Dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu: Đã thực hiện cơ chế chính sách cao nhất, có lợi nhất cho người dân

Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Nguyễn Xuân Quyết cho rằng: 'Với mức bồi thường hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng/m2, là 'giá kỷ lục' cho dự án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây mới trường học của Hà Nội, đối với các trường hợp nhà không có 'sổ đỏ', do các hộ dân sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Tính đến ngày 21/5/2024 đã có 5/15 hộ dân thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ, và bàn giao mặt bằng.Trong trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, 9h00 sáng ngày 22/5 UBND quận Hoàn Kiếm sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ còn lại. Ảnh: C.T

Tính đến ngày 21/5/2024 đã có 5/15 hộ dân thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ, và bàn giao mặt bằng.Trong trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, 9h00 sáng ngày 22/5 UBND quận Hoàn Kiếm sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ còn lại. Ảnh: C.T

Cam kết và khẳng định việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Vì thiếu diện tích nên trường Tiểu học Võ Thị Sáu với trên 400 học sinh đang phải phân tán tại 2 điểm, trong đó, điểm trường 18 ngõ Hàm Long có 7 lớp học với 200 học sinh nằm trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa chùa Hàm Long nên các sinh hoạt ngoại khóa rất bất tiện. Hơn nữa chùa Hàm Long nằm trong kế hoạch trùng tu, tôn tạo mà quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiến hành tu bổ trong thời gian tới. Điểm trường 35 Trần Hưng Đạo hiện chỉ đáp ứng được một phần công tác dạy học do đang sử dụng chung với các hộ dân, không đạt tiêu chuẩn về cảnh quan, cơ sở vật chất học tập của học sinh.

Thực tế với cơ sở vật chất khá chật chội như trường Tiểu học Võ Thị Sáu, rất nhiều người dân trong phường đã phải gửi con học trái tuyến. Mang tiếng là phường thuộc quận trung tâm Thủ đô, mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh nổi tiếng nhưng cơ sở vật chất trường học lại đang dưới ngưỡng quy định cho một phường thuộc Hà Nội.

Không cần phải nói, người ta cũng biết được chất lượng của việc dạy và học của nhà trường vào các ngày mùng 1, rằm hay các dịp lễ, nhà chùa tụng kinh gõ mõ cũng ảnh hưởng đến việc dạy và học. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là một trong những cơ sở hiếm hoi của giáo dục Hà Nội không có sân trường, giờ ra chơi học sinh ùa ra mặt ngõ đông, mất trật tự an toàn giao thông. Nếu đối chiếu với quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thiếu cả 6 tiêu chí về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Đã nhiều lần trong các hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND TP, HĐND quận các cử tri Hoàn Kiếm đã kiến nghị việc cần xây dựng cho người dân 2 phường Phan Chu Trinh, Hàng Bài một trường tiểu học mới, đạt chuẩn quốc gia. Đây là đòi hỏi chính đáng của người dân.

Trước thực trạng như thế, từ năm 2014 đến nay, UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã có chủ trường xây mới trường tại địa chỉ 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo. Theo đó, TP đã phải thay đổi từ chủ trương xây dựng trụ sở làm việc cho Kho bạc (Kho bạc Nhà nước Trung ương, Kho bạc Nhà nước Hà Nội) sang xây dựng trường học, một nhu cầu cấp thiết của người dân địa phương.

Ngày 25/11/2021, HĐND quận Hoàn Kiếm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây mới trường Tiểu học Võ Thị Sáu và UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3001/QĐ-UBND ngày 19/8/2022 với tổng mức đầu tư trên 387,5 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2026; được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của quận Hoàn Kiếm và đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh Nguyễn Xuân Quyết cho biết, toàn bộ các hộ dân tại 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo thuộc diện sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước (ký hợp đồng thuê nhà, được phân nhà) hoặc tự xây dựng cơi nới trong khuôn viên đất do Nhà nước quản lý.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức nhiều cuộc đối thoại, vận động, tuyên truyền với các hộ dân đều khẳng định việc thu hồi đất nhằm xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu bằng nguồn ngân sách.

