{Emagazine} Khai thác sâu hơn các giá trị Di sản Tràng An để nâng cao chất lượng du lịch

Ngày 25/6/2014, tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - đây là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á nhờ những tiêu chí nổi bật toàn cầu: Là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với các bằng chứng về quá trình tương tác của người cổ xưa với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm (từ 1.200 đến 33.000 năm trước). Tràng An cũng là di sản địa chất tuyệt vời. Trong giai đoạn cuối Pleistocene và Holocene, phần rìa Khối đá vôi Tràng An đã từng nhiều lần bị biển xâm lấn và biến cải, bằng chứng của mực nước biển cổ vẫn còn rất rõ trên các vách đá. Cảnh quan tháp karst của Tràng An là một trong số những cảnh quan đẹp và hấp dẫn nhất cùng loại trên thế giới với những dãy tháp đá cao hàng trăm mét, bao phủ bởi các cánh rừng, liên kết với nhau ở nhiều chỗ qua các sống núi sắc mảnh, ôm trọn những trũng sâu ngập nước, thông với nhau qua vô số các hang động ngầm...

Lễ hội Tràng An.

Các nhà khảo cổ học khai quật di tích hang Trống thuộc Quần thể danh thắng Tràng An.

Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định: Quần thể danh thắng Tràng An là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan cũng như giữa thiên nhiên và con người, tạo nên sự kết nối, giao thoa hài hòa thành không gian cảnh quan, văn hóa thăng hoa. Nó chứa đựng trong mình những dấu mốc vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc, nơi che chở kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X và là hành cung của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII. Cùng với đó là rất nhiều các di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, tất cả điều này hòa quyện cùng với các giá trị thiên nhiên, văn hóa độc đáo xác định nên những giá trị nổi bật toàn cầu.

Quang cảnh đền Thái Vi.

PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam đánh giá: Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ được biết đến là danh lam độc đáo, đặc sắc, đặc biệt hơn, Tràng An còn là di sản văn hóa gắn liền với quá trình quần tụ của con người trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với không chỉ khách tham quan mà cả các nhà khoa học, từ khoa học tự nhiên đến các nhà khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước. Thêm nữa, chính yếu tố văn hóa càng làm cho hồn cốt của di sản được đánh thức dậy, làm nên tính độc đáo của di sản có một không hai này.

Chiều Tràng An.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã góp phần quan trọng đưa hình ảnh của tỉnh Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Ninh Bình phát triển du lịch. Gần đây, Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.

Du khách tham quan Tràng An.

Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, Ninh Bình nằm trong top 5 điểm đến thu hút đông khách nhất cả nước; đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng khách quốc tế. Nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín bình chọn, nhắc đến Ninh Bình như là vùng đất thân thiện, điểm du lịch tuyệt vời nhất, điểm du lịch đáng đến nhất thế giới.

Du khách thập phương về trảy hội dịp lễ hội Tràng An.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, du lịch Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thiếu sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Chẳng hạn, ở Tràng An đang có một số lượng lớn các dấu tích khảo cổ học của nhiều thời kỳ từ thời Tiền sử cho đến thời kỳ lịch sử. Nguồn tài nguyên này cực kỳ phong phú và đa dạng về loại hình và giá trị khoa học, là tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác và phát huy hết.

TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Mặc dù lượng khách đến Ninh Bình đã tăng nhanh sau khi Tràng An được vinh danh là di sản thế giới. Tuy nhiên, điểm đến của phân khúc thị trường du lịch văn hóa chủ yếu vẫn là khu vực Cố đô Hoa Lư, trải nghiệm chủ yếu vẫn là thăm các công trình lịch sử, đền, chùa, thưởng thức các sự kiện văn hóa, lễ hội. Ngoài ra, khách du lịch cũng chủ yếu chiêm ngưỡng di sản một cách thụ động (ngồi trên thuyền, đi tham quan, chiêm bái các đền chùa) mà chưa thực sự có cơ hội trải nghiệm các nội dung kết hợp khảo cổ học - các biến động tự nhiên; lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng - đặc điểm tự nhiên; khảo cổ học lịch sử - quá trình hình thành và phát triển nhà nước Đại Cồ Việt; khảo cổ học nghệ thuật - giao lưu và trao đổi văn hóa.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận: Du lịch khảo cổ và lịch sử đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới như một loại hình, phân khúc quan trọng của du lịch văn hóa với sự độc đáo và sức cuốn hút riêng. Tuy nhiên, loại hình này chưa được phát triển mạnh, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế ở Quần thể danh thắng Tràng An.

Một số hình ảnh khảo cố tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nêu thực trạng: Tương tự như ở nhiều khu Di sản thế giới khác được công nhận theo các tiêu chí cảnh quan và địa chất, địa mạo, cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các biểu hiện của di sản địa chất chưa được sử dụng nhiều vào mục đích du lịch. Du khách đến những nơi này chủ yếu chỉ để tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp một cách cảm tính, chưa có điều kiện tiếp thu, tìm hiểu, khám phá thêm những kiến thức mới về tự nhiên, môi trường, địa chất học.

Các nhà khảo cố học khảo sát một số hang động tại Quần thể danh thắng Tràng An.

GS.TS. Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Chúng ta cần nhận thức được rằng không phải cứ có di sản văn hóa là có sản phẩm du lịch văn hóa. Bởi di sản văn hóa mà không được đưa ra giới thiệu với công chúng, không được tổ chức khai thác phục vụ du lịch thì cũng không thể hình thành nên sản phẩm du lịch.

Không thể nào phủ nhận sức hút của vùng đất Cố đô Hoa Lư, cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa của Tràng An đối với khách du lịch. Tràng An đã được bảo tồn và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội.

