Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Ông Phạm Hồng Canh (thứ hai từ trái sang) ôn lại kỷ niệm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Chúng tôi đến thăm cựu chiến sỹ Điện Biên Mai Đại Xá ởtổ 7, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, được nghe ông kể lại những kỷ niệm không thể quên về những ngày hành quân chiến đấu, khoét núi đào hầm, gan không núng, chí không mòn, thực hiện chỉ lệnh chiến thuật "đánh chắc”, "tiến chắc”, tiếp cận cứ điểm địch, tung ra những đòn tiến công bất ngờ… phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm, tách hoàn toàn phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm; bắn máy bay ngăn chặn tiếp viện của địch, làm tiêu hao sinh lực địch để đi đến thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1952, khi còn rất trẻ, ông Mai Đại Xá xung phong lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được cơ cấu vào đội trinh sát của Trung đoàn 74, Sư đoàn 316. Ông nhớ lại, quá trình hành quân, chiến đấu gian khổ vô cùng. Đơn vị hành quân lên Tây Bắc toàn đi bộ, vượt mưa rừng, gió bấc, đi từ sáng tới tối mịt. Cứ đi 3 ngày nghỉ 1 ngày, lội suối, băng rừng, quần áo cứ ướt lại khô. Gian khổ khôn cùng nhưng tinh thần chiến đấu hăng hái, chung một ý chí là độc lập, là giết giặc, không ai thoái thác nhiệm vụ. Thời điểm tháng 11/1953, anh em quan sát máy bay địch nhảy dù về Lai Châu, máy bay cứ bay đi lại bay về do thám khu vực sân bay Nà Sản. Lúc này Pháp tập trung quân ở Nà Sản, Lai Châu để tiến về Điện Biên Phủ. Trận đánh Mường Cồn ở Lai Châu là ác liệt nhất. Nhiều chiến sỹ anh dũng hy sinh trong mưa bom, bão đạn. Pháo ta dội xuống mãnh liệt, tiếng người xung phong vang dội núi rừng, sắc cờ đỏ sao vàng tung bay trên hầm địch hòa trong khói súng thôi thúc bộ đội, dân quân vững bước tiến lên.

Ông Phạm Hồng Canh, cựu chiến sỹ Điện Biên nay đã bước sang tuổi 94, hiện ở tổ 5, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình). Tuổi cao không còn minh mẫn, ánh mắt ông rưng rưng xúc động quây quần bên con cháu nhắc nhớ về những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ mà hào hùng của 70 năm về trước. Sinh ra và lớn lên ở Ý Yên (Nam Định), theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ông tham gia thiếu sinh quân, huấn luyện sơ bộ và được biên chế vào một đơn vị quân đội thuộc Đại đoàn 312 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Cùng đơn vị, ông hành quân lên Tây Bắc. "Năm 1952, khi tham gia chiến đấu đánh sân bay Mường Thanh tôi bị thương, nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến trường cho ngày toàn thắng", ông Phạm Hồng Canh bồi hồi chia sẻ.

Những kỷ niệm hào hùng của "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn” ấy vẫn không thể xóa nhòa trong ký ức của biết bao chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với khí thế sôi sục "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hăng hái tham gia đi dân công, xây dựng kho tàng, lán trại, đón tiếp, giúp đỡ các đoàn dân công, đơn vị bộ đội hành quân ra mặt trận, ủng hộ, đóng góp lương thực, thực phẩm, bộ đội địa phương và dân quân du kích chủ động mở nhiều đợt tấn công làm kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/188941/gap-go-chien-sy-dien-bien.htm