Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: Kỳ tích của dân tộc

Với tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc-Nam và ba nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường, 5 trục dọc, 21 trục ngang như một trận đồ phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây, giúp vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào các chiến trường miền Nam trong mưa bom bão đạn..., Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta là con đường huyền thoại, là kỳ tích thể hiện sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ nhiệm vụ đặc biệt của "Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt"

 Quyết định mở đường, xây dựng và bảo vệ thành công đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quyết định mở đường, xây dựng và bảo vệ thành công đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

65 năm trước, thời điểm năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng (tháng 01/1959) về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược là giải phóng miền Nam.

Quyết định mở đường, xây dựng và bảo vệ thành công đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm sắt đá, ý chí “thống nhất non sông” của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Và ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ đặc biệt ấy cho "Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt". Đoàn công tác do Thượng tá Võ Bẩm làm trưởng đoàn có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Ra đời tháng 5 năm 1959 nên "Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt" được mang phiên hiệu Đoàn 559.

Chính từ đây, đường Trường Sơn huyền thoại bắt đầu được hình thành. Vinh dự hơn nữa, con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.

Viết nên kỳ tích

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam đã chia sẻ đầy xúc động: 65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt” - Đoàn 559, do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Khó khăn, gian khổ không kể xiết, hoạt động của Đoàn 559 trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Nhưng chính trong điều kiện "khó khăn, gian khổ không kể xiết", mưa bom bão đạn suốt ngày đêm ấy, địch liên tục tăng cường lùng sục, đánh phá ác liệt, con đường Trường Sơn đã thành hình, và huyền thoại, kỳ tích của dân tộc đã được viết nên.

 Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. Ảnh: Vương Khánh Hồng/TTXVN

Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. Ảnh: Vương Khánh Hồng/TTXVN

Từ những lối mòn sơ khai men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, với khẩu hiệu "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi", trong 16 năm (1959-1975), các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh đi qua 20 tỉnh thuộc cả 3 nước, với 216 con đường, dài tổng cộng hơn 20.000 km tỏa ra các chiến trường cả ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững. (Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch T.Ư Hội cựu TNXP VN, tính đến ngày thống nhất đất nước có 120.000 người gồm lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến đã làm nên đường Trường Sơn huyền thoại)

Trong gần 6.000 ngày đêm, đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa vũ khí, hơn hai triệu lượt người cho các chiến trường, góp phần quyết định thực hiện thành công chiến lược: giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 Chiến sĩ của tiểu đoàn công binh 25, binh trạm 31, Bộ tư lệnh 559 đang dẫn đường cho xe quân sự tại ngã ba bắc Siêng Phan đi Xômpêng. Ảnh: tư liệu

Chiến sĩ của tiểu đoàn công binh 25, binh trạm 31, Bộ tư lệnh 559 đang dẫn đường cho xe quân sự tại ngã ba bắc Siêng Phan đi Xômpêng. Ảnh: tư liệu

"Đây là con đường huyết mạch lớn nhất, chi viện cho chiến trường phía Nam. Những câu chuyện huyền thoại như ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, xe chạy không đèn, bánh không vỏ, cầu người… đều từ đây mà ra. Đặc biệt là sự sáng tạo không ngừng của bộ đội về tuyến ống dẫn xăng dầu bằng tre nứa, cũng như tinh thần đồng đội cao cả, tất cả cho tiền tuyến…"- Thiếu tướng Phan Khắc Hy , nguyên phó Tư lệnh Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn, từng xúc động chia sẻ.

Lực lượng bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện; lực lượng phòng không Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải làm nhiệm vụ chi viện; lực lượng giao liên Trường Sơn mở 3.000km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; lực lượng thông tin Trường Sơn đã xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn kilômét dây thông tin các loại; bảo đảm sự chỉ huy thông suốt toàn chiến trường Trường Sơn và từ Tổng hành dinh Hà Nội qua Trường Sơn tới thẳng các hướng chiến trường; bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã mở gần 1.900km đường ống xăng dầu ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Đường ống xăng dầu Trường Sơn là một kỳ tích vĩ đại về trí sáng tạo và sức mạnh của con người, góp phần tạo nên sức mạnh và hiệu quả của công tác chi viện chiến lược cho cách mạng của 3 nước Đông Dương…

Trường Sơn đã hóa thành mảnh đất thiêng rực lửa chiến công, niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam và nơi đây cũng là nỗi ám ảnh và khiếp sợ của kẻ thù với những địa danh đã trở thành huyền thoại như Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Đường 9-Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào…

Quân đội Hoa Kỳ phải thừa nhận, đường Trường Sơn là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Huyền thoại còn mãi...

Suốt 16 năm (1959-1975), những biến hóa khôn lường và đầy hiệu quả của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã khiến kẻ địch khiếp sợ và tìm mọi cách tàn phá. Đường Hồ Chí Minh đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp nghẹt” của nền khoa học-công nghệ cao Hoa Kỳ.16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược này, giặc Mỹ đã thực hiện trên 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn các loại - bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và chiếm một nửa tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hàng trăm lượt máy bay Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển, nhằm phá đường, phá xe, hủy diệt mọi sự sống trên cung đường này.

16 năm chiến đấu anh dũng, gần 20 nghìn người con ưu tú của Bộ đội Trường Sơn đã hy sinh; hơn 30 nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc hóa học.

Máu, nước mắt và mồ hôi của bộ đội, của TNXP… đã làm nên huyền thoại của tuyến đường.

Tuy nhiên, kẻ địch bất lực bởi đường Hồ Chí Minh không những không bị cắt đứt, mà ngày càng trở nên tinh vi và hoàn thiện hơn.

"Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội ta và dân tộc ta"- Cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nhấn mạnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhiều lần khẳng định: “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân đội và nhân dân ta sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ tồn tại mãi trong ký ức và trong tình cảm thiêng liêng Nam - Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam ta”.

Thế giới ngợi ca về con đường huyền thoại này, xem “Đường mòn Hồ Chí Minh là một sản phẩm kỳ diệu của tài năng, sự kiên nhẫn và sự hy sinh không bờ bến của con người”, “là hiện thân của những giấc mơ, những khát vọng của cả một dân tộc”.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng sự đóng góp của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt.

Hà Anh

16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương "Anh hùng LLVT nhân dân", được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân" cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duong-truong-son-duong-ho-chi-minh-ky-tich-cua-dan-toc-post296041.html