Gần 300 hộ dân sống trên đất Thanh Hóa nhưng hộ khẩu ở ... Nghệ An

Hàng chục năm qua, gần 300 hộ dân ở xã Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) phải sống trong cảnh 'hồn Trương Ba da hàng thịt'...

Thôn 10, xã Quỳnh Lộc, TX. Hoàng Mai nằm trên địa giới hành chính 2 tỉnh: Nghệ An và Thanh Hóa

Thôn 10, xã Quỳnh Lộc, TX. Hoàng Mai nằm trên địa giới hành chính 2 tỉnh: Nghệ An và Thanh Hóa

Thôn 10, xã Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) nằm ven quốc lộ 1A, vắt ngang qua Khe Nước Lạnh, địa danh từ lâu đã được xác định là ranh giới giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Phía Nam Khe Nước Lạnh là xã Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai), phía Bắc là xã Trường Lâm (TX. Nghi Sơn). Năm 1964, thực hiện chủ trương giãn dân đi khai hoang, khoảng hơn 20 hộ gia đình thuộc xã Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trước đây) đến vị trí giáp ranh hai tỉnh Nghệ An – Thanh Hóa để sinh cơ, lập nghiệp. Theo người dân kể lại, hơn nửa thế kỷ trước, đây là vùng đất hoang vu nằm ven sườn núi, cây cối um tùm, chưa có người ở.

Đất một thôn nằm trên địa giới… hai tỉnh

Ông Nguyễn Văn Trường, 58 tuổi, trưởng thôn 10 cho biết, khi đến khai hoang, lập nghiệp, người dân không hề biết đây là vùng đất thuộc địa giới hành chính tỉnh Thanh Hóa. Sau này, khoảng năm 1985, chính quyền tiến hành đo đạc lại mới phát hiện ra “sự cố” này. Trước đây, thôn 10 có khoảng hơn 30ha đất, trong đó phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, đất sản xuất bị thu hồi phục vụ các dự án đầu tư của doanh nghiệp nên cả thôn chỉ còn chừng hơn 6ha, trong đó phần lớn diện tích nằm trên địa giới hành chính xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa.

“Thôn 10 có hơn 300 hộ thì 268 hộ với 925 nhân khẩu sinh sống trên đất Thanh Hóa. Những công trình công cộng như nhà văn hóa thôn, nghĩa trang đều nằm trên phần đất thuộc địa giới hành chính tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi hay nói đùa với nhau là người Nghệ nhưng đất Thanh.”, ông Trường chia sẻ.

Nhà văn hóa thôn 10, xã Quỳnh Lộc (TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nằm trên đất thuộc xã Trường Lâm (TX. Nghi Sơn, Thanh Hóa)

Nhà văn hóa thôn 10, xã Quỳnh Lộc (TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nằm trên đất thuộc xã Trường Lâm (TX. Nghi Sơn, Thanh Hóa)

Anh Hoàng Văn Long, 41 tuổi, sinh ra ở trên đất thôn 10, xã Quỳnh Lộc kể, khi xã làm đường, đến đoạn “đất Thanh Hóa” thì phải dừng lại vì vướng thủ tục.

Chỉ tay về phía chiếc cống dọc đường liên thôn, anh Long buồn bã cho biết, đó chính là ranh giới giữa đất Nghệ và đất Thanh ngay tại thôn 10.

“Một thôn mà nằm trên hai tỉnh có lẽ chưa ở đâu có. Thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên trên đất thuộc quản lý của tỉnh Thanh Hóa nhưng lại mang hộ khẩu Nghệ An. Điều này tồn tại dai dẳng mấy chục năm nay nhưng không giải quyết được khiến người dân gặp rất nhiều phiền toái”, anh Long nói.

Anh Hoàng Văn Long cho biết, muốn vay ngân hàng gia đình cũng không có sổ đỏ thế chấp

Anh Hoàng Văn Long cho biết, muốn vay ngân hàng gia đình cũng không có sổ đỏ thế chấp

Không thể cấp sổ đỏ

Thôn 10 xã Quỳnh Lộc có hằng trăm căn nhà kiên cố nhưng mấy chục năm qua chính quyền không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Bởi người sử dụng đất mang hộ khẩu Nghệ An nhưng cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai lại thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, 21 tuổi, quê Đà Nẵng lấy chồng, chuyển hộ khẩu về thôn 10, xã Quỳnh Lộc nói, gia đình muốn vay vốn làm ăn nhưng không có sổ đỏ và tài sản gắn liền với đất để thế chấp nên ngân hàng không thể cho vay. Việc này cũng làm giảm đi cơ hội khởi nghiệp của nhiều thanh niên địa phương.

“Bố mẹ muốn di chúc thừa kế đất đai nhà cửa cho con cũng không thể làm thủ tục. Thậm chí, vợ chồng nếu có ly hôn, tòa cũng không thể phân chia tài sản theo luật được”, chị Trinh hài hước nói.

