Đồng thầy Ngô Quang Đạo: Đạo Mẫu luôn hướng đến bách gia trăm họ

Đạo Mẫu luôn hướng đến bách gia trăm họ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Các thánh là người cận kề sát vai với nhân dân, từ miếng ăn giấc ngủ, manh áo.

Tôi là Ngô Quang Đạo, Sinh ngày: 10/10/1981, hoạt động trong lĩnh vực tâm linh, ở tạiThôn 9 xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Quá trình trở thành một thanh đồng

Trước đây, tôi cũng không tín về hầu đồng. Nhưng có một thời gian, phần gia tiên nhà tôi được đồng thầy của tôi là Lê Thị Sử đến làm lễ tạ đất, khi đó có ngài ứng vào em gái tôi và bảo rằng tôi phải ra trình đồng mở phủ để xin lộc làm ăn. Sau đó, tôi về bản điện Thiên An điện, được đồng thầy họ Lê dẫn trình cho mình ra mở phủ.

Ngày 01/11/2015, tôi chính thức bước chân vào con đường đạo Mẫu. Nhờ ơn phật thánh và gia tiên dẫn đường chỉ lối nên tôi ra đồng sớm, không bị vướng cơ đày. Tôi hầu chính ở đền Lớn – Thánh Cao Sơn Linh Từ, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ngoài ra, tùy thuộc tín đồ, là những gia chủ có nhu cầu muốn mình hầu ở đền Hoàng hay đền nào đó thì tôi cũng sẵn lòng.

Thực ra, với một đồng nghèo lính khó như tôi để hầu ở các đền to phủ lớn thì cũng khó có đủ điều kiện để trang trải. Hiện tại, ở đền Lớn chưa có ai làm thủ nhang, chỉ có các ông bà tôn tạo lên nên tôi về đây để hương khói, hầu hạ tại bản đền, làm đúng việc thánh.

Về tầm quan trọng của thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam hiện đại

Đạo Mẫu luôn hướng đến bách gia trăm họ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Các thánh là người cận kề sát vai với nhân dân, từ miếng ăn giấc ngủ, manh áo. Gia đình hạnh phúc hay không là nhờ có các ngài.

Tùy vào niềm tin của mỗi người, ai tin thì có, không tin thì không có, nhưng tôi nghĩ rằng đạo Mẫu là một nét tâm linh vô cùng tuyệt vời. Phải thực tế đi sâu vào thì mới hiểu cảm giác nó như thế nào, vi diệu ra sao.

Gia đình tôi mọi người đều hướng và tin vào tâm linh, trong đó có vợ tôi. Đặc biệt, mẹ tôi là người tín về đạo Mẫu, theo bản điện Thiên An điện cũng đã lâu nhưng đến thế hệ của tôi mới chính thức ra phụng sự bề trên. Vì vậy, tôi được sự ủng hộ và hậu thuẫn của gia đình để mình làm việc, nên mọi thứ cũng khá thuận lợi, suôn sẻ nhiều mặt, kể cả trong kinh tế hay tình cảm.

Một số trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Vào dịp khánh tiệc của Hoàng Mười, tôi bị ốm gần 1 tháng trời mà không hiểu vì sao, có khi sức khỏe đang bình thường, bỗng dưng lại vào đắp chăn kín mít, run rẩy, đi khám thì bác sĩ bảo không có bệnh tật gì, nên trở về nhà.

Tôi nhớ hôm đó là ngày rằm tháng 10, khi mình đã ra đồng được 5 năm thì đồng thầy của tôi xin Hoàng cho mình về hầu ở đền Lớn, kể từ khi nhận lệnh về đây hầu thì tôi khỏe mạnh trở lại. Ngoài ra tôi còn gặp phải nhiều chuyện khác, nếu không tin vào tâm linh chắc rằng không có tôi như ngày hôm nay.

