Đồng hành với thanh niên lập nghiệp

Phong trào 'Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp' được Thành đoàn Sông Công triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ phong trào này, nhiều đoàn viên, thanh niên đã năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương.

Mô hình trồng dưa chuột baby trong nhà màng của anh Lê Hữu Hiệu, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trở về địa phương sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Dương Quốc Điệp, tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang, mang trong mình nhiều khát vọng. Nắm bắt được nhu cầu của anh Điệp và ĐVTN cơ sở, Thành đoàn Sông Công đã tổ chức cho họ đi tham quan, học hỏi một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Trong đó, mô hình nuôi cá trê và nuôi lươn, chạch được anh Điệp lựa chọn để khởi nghiệp.

Anh Điệp chia sẻ: Hiện nay, mô hình của tôi có quy mô gần 1.000m2, với 5.000 cá trê và 1 vạn con chạch đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tôi mong rằng mô hình này được nhân rộng nhiều hơn trong đoàn viên thanh niên để vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, vừa đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Còn annh Lê Văn Hiệp, sinh năm 1990 ở xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, lại lựa chọn mô hình du lịch cộng đồng để khởi nghiệp. Anh Hiệp cho biết: "Thực hiện chủ trương của thành phố về phát triển du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, tôi quyết định nghỉ làm vận tải về đầu tư khu du lịch và nuôi trồng thủy sản".

Tháng 9-2019, anh Hiệp thành lập HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè với 19 thành viên, trong đó có 10 thành viên chính thức tham gia làm du lịch cộng đồng. HTX đã đầu tư một số công trình như: Khu tiếp đón, bãi đỗ xe, khu vực nhà ăn và 3 tàu thuyền đưa đón khách tham quan quanh hồ. Riêng hệ thống nhà ăn được đầu tư theo dạng nhà sàn của đồng bào dân tộc miền núi và cải tiến theo hướng hiện đại. Dù mới đi vào hoạt động thời gian ngắn nhưng cơ sở đã thu hút rất đông du khách, trung bình từ 10.000 đến 20.000 lượt khách/năm.

Không chỉ có anh Điệp, anh Hiệp, những năm gần đây, trên địa bàn TP. Sông Công đã xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo ở nhiều lĩnh vực do thanh niên làm chủ. Để hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, Thành đoàn đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi; dạy nghề phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời tín chấp, giúp đỡ ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế.

Trong 3 năm trở lại đây, Thành đoàn tổ chức 2 chương trình Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp cho ĐVTN; phối hợp tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm với 75 hoạt động thu hút 15.000 lượt ĐVTN tham gia. Ngoài ra, Thành đoàn còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp và đơn vị chức năng tổ chức 35 lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 1.700 thanh niên.

Các mô hình, câu lạc bộ “Thanh niên phát triển kinh tế”, “Thanh niên khởi nghiệp”, câu lạc bộ theo ngành nghề, việc làm được các đơn vị thành lập và hoạt động hiệu quả. Thông qua tổ chức Đoàn, nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội được triển khai hiệu quả với trên 20,8 tỷ đồng cho gần 600 hộ gia đình chính sách và thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.

Anh Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Thanh đoàn Sông Công, nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn kết nối tổ chức các hoạt động của Đoàn cũng như định hướng cho các đoàn viên, thanh niên để tạo ra chuỗi hoạt động, chuỗi mô hình, nhằm khai thác, phát huy và hỗ trợ cho các ĐVTN có ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp.

Dù hành trình khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, song với sức trẻ, niềm tin, quyết tâm và sức sáng tạo, ĐVTN TP. Sông Công đang nỗ lực để vươn lên. Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình mà còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm, từng bước giúp những vùng quê thêm khởi sắc…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/dong-hanh-voithanh-nien-lap-nghiep-7e90b1e/