Nhiều căn nhà kiên cố của các gia đình không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất và tài sản gắn liền trên đất

Nhiều căn nhà kiên cố của các gia đình không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất và tài sản gắn liền trên đất

Anh Hoàng Văn Long cho biết, vừa qua anh đầu tư một một chiếc máy khoan nhưng không thể mang nhà đất ra thế chấp vay ngân hàng nên phải chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao. Nếu vay tín chấp thì số tiền rất hạn chế, không thể đầu tư làm ăn lớn. Anh Long kể, năm 2021, cơn sốt đất lên đỉnh điểm nhưng cùng trong thôn 10, lô đất thuộc địa giới Nghệ An có giá cao gấp 3 lần so với lô đất thuộc địa giới tỉnh Thanh Hóa.

“Chỉ cách 1 chiếc cống, có những lô đất phía Nghệ An bán 300 - 500 triệu đồng vì đất có sổ đỏ. Còn phía bên này chỉ bán sang tay nội bộ trong thôn với giá bằng 1/3 vì không có giấy tờ gì, không ai dám mua”, anh Long chia sẻ.

 Chiếc cống phân chia ranh giới thôn 10 xã Quỳnh Lộc, bên này là đất Nghệ An, bên kia là đất Thanh Hóa

Chiếc cống phân chia ranh giới thôn 10 xã Quỳnh Lộc, bên này là đất Nghệ An, bên kia là đất Thanh Hóa

Đi tìm lời giải

Ông Cao Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đưa ra một ví dụ về sự bất cập trong quản lý đó là trường hợp phát hiện một hộ dân thôn 10 xã Quỳnh Lộc xây dựng trái phép trên đất ở hay đất trồng cây lâu năm, chính quyền địa phương cả 2 nơi không thể xử phạt bởi đất đai thuộc quản lý của xã này nhưng con người lại thuộc quản lý của xã kia.

Theo ông Sự, ngay cả việc bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách hỗ trợ của 2 tỉnh cũng khác dẫn đến khó khăn chồng khó khăn.

“Những năm gần đây, một số dự án đã lấy đất của thôn 10 thuộc địa bàn xã Trường Lâm quản lý nhưng đa số các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân. Việc áp giá bồi thường chỉ được tiến hành theo thủ tục chứ không thể áp giá nhà nước trong thực tế”, ông Sự cho hay.

Dân sống trên đất thuộc địa giới hành chính của xã Trường Lâm nhưng ông chủ tịch xã cũng không nắm được thôn 10 có bao nhiêu hộ, bao nhiêu nhân khẩu vì chính quyền xã Trường Lâm không quản lý con người.

Cũng theo ông Cao Văn Sự, hai địa phương đã họp bàn, giải quyết rất nhiều lần, đưa ra hai phương án. Một là sáp nhập những hộ dân hộ khẩu Nghệ An đang sống trên phần đất thuộc xã Trường Lâm về Thanh Hóa. Hai là điều chỉnh địa giới hành chính để phần đất các hộ dân đang ở về tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, theo ông Sự, những phương án, giải pháp nêu trên vượt thẩm quyền của chính quyền cấp xã.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa số người dân thôn 10, xã Quỳnh Lộc không muốn chuyển hộ khẩu về xã Trường Lâm. Trong khi đó, điều chỉnh địa giới hành chính để nhập về Nghệ An thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội. Chưa kể còn liên quan đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, rồi quy hoạch khu Kinh tế Nghi Sơn…”, ông Cao Văn Sự lý giải.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, trưởng thôn 10 xã Quỳnh Lộc dù sống trên địa giới hành chính tỉnh Thanh Hóa nhưng gần 300 hộ gia đình ở đây vẫn là người Nghệ An, sống theo phong tục, tập quán xứ Nghệ. Do đó, nguyện vọng của đại đa số các hộ dân là xin được điều chỉnh địa giới hành chính phần đất thuộc xã Trường Lâm sáp nhập về Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Trường, trưởng thôn 10, xã Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, nguyện vọng của người dân muốn điều chỉnh địa giới hành chính vào tỉnh Nghệ An

Ông Nguyễn Văn Trường, trưởng thôn 10, xã Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, nguyện vọng của người dân muốn điều chỉnh địa giới hành chính vào tỉnh Nghệ An

Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc Nguyễn Hữu Túy cho biết, không chỉ khó khăn trong việc cấp sổ đỏ mà một số chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người dân thôn 10 cũng gặp khó khăn…

“Chúng tôi đang đề nghị Thị ủy thị xã Hoàng Mai và Thị ủy thị xã Nghi Sơn tổ chức hội nghị để bàn giải pháp giải quyết cho gần 300 hộ dân thôn 10 trong thời gian tới”, ông Túy thông tin thêm.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/gan-300-ho-dan-song-tren-dat-thanh-hoa-nhung-ho-khau-o-nghe-an-d194019.html