Quần thể danh thắng Tràng An nhìn từ trên cao.

Tuy nhiên, 10 năm sau khi được công nhận là Di sản thế giới, đây là thời điểm phù hợp để chúng ta nhìn lại, tìm kiếm các giải pháp mới để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt hơn, biến di sản thành tài sản. Không đơn thuần là để du khách đến đây tham quan mà phải diễn giải các giá trị di sản một cách chân thực, sống động và khoa học hơn trong các sản phẩm du lịch.

Tràng An vào hội.

Để từ đó góp phần thiết thực lan tỏa các giá trị của di sản, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế dựa trên nền tảng di sản, trong đó công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước.

Gợi ý để giúp Ninh Bình biến tiềm năng di sản thành tài sản du lịch, TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đề xuất: Khoa học hóa và dân chúng hóa các kết quả nghiên cứu địa chất học, khảo cổ học, sử học, dân tộc học. Phục dựng chân dung người, thú dựa trên xương cốt khai quật khảo cổ bằng các phương pháp khoa học hiện đại. Cần đầu tư để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học thành một dạng sản phẩm du lịch để một mặt tăng hiểu biết, niềm tin và thông qua đó tạo ra những sản phẩm vật chất bán cho khách du lịch.

Một số di vật thời tiền sử: đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An được phục dựng và tìm thấy tại Tràng An.

Có thể ứng dụng các thành tựu truyền thông hiện đại kết hợp với tạo dựng truyền thống tạo ra những sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn mang tính giáo dục cao. Hay phục dựng lối sống kinh đô Hoa Lư và hành cung Vũ Lâm (việc đi lại, sinh hoạt, trang phục cung đình); Phục hồi cách sống tiền sử, lịch sử: Tạo công cụ, làm gốm, đan lát tre nứa, chế tạo dụng cụ bẫy thú, bắt cá, cách chế biến thức ăn tiền sử...

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Di sản địa chất ở Tràng An rất phong phú với hàng trăm biểu hiện, vừa có thể sử dụng vào các mục đích du lịch, tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, vừa có thể dành cho các đối tượng du khách muốn tìm hiểu sâu hơn về địa chất học nói chung cũng như đặc điểm địa chất, địa mạo khối đá vôi Tràng An nói riêng. Giá trị di sản địa chất ở Tràng An có thể được lồng ghép cùng các giá trị di sản khác (văn hóa, tự nhiên, đa dạng sinh học) trong các tour tuyến tham quan đại cương, hoặc được giới thiệu riêng trong các tour tuyến tham quan chuyên đề, một số điểm di sản địa chất được bảo tồn dành riêng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học...

PGS.TS. Trần Tân Văn lưu ý: Từng điểm tham quan trên tuyến cần được đặt tên, xác định hình ảnh đặc trưng, bảng thuyết minh, thậm chí có thể xây dựng cả các bảo tàng mini.

TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam đề xuất một số sản phẩm du lịch khảo cổ học cho khu di sản Tràng An như thăm các di chỉ hang động Tiền sử. Nội dung diễn giải bao gồm lịch sử hình thành di tích, các chứng tích tìm được và ý nghĩa khoa học của chúng.

Theo TS. Lê Thị Liên, do số lượng di tích khảo cổ học lịch sử ngày càng lớn, nội dung phong phú, có thể xây dựng một hoặc nhiều tuyến tham quan cho các đối tượng khác nhau với thời lượng khác nhau. Các tuyến tham quan có thể kết hợp tới các di tích bảo tồn tại chỗ trong lòng đất (các đoạn tường thành, các khu vực cung điện, hành cung) hay vị trí/cảnh quan của đô thành cổ (cổng thành, chợ, cầu cổ), các công trình hiện còn trên mặt đất, các điểm có phòng trưng bày..., các địa điểm liên quan đến các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đáng chú ý.

PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân Tràng An. Trước hết phải xây dựng các tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam góp ý, để khai thác các sản phẩm du lịch di sản, Ninh Bình cần tiếp tục xây dựng các sản phẩm có chất lượng và khác biệt, tăng hàm lượng văn hóa, yếu tố trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên, để các ý tưởng nêu trên đi vào hiện thực, các chuyên gia đều cho rằng cần có các nguyên tắc và phương pháp phù hợp và phải có sự tham gia hợp tác của nhiều bên liên quan. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò tiên phong của doanh nghiệp cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng. Nhà nước cần trở thành một nhân tố chính trong xây dựng, thiết kế môi trường pháp lý và kiến tạo cơ hội để các bên liên quan có thể tham gia vào phát triển du lịch bền vững. Ở đó lợi ích của mỗi chủ thể cũng cần được quan tâm và điều chỉnh hài hòa.

Về miền di sản.

Nhìn lại chặng đường 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, đến nay Tràng An đã có thêm sứ mệnh mới trở thành trung tâm của "Đô thị di sản thiên niên kỷ" hàm nghĩa trên cả bình diện lịch sử đô thị hàng nghìn năm và tầm nhìn về một hình mẫu đô thị thích ứng với biến đổi môi trường, hài hòa giữa không gian nhân tạo với không gian thiên tạo, phát triển dựa trên khả năng tối đa hóa tính độc đáo, giá trị văn hóa, bản sắc địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu này chỉ được hiện thực hóa khi có sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, làm cho mỗi người dân tỉnh Ninh Bình luôn tự hào về giá trị di sản được các thế hệ tiền nhân trao truyền, tự tin vững bước đi tới tương lai bằng nguồn lực, sức mạnh nội sinh, bản lĩnh văn hóa được xây dựng, bồi đắp, hun đúc suốt chiều dài lịch sử.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-khai-thac-sau-hon-cac-gia-tri-di-san-trang-an-de/d2024040809038925.htm