Gã khổng lồ hàng không châu Âu trình làng mẫu 'máy bay lai trực thăng'

Thiết kế độc đáo này có thể được sử dụng trong phát triển hàng không quân sự khi NATO tiến hành một nghiên cứu lớn về máy bay trực thăng thế hệ tiếp theo.

Trong bối cảnh cuộc đua định hình loại phương tiện bay có cánh quạt của tương lai, Airbus Helicopters đã chính thức trình làng một mẫu “máy bay lai trực thăng” thử nghiệm vào ngày 15/5 với tên gọi Racer (tay đua).

Chiếc máy bay lai trực thăng Racer, trị giá 200 triệu Euro (217 triệu USD) là mẫu phương tiện kết hợp cánh cứng cố định như máy bay thông thường với cánh quạt trực thăng, mang lại sự ổn định và tốc độ, giúp rút ngắn thời gian phản hồi cho các nhiệm vụ quan trọng như tìm kiếm và cứu hộ.

“Có những nhiệm vụ mà việc tiếp cận hiện trường nhanh nhất có thể là rất quan trọng. Chúng tôi thường gọi đó là giờ vàng”, ông Bruno Even, CEO của Airbus Helicopters – đơn vị sản xuất máy bay trực thăng của gã khổng lồ hàng không vũ trụ châu Âu Airbus, nói với Reuters, đề cập đến khoảng thời gian được coi là quan trọng nhất trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.

Những thiết kế độc đáo như vậy cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động phát triển hàng quân sự khi NATO tiến hành một nghiên cứu lớn về máy bay trực thăng thế hệ tiếp theo, mặc dù phần lớn phụ thuộc vào cách các nhà hoạch định của tổ chức này xác định nhu cầu trong tương lai.

Racer đã cất cánh 4 lần nhưng không được công khai rộng rãi, và lần đầu tiên mẫu máy bay lai này bay trình diễn đầy đủ là vào tháng 4.

Nó đã gây tiếng vang trước nhóm khán giả gồm 150 giám đốc điều hành trong ngành, chính trị gia và đại diện của Liên minh châu Âu (EU). Họ đã tập trung tại cơ sở của Airbus Helicopters ở Marignane, miền Nam nước Pháp. Đây cũng là nơi Racer dần được hình thành trong 7 năm qua.

Khách mời chiêm ngưỡng mẫu “máy bay lai trực thăng” Racer của Airbus. Ảnh: Vertical

Khách mời chiêm ngưỡng mẫu “máy bay lai trực thăng” Racer của Airbus. Ảnh: Vertical

Ông Hervé Jammayrac, phi công thử nghiệm chính của Airbus Helicopters, đã trực tiếp ở trong buồng lái của Racer trong cả 4 lần cất cánh. Theo vị phi công, bộ điều khiển của Racer cũng giống như một chiếc trực thăng truyền thống – cộng thêm một bộ điều khiển bổ sung để tăng cường độ của các cánh quạt bên để kiểm soát lực đẩy.

Airbus, nhà cung cấp phương tiện bay dân sự lớn nhất thế giới, trong nhiều năm đã thử nghiệm các thiết kế máy bay trực thăng mới cùng với các đối thủ như Sikorsky của Lockheed, công ty đã phá kỷ lục tốc độ lúc bấy giờ với máy bay trực thăng trình diễn X2 hơn một thập kỷ trước.

Racer là phiên bản kế thừa hoàn toàn mới của mẫu X3 dựa trên mẫu trực thăng vận tải/cứu hộ Dauphin mà Airbus đã bí mật thử nghiệm tại một căn cứ không quân gần đó vào năm 2010. Mẫu máy bay này đã tiếp tục khẳng định kỷ lục không chính thức bằng cách vượt qua Sikorsky X2 về tốc độ.

Cả hai thiết kế đều nhằm mục đích vượt qua những trở ngại đối với chuyến bay trực thăng tốc độ cao bằng cách kết hợp những ưu điểm của máy bay cánh cố định với những ưu điểm của trực thăng tiêu chuẩn.

Nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận về việc chiếc trực thăng trong tương lai sẽ trông như thế nào.

“Máy bay lai trực thăng” Racer của Airbus có thể bay với tốc độ 400 km/h. Ảnh: Vertical

“Máy bay lai trực thăng” Racer của Airbus có thể bay với tốc độ 400 km/h. Ảnh: Vertical

Sự “lai” ở Racer nghĩa là nó có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng và bay như máy bay.

Sự “lai” ở Racer nghĩa là nó có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng và bay như máy bay.

Sự ra mắt công khai của Racer diễn ra vài tháng sau khi hãng Leonardo của Italy và nhà sản xuất Bell của Mỹ đồng ý hợp tác trên thế hệ công nghệ cánh quạt nghiêng tiếp theo, thay thế hoàn toàn các cánh quạt đặc trưng của máy bay trực thăng.

Leonardo cũng đang dẫn đầu một dự án riêng nhằm phát triển thế hệ cánh quạt nghiêng tiếp theo cho mục đích dân dụng. AW609 của hãng này là thiết kế dân dụng duy nhất hiện có nhưng vẫn chưa được chứng nhận.

Những người ủng hộ cánh quạt nghiêng, dựa vào các rotor gắn bên xoay 90 độ để đi lên rồi tiến về phía trước, cho biết nó cho phép tốc độ và phạm vi hoạt động cao hơn, phù hợp với các nhiệm vụ quân sự. Các nhà phê bình cho rằng cơ chế nghiêng chỉ đạt được tốc độ cao hơn nhưng lại phải trả giá bằng độ phức tạp và chi phí bảo trì cao hơn.

Airbus cho biết Racer sẽ bay với tốc độ 220 hải lý/giờ (400 km/h) so với tốc độ trực thăng truyền thống gần 140 hải lý/giờ. Bell cho biết thiết kế cánh quạt nghiêng V-280 Valor, mới được Lầu Năm Góc lựa chọn, sẽ đạt tốc độ hành trình 280 hải lý/giờ.

Minh Đức (Theo Reuters, Vertical)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ga-khong-lo-hang-khong-chau-au-trinh-lang-mau-may-bay-lai-truc-thang-a664196.html