Đức giành ngôi vị nền kinh tế lớn thứ ba thế giới của Nhật Bản

Ngôi vị nền kinh tế lớn thứ ba thế giới mà Nhật Bản duy trì hơn 10 năm qua sẽ rơi vào tay của Đức trong năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Sự thay đổi này là do đồng yen của Nhật Bản giảm gia so với đồng đô la Mỹ và euro cũng như lạm phát tăng mạnh hơn ở Đức.

Đức vươn lên vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đẩy Nhật Bản xuống vị trị thứ 4. Ảnh: Business Today

Đức vươn lên vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đẩy Nhật Bản xuống vị trị thứ 4. Ảnh: Business Today

Theo dự báo mới của IMF, GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ bị Đức vượt qua trong năm nay, khiến nước này tụt từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng GDP của thế giới, tính theo đồng đô la Mỹ. GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ đạt khoảng 4,23 nghìn tỉ đô la trong năm 2023, giảm 0,2% so với năm 2022, so với 4,43 nghìn tỉ đô la của Đức, tăng 8,4% so với năm trước, theo ước tính của IMF. GDP trung bình đầu người ở Đức được dự đoán đạt 52.824 đô la trong năm nay, so với 33.950 đô la ở Nhật Bản.

GDP danh nghĩa mô tả tổng giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia, sử dụng giá cả hiện hành và không điều chỉnh theo lạm phát. Do đó, sự thay đổi ngôi vị kinh tế này cũng phản ánh giá cả ở Đức đang tăng với tốc độ mạnh hơn ở Nhật Bản. Tính theo hàng tháng, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản nhìn chung tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng lạm phát ở Đức tăng khoảng 9% vào đầu năm nay, trước khi chậm lại và giảm xuống mức 4% vào tháng 9. Bên cạnh đó, đồng yen mất giá nghiêm trọng cũng tác động đến GDP danh nghĩa của Nhật Bản. Trong năm nay, đồng yen giảm giá hơn 12% so với đồng bạc xanh

Dù đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài nhưng Nhật Bản vẫn giữ vững vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hơn một thập niên. Trước đây, Nhật Bản là nền kinh tế số 2 thế giới, sau Mỹ nhưng đã nhường lại vị trí đó cho Trung Quốc vào năm 2010.

Mặc dù có vị trí địa lý cách xa nhau, Nhật Bản và Đức thắt chặt mối quan hệ chính trị trong những năm gần đây và đối mặt những thách thức giống nhau. Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở hai nước này phụ thuộc rất nhiều vào máy fax, loại máy thường được được xem là biểu tượng của bộ máy hành chính trì trệ, khi hai nước chật vật chuyển đổi số.

Hai nước cũng có những điểm tương đồng khác bao gồm lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ và tiết kiệm của hộ gia đình ở mức cao. Tuy nhiên, Đức không gặp phải vấn đề tiền tệ như Nhật Bản. Đồng yen của Nhật Bản trượt vào đà giảm giá kéo dài trong nhiều năm qua. Hôm 23-10, đồng tiền này đã suy yếu về mức 150 yen ăn 1 đô la Mỹ lần thứ hai trong năm nay. Diễn biến này làm dấy lên cuộc thảo luận về khả năng chính phủ can thiệp thị trường ngoại hối để củng cố đồng nội tệ. Khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản và các thị trường khác đã khiến giá trị đồng yen giảm, đồng thời làm giảm sức mua của Nhật Bản ở nước ngoài.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng giá sau nhiều năm giảm phát.

Trước đó, các quan chức chính phủ Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tiền tệ. Họ đưa ra những bình luận thận trọng liên quan đến vấn đề can thiệp nhằm tránh gây sốc cho thị trường.

Báo cáo IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Nhật Bản tăng cao hơn một chút, ở mức 2% trong năm nay, nhờ du lịch bùng nổ ở trong nước và sự phục hồi trong xuất khẩu ô tô sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết.

Các số liệu GDP của IMF cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng dài hạn ổn định hơn ở Đức. Điều này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản lo ngại khi họ thảo luận chi tiết về gói kích thích kinh tế mới nhất.

Khi được hỏi về dự báo của IMF, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói: “Đúng là tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản đã tụt lại phía sau và vẫn ở mức chậm chạp. Chúng tôi muốn lấy lại nền tảng đã mất trong 20 hoặc 30 năm qua. Chúng tôi muốn đạt được điều đó thông qua các biện pháp như gói kích thích sắp tới”.

Hôm 23-10, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết gói kích thích kinh tế này bao gồm việc gia hạn trợ cấp năng lượng, một biện pháp nhằm giúp làm dịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập niên. Ông cũng tiết lộ sẽ có các biện pháp để đảm bảo duy trì đà tăng lương cùng với một số hình thức giảm thuế.

Thứ hạng kinh tế của Nhật Bản có thể còn tụt xuống hơn nữa trong những năm tới . IMF dự đoán Nhật Bản sẽ trượt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2028.

GDP của Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026 và nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2027. Các nhà phân tích từ S&P và Morgan Stanley, nhận định, Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, vào năm 2030. Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, mô tả Ấn Độ là “một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới”.

Theo Kyodo, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/duc-gianh-ngoi-vi-nen-kinh-te-lon-thu-ba-the-gioi-cua-nhat-ban/