Đưa kiến thức pháp luật về khu dân cư

Tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư có vai trò rất quan trọng để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người. Do đó, công tác này được MTTQ các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền để thu hút người dân tham gia.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn giải đáp những thắc mắc của người dân thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Ảnh: THÚY HẰNG

Nghe, hiểu để thực hiện đúng

8 giờ sáng, hội trường thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) có rất đông bà con về dự hội nghị tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.

Dựng vội chiếc xe bên hông trụ sở thôn, ông Hoàng Văn Nhiêu cho biết phần nhiều người dân của thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm gắn với ruộng rẫy nên nhiều quy định của pháp luật họ không rành. “Mà đã không rành thì làm không đúng. Vì vậy, tôi cũng như mọi người gác lại công việc, tranh thủ đi nghe cán bộ mặt trận ở tỉnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật để hiểu và làm theo Hiến pháp, pháp luật”, ông Nhiêu nói.

Tại hội nghị, gần 80 người dân đã chăm chú lắng nghe Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Thị Vân Anh phổ biến các luật, nghị quyết, nghị định mới được ban hành; đặc biệt là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, báo cáo viên còn cung cấp những nội dung thông tin cơ bản giúp các đại biểu nắm vững quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiệm vụ trong công tác giám sát và phản biện xã hội, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động người dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thực tế cho thấy, những việc tưởng đơn giản như không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, cho trẻ chưa đủ tuổi chạy xe máy hay như khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, mâu thuẫn gia đình, bà con làng xóm, gây mất an ninh trật tự xã hội, lừa đảo..., một phần đều do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Chị Vi Thị Bạch cho hay: Lâu nay, tôi ít khi quan tâm đến pháp luật vì nghĩ đây là vấn đề khó hiểu. Tuy nhiên, khi tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật này, được cán bộ, báo cáo viên pháp luật nhiệt tình giải thích, tôi đã hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận động mọi người trong gia đình thực hiện đúng quy định.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã giải đáp những thắc mắc hay gặp trong thực tiễn của người dân, nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh mong muốn, bà con nhân dân nơi đây chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong cộng đồng dân cư; từng bước hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.

Ông Hoàng Văn Nhiêu ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: THÚY HẰNG

Tạo sự thống nhất giữa chính sách pháp luật với đời sống

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư chính là cầu nối đưa pháp luật đến với mọi người, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đợt tuyên truyền lần này (từ 15/8-14/9), Ủy ban MTTQ tỉnh chọn những khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để tuyên truyền, như buôn Chung, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh); thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa); thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ và thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân); thôn Ma Đao, xã Cà Lúi và thôn Ma Y, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa); thôn Thái Long, xã An Lĩnh (huyện Tuy An)…

Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành pháp luật ngay tại cộng đồng dân cư, nội dung công tác tuyên truyền còn được MTTQ các cấp xây dựng lồng ghép trong các chương trình hành động như: Mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; kiện toàn, nâng cao chất lượng, vai trò hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở. Ngoài ra, để giúp người dân tiếp cận với chính sách pháp luật thông qua nhiều kênh khác nhau, cán bộ làm công tác mặt trận đã luôn chú trọng đến việc tiếp nhận thông tin về chính sách pháp luật để phổ biến, tuyên truyền cho người dân phù hợp với từng thời điểm; tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin để tham mưu cho cấp ủy có những giải pháp định hướng tình hình tư tưởng người dân trên địa bàn khu dân cư một cách kịp thời. Qua đó tạo được sự thống nhất giữa chính sách pháp luật với đời sống thực tiễn nên được người dân tiếp nhận nhanh chóng và thực hiện có hiệu quả.

Già làng La Lan Rơ ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Thôn Phú Tiến có gần 300 hộ là người dân tộc Chăm. Những năm gần đây, đồng bào nơi đây được trang bị các kiến thức về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hòa giải cơ sở… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã truyền tải được kiến thức pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, từ đó không chỉ góp phần nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật, hạn chế được hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn dân cư, mà còn tạo cơ sở pháp lý thuận lợi phát huy quyền làm chủ của người dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả của MTTQ và các tổ chức thành viên đã giúp cộng đồng khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức pháp luật. Qua đó, các hành vi vi phạm pháp luật giảm dần, nhiều phong tục lạc hậu được xóa bỏ, giảm thiểu mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Người dân tích cực làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Để pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống, đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho hay, trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên sẽ không ngừng cải tiến, đa dạng hóa nội dung, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung cho cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bởi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chính là cầu nối đưa pháp luật đến với mọi người, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/307246/dua-kien-thuc-phap-luat-ve-khu-dan-cu.html