Duy trì, phát triển các không gian sáng tạo Hà Nội:Bài toán không dễ tìm lời giải

Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo, trong đó có nhiều không gian mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho cộng đồng. Tuy đem lại nhiều lợi ích, góp phần không nhỏ vào việc thu hút người dân, du khách nhưng để phát triển, duy trì các không gian sáng tạo một cách bền vững, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội là bài toán không dễ tìm lời giải.

Du khách tham quan Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Ảnh: Duy Minh

Ấn tượng những sáng tạo mới

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ Hà Nội vừa chính thức ra mắt đầu tháng 5, đã mang đến một không gian sáng tạo độc đáo cho Hà Nội. Cây cầu được sắp đặt, thắp sáng, trang trí như một “thủy cung” với nhiều họa tiết sinh động về các loài cá ở đại dương, sóng sông Hồng... trong đó, có một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.

Công trình sáng tạo này ngay lập tức được nhiều người dân và du khách đánh giá cao. Chị Nguyễn Thu Giang ở phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, do ngày nào cũng đi qua cây cầu này để đi làm, nên việc cây cầu trở thành một không gian nghệ thuật sáng tạo khiến cho nhiều người dân như chị cảm thấy vui vì không chỉ bảo đảm tính thẩm mỹ còn giúp cải thiện cuộc sống của người dân. Còn anh Nguyễn Văn Thành (quận Thanh Xuân) nhận xét, điều hấp dẫn là từ cây cầu này du khách có thể dễ dàng khám phá, trải nghiệm khu phố cổ và khu vực ngoài đê sông Hồng.

Về quá trình thực hiện không gian sáng tạo cầu Trần Nhật Duật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, dự án này do anh và nhóm họa sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân nung nấu ý tưởng trong 4 năm và thực hiện trong hơn 4 tháng qua. “Chúng tôi kỳ vọng, công trình này sẽ mang tính kết nối các điểm đến ở phố cổ Hà Nội và không gian sáng tạo Phúc Tân để trở thành một tour đi bộ độc đáo của Hà Nội”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.

Hà Nội hiện có thêm nhiều không gian sáng tạo mới do các đơn vị phối hợp và có những không gian sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Không chỉ riêng lĩnh vực thiết kế, trong lĩnh vực ẩm thực, nhiều không gian sáng tạo trở thành điểm đến thu hút đông du khách. Điển hình như Ngon Garden (số 70 phố Nguyễn Du) thu hút thực khách với không gian ngập tràn sắc hoa và văn hóa Hà Nội, được thay đổi theo từng mùa trong năm.

Theo chị Phạm Bích Hạnh, chủ của chuỗi nhà hàng ẩm thực Ngon Garden và Quán ăn Ngon đã được công nhận là cơ sở ẩm thực đạt chuẩn và nằm trong danh sách được giới thiệu của Michelin, ẩm thực là một phần không thể thiếu của du lịch, được đề cập trong phát triển Công nghiệp văn hóa. Dấu ấn sáng tạo trong ẩm thực không chỉ là những món ăn mà còn cần phải có không gian mang bản sắc văn hóa, tinh tế để thu hút du khách.

Cộng đồng cùng tham gia

Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo, trong đó có 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, 6 không gian công cộng... Các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ điển hình là: Bích họa Phùng Hưng, Tinh hoa làng nghề Việt Nam, kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội… Bên cạnh đó, sự xuất hiện liên tục của những tổ hợp vui chơi, giải trí bên trong các nhà máy, xí nghiệp cũ ở nội thành Hà Nội cho thấy, nhu cầu cấp thiết về không gian văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo dành cho giới trẻ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau bốn năm gia nhập “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” (ngày 30-10-2019), Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới này. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, thiết lập các không gian sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn do thiếu không gian, phần lớn các không gian là của tư nhân nên tính ổn định không cao.

Về vấn đề này, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, những không gian sáng tạo ngoài trời, trong đó điển hình như không gian sáng tạo ở Phúc Tân (ngoài đê sông Hồng), nhóm họa sĩ phải rất nỗ lực để duy trì, bởi nhiều công trình được làm bằng vật liệu tái chế có độ bền không cao. Bên cạnh đó, với những dự án vì cộng đồng sẽ còn phụ thuộc vào trách nhiệm và ý thức của cộng đồng thì mới duy trì bền vững.

Để phát huy tốt các không gian sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, bên cạnh đầu tư nguồn lực, Hà Nội cần phải quy hoạch những không gian sáng tạo riêng. Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không gian sáng tạo phải góp phần phát triển, xây dựng đô thị sáng tạo, quan trọng nhất là phải hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, kêu gọi được cộng đồng cùng tham gia.

Hà Nội đang xây dựng bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội là cơ sở để nhận diện các không gian sáng tạo. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho các không gian phát triển thuận lợi, dựa trên việc bảo đảm hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/duy-tri-phat-trien-cac-khong-gian-sang-tao-ha-noi-bai-toan-khong-de-tim-loi-giai-665682.html