Tại Hội nghị đối thoại và công khai dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư điều chỉnh đối với các hộ dân ngày 27/3/2024, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cam kết và khẳng định việc thu hồi đất, GPMB tại địa điểm 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo với mục đích là xây dựng trường công lập Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm.

Mức bồi thường hỗ trợ cao kỷ lục cho nhà đất không “sổ đỏ”

Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh Nguyễn Xuân Quyết cho rằng, dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013, là dự án có ý nghĩa rất lớn góp phần nâng cao mở rộng hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập cho con em, chất lượng giáo dục, đào tạo của ngành Giáo dục trên địa bàn quận.

Hiện nay UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai thực hiện việc lập hồ sơ thu hồi 1.233,7m2 đất tại 36A phố Trần Hưng Đạo và 43F-47C phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm theo đúng các văn bản của UBND TP Hà Nội và văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Việc thu hồi đất được triển khai theo đúng quy định của Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của UBND quận Hoàn Kiếm đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Xuất phát từ nguồn gốc ban đầu là toàn bộ các hộ dân tại 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo thuộc diện sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước (ký hợp đồng thuê nhà, được phân nhà) hoặc tự xây dựng cơi nới trong khuôn viên đất do Nhà nước quản lý. Do vậy, theo Điều 14 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì các phần diện tích này không được bồi thường và chỉ được thuê nhà tại nơi tái định cư.

Thời điểm năm 2019, UBND TP chấp thuận chính sách đặc thù đối với các hộ đang sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo tại Thông báo số 352/TB-VP ngày 23/10/2019. Theo đó, các hộ có hợp đồng thuê nhà và có QĐ phân nhà của Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà được bồi thường về đất, về nhà và cho mua nhà tái định cư (quỹ nhà Thượng Thanh, quận Long Biên). Các ngày 27/12/2023 và 29/12/2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các Quyết định phê duyệt phương án BTHTTĐC đối với 15 hộ dân. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt sau khi khấu trừ nghĩa vụ tài chính là: 37.688.247.000 đồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân khi phải di chuyển, GPMB, UBND quận Hoàn Kiếm đã báo cáo, đề xuất các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư có tính chất tương đồng đã triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tại các dự án trọng điểm của TP như Dự án GPMB xây dựng ga ngầm S12 thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu và đã được UBND TP chấp thuận.

Trên cơ sở đó UBND quận đã chủ động xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ điều chỉnh đối với các hộ dân tại địa chỉ 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo thực hiện dự án xây dựng trường tiểu học Võ Thị Sáu. Đây là cơ chế chính sách có lợi nhất, duy nhất và cuối cùng cho người dân, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ sau khi khấu trừ nghĩa vụ tài chính thì các hộ dân được nhận là 163 tỷ, phát sinh tăng 125 tỷ đồng so với tổng số tiền bồi thường hỗ trợ đã được phê duyệt tại các Quyết định phê duyệt phương án BTHTTĐC năm 2023 của UBND quận Hoàn Kiếm.

Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh Nguyễn Xuân Quyết cho rằng: “Với mức bồi thường hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng/m2, là “giá kỷ lục” cho dự án bồi thường hỗ trợ GPMB xây mới trường học của Hà Nội, đối với các trường hợp nhà không có “sổ đỏ”, do các hộ dân sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Dường như Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàn Kiếm đã áp dụng những điều khoản có lợi nhất cho người dân, áp khung giá “đặc biệt của đặc biệt” để khởi công đúng hạn định, thực hiện giấc mơ hơn 20 năm qua về một ngôi trường học đúng nghĩa của người dân”.

Các hộ dân gia đình ông Nguyễn Hải Phong, Trần An Hải là những người đầu tiên thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ, và bàn giao mặt bằng, các hộ dân trên đều cho rằng, bản thân gia đình không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có giấy thuê nhà, mà dự án công ích, vì lợi ích chung nên sẵn sàng ủng hộ.

Tính đến ngày 21/5/2024 đã có 5/15 hộ dân thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ, và bàn giao mặt bằng. Trong trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, 9h00 sáng ngày 22/5, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ còn lại.

Đông Hùng - Công Thọ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-an-xay-dung-truong-tieu-hoc-vo-thi-sau-da-thuc-hien-co-che-chinh-sach-cao-nhat-co-loi-nhat-cho-nguoi-dan-381544.html