Đường Trường Sơn: Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc

Trong vòng 16 năm (từ năm 1959 đến năm 1975), Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã không ngừng vươn sâu, vươn xa, đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của chiến trường miền Nam, cũng như chiến trường Lào và Campuchia. Cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ của Bộ đội Trường Sơn là ác liệt nhất, dài ngày nhất, quy mô nhất và hiệu quả cao nhất. Có được thắng lợi đó là do tinh thần chiến đấu kiên cường của các đơn vị đứng chân trên tuyến lửa Trường Sơn với khát vọng và ý chí không gì có thể lay chuyển.

Tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Ảnh: Tư liệu

Tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Ảnh: Tư liệu

Để giữ vững liên lạc, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương Đảng cho phong trào cách mạng miền Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (tháng 1/1959) của Đảng đặt ra nhiệm vụ mở đường chi viện cho miền Nam. Sau đó, vào ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập có nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân. Với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa, đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng. Sau 3 tháng mở đường với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn được chính thức bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Từ dấu mốc này, hàng nghìn chuyến hàng hóa, vũ khí, đạn dược, lương thực, xăng dầu đã được vận chuyển vào Nam chi viện cho chiến trường.

Trong ký ức của mình, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559 vẫn nhớ về những kỷ niệm công tác, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. 10 năm gắn bó với con đường này, cũng là quãng thời gian ông và đồng đội đã chịu đựng qua bao khó khăn, gian khổ, thiếu ăn, thiếu ngủ, bệnh tật, sốt rét và liên tục phải hứng chịu những đợt rải bom đánh phá của giặc Mỹ. Sự hi sinh của những người đồng đội trên tuyến lửa Trường Sơn luôn khiến cho người lính già trầm ngâm, xúc động. “Đại đội cứ 10 ngày phải thay quân, trong đó có trường hợp chúng tôi rất đau lòng, khi địch đánh thì sập cả hầm, tiểu đội 12 người hi sinh mà lúc đó đang đánh nhau, không có cách gì mở ra được, hết mùa khô rồi mới đưa thi hài anh em ra được” - ông Sở nhớ lại.

Chiến trường Trường Sơn thực sự là một cuộc đọ sức ác liệt giữa ta và địch. Kẻ thù đã ném xuống tuyến đường này gần 4 triệu tấn bom đạn khiến cho rừng không còn lá, núi đá cũng trở thành đất bùn. Tuy nhiên, kẻ thù chẳng thể nào ngăn nổi bước tiến của những đoàn quân. Từ những bước đi lặng lẽ soi đường mở lối đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên, vận tải quân sự dài hàng chục nghìn ki lô mét. Theo những con đường rừng ấy, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực và hàng chục vạn cán bộ từ Nam ra, Bắc vào được luân chuyển, lưu thông.

Theo Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 thì từ đại ngàn Trường Sơn, với những chiến công thầm lặng của mình, Bộ đội Trường Sơn đã thực sự làm nên những kỳ tích trong lịch sử. Ông nói: “Để làm nên con đường đó là cả một chiến trường Trường Sơn địa bàn nằm trên 11 tỉnh của Việt Nam, từ Nghệ An vào đến Bình Phước và 7 tỉnh của Trung và Hạ Lào, 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Để mở một con đường và đưa được hàng thì lúc đầu bộ đội ta bắt đầu bằng gùi thồ thô sơ, mở đường bằng cuốc xẻng, sau đó, chúng ta mới tiến tới vận tải bằng cơ giới”.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại có 5 hệ thống trục dọc, 21 trục ngang với tổng chiều dài gần 2 vạn km, tuyến đường kín dài hơn 3 nghìn km và hệ thống đường sông dài 500km. Mặc cho đế quốc Mỹ đã tung vào cuộc chiến này những vũ khí tối tân hiện đại nhất, nhưng tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí thống nhất Tổ quốc đã giúp những người lính Trường Sơn vượt lên tất cả.

Cột mốc số 0 (thuộc thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) - đường Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Gia Ân

Cột mốc số 0 (thuộc thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) - đường Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Gia Ân

Thiếu tướng Hoàng Kiền là cán bộ trực tiếp khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh cho biết: “Trong suốt các cuộc chiến tranh nhân loại, chưa có nơi nào ác liệt như Trường Sơn. Tất cả các vũ khí hiện đại của Mỹ đều đưa lên đây hết, từ bom từ trường, bom nổ chậm, các loại mìn, chất độc hóa học nó rải xuống... Khó như vậy mà chúng ta đã đánh thắng đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Chính tinh thần quyết tâm và sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong tạo được sức mạnh tổng hợp để chúng ta thắng Mỹ ở Trường Sơn”.

Đúng là mưa bom, bão đạn của quân thù chẳng thể quật ngã tinh thần chiến đấu của người lính Trường Sơn, hướng về miền Nam thân yêu, cả Trường Sơn đã vào cuộc, núi rừng Trường Sơn rung chuyển phất lên một khí thế thi đua hào hùng, sôi nổi. Còn đó những khẩu hiệu đã trở thành lý tưởng, lẽ sống của người lính Trường Sơn: “Tất cả cho chiến trường đánh to, thắng lớn”, “Hàng nào cũng chở, đường nào cũng đi, đã đi là thắng lợi”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ nhưng đường không thể bị tắc”. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn mở rộng, vươn xa cho tới ngày đất nước thống nhất.

Đây cũng là nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. “Đường Hồ Chí Minh chẳng những không bị chặn cắt, không bị ngưng trệ mà còn phát triển thành một hệ thống giao thông phức hợp, làm tròn nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và các chiến trường khác. Điều làm nên tính chất huyền thoại của con đường Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở những con số, mà hơn thế, nó đã trở thành biểu tượng của ý chí, quyết tâm, khát vọng tự do thống nhất Tổ quốc của quân và dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ” - Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.

Năm 1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ghi trong cuốn sổ vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đó là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, khí phách anh hùng. Đó cũng là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta”. Như vậy, có thể thấy rằng, chặng đường hơn 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã bồi đắp, hun đúc làm nên những phẩm chất của Bộ đội Trường Sơn anh hùng; khí phách hiên ngang và tài năng sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn đã viết nên một chiến công lẫy lừng trong thời đại Hồ Chí Minh. Và tinh thần “dánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “sửa thác, nắn dòng” vẫn tiếp tục được những người lính Trường Sơn kế thừa và phát huy trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duong-truong-son-bieu-tuong-cua-y-chi-thong-nhat-to-quoc-post475987.html