Trên hành trình theo đạo Mẫu, điều đáng nhớ nhất của tôi là khi tôi ra mở phủ, lúc bạch nhật xong, bản thân còn vỏn vẹn 3 triệu đồng, rất khó khăn về mặt tài chính. Thế nhưng vì cái tâm phụng sự thiên thánh, nên thời ấy một năm tôi vẫn duy trì hầu 2 vấn. Ơn nhờ phật thánh cho mình có sức khỏe, có đồng ngân đồng xuyến.

Hiện tại, tôi hầu nhiều hơn, trung bình mỗi tháng hầu từ 4-5 vấn, hay 2-3 canh. Còn về chi phí thì phụ thuộc vào đồng nghèo lính khó, thầy trò cùng đóng phè tạo phúc giúp đỡ nhau tùy vào từng canh đàn mở phủ. Thực sự, hầu thánh thì tiền bạc không biết bao nhiêu là đủ, giàu thì một bó, khó thì một nén. Có nhiều thì mình làm sang, nếu không có thì mình dâng trà, quả, giọt dầu… thành tâm hầu thánh.

Tùy thuộc vào từng canh đàn, không quy định có mấy cung văn, thông thường tầm 3 cung văn.

Hiện tượng biến tướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Tôi thấy trong một số hội nhóm “đồng tân lính mới, đồng nghèo lính khó” trên mạng xã hội xuất hiện các hiện tượng biến tướng, điển hình như việc hầu không có lề lối, hay là xem bói online… ảnh hưởng đến hội đồng phật thánh.

Tôi nghĩ cần có sự quản lý của các cơ quan ban ngành, nhất là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch… hay các đền cao phủ lớn phải giám sát chặt chẽ những canh hầu chưa đúng phép tắc; cần nghiêm túc đứng ra giải quyết, răn đe để các thanh đồng giữ gìn nét đẹp của đạo Mẫu.

Để phát huy được tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội ngày nay

Không chỉ trước đây, mà ngày nay vẫn còn nhiều khu vực, nhiều người hiểu xấu về tín ngưỡng thờ mẫu, họ xem đó là mê tín dị đoan, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tâm trí. Vì vậy, để phát huy được tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội, theo tôi trước hết vẫn phải cần đến các cơ quan ban ngành của nhà nước, thường xuyên tổ chức các buổi hầu diễn xướng đúng chuẩn mực để các thanh đồng và bà con nhân dân được tiếp cận và hiểu về đạo Mẫu nhiều hơn. Bên cạnh đó, từ những thông tin chính thống của nhà nước, giúp người dân có những suy nghĩ đúng đắn về tín ngưỡng, không bị sai lệch, hướng con người đến những điều tốt đẹp.

Việc đưa hầu đồng lên sân khấu

Nếu là nơi không có thờ tự tam tứ phủ, thì theo tôi không nên đưa thực hành tín ngưỡng lên, bởi sẽ làm mất lòng tin của nhân dân. Bởi đây không phải là một tiết mục để đưa ra biểu diễn, trưng bày. Chúng ta nên thực hành, hát chầu Văn, hầu đồng trên sập công đồng, ở đền phủ có sự linh thiêng và tôn nghiêm.

Để giữ được tính thiêng, vừa làm cho thực hành tín ngưỡng được lan tỏa thì cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ về ý nghĩa của nét đẹp cổ kính của thờ Mẫu, không chỉ trên internet mà cần tuyên truyền trực tiếp về các phường, xã. Từ đó chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các đồng thầy, thanh đồng hoạt động được rộng rãi. Bên cạnh đó nên đưa hầu xướng đi thực hành ở các vùng miền để các thanh đồng đạo quan họ tiếp cận rộng rãi, dần dần phát triển mạnh mẽ.

Việc sáng tác các điệu hát, múa dựa vào chầu hầu đồng

Chầu Văn vốn dĩ là những giai điệu cổ, có từ xa xưa, rất dễ thấm nhuần và đi sâu vào lòng người. Nếu sáng tác các điệu hát mới mà vẫn giữ được nét gốc của chầu Văn để biểu diễn nghệ thuật thì theo tôi có thể được.

Ngô Quang Đạo

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-thay-ngo-quang-dao-dao-mau-luon-huong-den-bach-gia-tram-ho-a24820.html