-the-he-genz-768122