Đường 13A - 'Con đường thắng lợi'

Đường 13A nối Ba Khe (Văn Chấn, Yên Bái) với đường 41 (ngã ba Cò Nòi, Sơn La) là tuyến giao thông huyết mạch đã đưa hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí vận tải phục vụ kịp thời cho chiến dịch Điện Biên Phủ, là biểu tượng của tinh thần anh dũng quật khởi của quân và dân cả nước, trong đó có Yên Bái làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Yên Bái nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, là khu căn cứ tập kết để tổ chức tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì vậy, Trung ương Đảng đã quyết định mở con đường 13A nối Ba Khe với đường 41 (ngã ba Cò Nòi, Sơn La) với tổng chiều dài 188km. Cùng quân dân cả nước, gần 125.000 lượt người, trong đó có tỉnh Yên Bái kiên cường dưới mưa bom bão đạn giữ vững tuyến giao thông huyết mạch để hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí vận tải phục vụ kịp thời cho chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng.

Ngược về quá khứ hơn 70 năm trước, tỉnh Yên Bái thời điểm đó được Đảng và Chính phủ đã giao cho mở đường 13 từ bến Phà Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe nối với đường 41 (ngã ba Cò Nòi-Sơn La) qua đèo Lũng Lô. Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, Tỉnh ủy Yên Bái đã thành lập Ban chỉ huy công trường 13.

Đường 13A, đoạn phải gấp rút sửa chữa thi công dài tới 120km, trong đó, khó khăn nhất là mở rộng đường qua đèo Lũng Lô địa hình hiểm trở với những dãy núi đá vôi, đá tai mèo rất khó thi công. Đúng thời gian đó, quân địch đã xây dựng xong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh và dân công của tỉnh cùng một số tỉnh bạn được huy động cùng tham gia mở đường 13A, đặc biệt là đoạn qua đèo Lũng Lô. Chỉ tính riêng địa phận Yên Bái có hơn 6.000 người tham gia làm đường. Trong đó, dân công xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn có hơn 300 người tham gia mở con đường, số người này được chia làm 3 trạm gọi là T100, mỗi trạm có một nhiệm vụ riêng.

Bằng sự lãnh đạo chặt chẽ và hiệu quả, trong thời gian ngắn, quân và dân Yên Bái đã làm mới và sửa chữa 188 km đường. Với khẩu hiện"Tất cả cho chiến trường, tất cả cho tiền tuyến”, trong vòng 3 tháng, ngành giao thông Yên Bái phối hợp với các lực lượng huy động nhân dân đã đóng góp 1.638 ngàn ngày công dưới mưa bom bão đạn, hoàn thành con đường chiến dịch trước thời gian 1 tháng, nối liền căn cứ địa Việt Bắc với Tây Bắc. Con đường đã vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, phá bom nối đường thông suốt, phục vụ cho chiến trường.

Cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong, dân công ngày ấy đã tham gia làm mới và sửa chữa 188 km đường.

Cũng bởi đường 13 A là tuyến mạch máu giao thông chính và duy nhất nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường nên địch đã tập trung đánh phá rất ác liệt. Tính ra nơi đây phải hứng chịu tới 12.000 tấn bom đạn các loại. Cuộc chiến đấu giành giật, bảo vệ từng mét đường diễn ra vô cùng ác liệt. Địch càng đánh dữ dội, tinh thần dũng cảm bám cầu giữ đường càng lên cao. "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, "Xe chưa qua ta chưa về” là khẩu hiệu và hành động của cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong, dân công ngày ấy.

Sau này trong hồi ký "Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Không có đường 13A thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ”. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng – đường 13A trở thành "con đường thắng lợi", như chữ ghi trên lá cờ Bác tặng ngành giao thông vận tải Yên Bái, là minh chứng của lòng quả cảm, sự hy sinh anh dũng, tinh thần quật khởi vượt gian khó của quân và dân cả nước nói chung và quân dân Tây Bắc, Việt Bắc trong đó có Yên Bái nói riêng.

70 năm đã trôi qua, con đường lịch sử 13A năm xưa nay đã mang tên mới là quốc lộ 37 nối miền núi với miền xuôi. Thế hệ những người đã chứng kiến và làm nên lịch sử, các thế hệ hôm nay và mai sau còn nhớ mãi về chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của con đường 13A.

Thanh Chi – Đức Toàn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/254/322276/duong-13a---c111n-duong-thang-loi.aspx