Dồn dập các giải pháp can thiệt thị trường, giá vàng giảm nhiệt trong bao lâu?

Nhiều phiên đấu thầu vàng kết hợp với các biện pháp hành chính, như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá… giá vàng sẽ giảm nhiệt trong bao lâu?

Giá vàng giảm, chênh lệch còn cao

Giá vàng tăng trong tuần thứ hai liên tiếp sau khi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ củng cố dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hạ lãi suất hai đợt trong năm nay. Giá vàng quốc tế đã tăng từ mức 2.332 USD/ounce lên tới mức 2.422 USD/ounce và đóng cửa ở mức 2.414 USD/ounce và đã tăng gần 5% trong 2 tuần qua.

NHNN đã cung ứng ra thị trường 27.200 lượng vàng miếng, tương đương 1,02 tấn

NHNN đã cung ứng ra thị trường 27.200 lượng vàng miếng, tương đương 1,02 tấn

Trong khi giá vàng thế giới liên tục tăng cao lập đỉnh, giá vàng trong nước lại có phần “yên ả” hơn. Giá vàng miếng SJC ghi nhận một tuần sụt giảm. Phiên giao dịch cuối tuần 19/5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 87,7 triệu đồng và bán ra 90,4 triệu đồng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng miếng giảm 1,1 triệu đồng ở chiều mua và giảm 900.000 đồng ở chiều bán ra.

Ngược lại, vàng nhẫn tiếp tục tăng giá trong tuần này. Giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 75,6-77,2 triệu đồng mỗi lượng và có sự khác biệt giữa các thương hiệu. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI neo vàng nhẫn 24K quanh 76,15-77,75 triệu đồng, cao hơn mức kỷ lục đầu tháng 4. Tại Bảo Tín Minh Châu, mỗi lượng vàng loại này bán ra gần 77,38 triệu đồng, mua vào 75,98 triệu.

Chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC đã tăng lên 2,7 triệu đồng/lượng và đối với vàng nhẫn cùng thương hiệu là 1,6 triệu đồng.

Từ 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng, tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (khoảng 1,02 tấn). Tuần tới, NHNN tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21 và 23/5.

NHNN thông báo thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây. Cùng với đó để tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Vừa qua Bộ Công an đã có kiến nghị các hàng loạt giải pháp kiểm soát giá vàng trong thời gian tới như: Áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng…

Về giải pháp trung và dài hạn, NHNN cho biết sẽ tiếp tục quan sát, đánh giá toàn diện diễn biến thị trường vàng, từ đó có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế tại Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Khó đoán giá vàng sẽ hạ nhiệt bao nhiêu

Các biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng được đưa ra dồn dập. Thị trường vàng đang hạ nhiệt nhưng khả năng kéo dài đến đâu?

Căng thẳng địa chính trị cũng như trên thế giới xảy ra nhiều cuộc xung đột thương mại liên quan đến thuế quan, khiến giá hàng hóa tăng cao và gây tổn hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần khiến FED thất bại trong cuộc chiến chống lại lạm phát. Ngoài ra, những diễn biến về mặt chính trị như cuộc bầu cử quan trọng từ Mỹ. Việc có thể thay đổi chính quyền với những chính sách chưa rõ ràng sau đó, thúc đẩy việc mua vàng để phòng ngừa rủi ro. Phần lớn các chuyên gia thế giới trong ngành tin rằng giá vàng sẽ còn tăng giá hơn nữa trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, dù giá vàng khó tránh khỏi những điều chỉnh, tích lũy, nhưng điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng của giá vàng.

Với trong nước, hiện, mức chênh lệch của giá vàng miếng trong nước với quốc tế đã được kéo xuống nhưng vẫn là mức chênh lệch quá cao. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới đang ở mức 74,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đắt hơn thế giới 16,2 triệu đồng trong khi vàng nhẫn cùng thương hiệu cao hơn 3 triệu đồng.

Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng quý I/2024 của Hội đồng Vàng thế giới công bố mới đây ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng tại Việt Nam tăng so với cùng kỳ. Nhu cầu tăng là một trong những yếu tố thúc đẩy giá vàng trong nước tăng.

Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, việc đấu thầu sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường vàng trong nước song "không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này".

"NHNN Việt Nam tiến hành đấu giá vàng để can thiệp trên thị trường diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới" - ông Shaokai Fan nói.

Ở khía cạnh tăng cung hướng tới "hạ nhiệt" giá vàng trong nước, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới, ông Shaokai Fan phân tích, Việt Nam có khai thác vàng nhưng sản lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng xảy ra ở một số nước khác, như Trung Quốc… Tuy nhiên do mức chênh lệch không cao như Việt Nam, nên hầu như ít có quốc gia can thiệp.

Theo ông Shaokai Fan, gần đây có Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp bằng cách bán dự trữ vàng ra thị trường hồi năm 2023 khi cầu tăng đột biến, nhưng việc này cũng không kéo dài.

Cho nên, để tăng nguồn cung hoặc phải dựa vào nhập khẩu vàng, hoặc người dân phải bán số vàng họ đang găm giữ. "Trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, cách duy nhất là phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước" - ông Shaokai Fan nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong nước cũng cho rằng, đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường chỉ là giải pháp mang tính chất cấp bách, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài.

“Hiện nay chúng ta không biết nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. Chưa kể, trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn duy trì đà tăng mạnh như hiện tại thì nhu cầu mua vàng của người tiêu dùng tại thị trường trong nước sẽ vẫn ở mức cao. Nếu tiếp tục biện pháp này trong dài hạn thì quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ dần suy giảm, từ đó, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh tiền tệ quốc gia”- PGS. TS Ngô Trí Long nói.

Theo GS.Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay dự trữ vàng của Việt Nam chiếm khoảng 0,68% tổng dự trữ ngoại hối. Nếu NHNN tổ chức đấu thầu cung ứng vàng miếng có thể xuất được 2-3 tấn vàng, quỹ dự trữ vàng giảm xuống 0,5% là mức không thể giảm hơn được nữa.

"Căn cơ vẫn là phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP, tập trung vào các nội dung xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều." - GS.TS Trần Thọ Đạt nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nếu phát hiện các sai phạm, đặc biệt là vấn đề đầu cơ, đẩy giá thì cần giải quyết triệt để.

Một tháng nữa nếu tiệm vàng không kết nối hóa đơn với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Trên thực tế vẫn còn nhiều tiệm vàng tìm cách né thực hiện việc xuất hóa đơn cho khách hàng. Trong khi các công ty vàng lớn xuất hóa đơn điện tử ngay cho người mua sau khi nhận tiền thì tại không ít cửa hàng vàng tư nhân, việc xuất hóa đơn điện tử được hẹn sau một vài ngày. Nhiều tiệm vàng dù đã kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với cơ quan thuế nhưng chỉ kết nối theo kiểu đối phó cho có, còn sau đó bán hàng vẫn ghi phiếu riêng do tiệm vàng tự in chứ không xuất hóa đơn. Nhiều khách hàng mua nữ trang hầu hết là khách lẻ, do vậy ít có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử mà chỉ lấy biên nhận mua từ tiệm vàng để sau này có nhu cầu đổi hoặc bán lại.

Sau các cuộc đấu thầu vàng của NHNN, giá vàng sẽ hạ nhiệt một chút, nhưng xuống đến mức bao nhiêu còn tùy vào thị trường. Để thị trường giá vàng trong nước tiến sát hơn với giá vàng thế giới không chỉ có một biện pháp đấu thầu mà cần rất nhiều biện pháp tổng hòa, hỗ trợ nhau. Nếu chỉ xóa độc quyền vàng miếng mà không bổ sung vàng nguyên liệu khi lực cầu vẫn cao thì giá vàng trong nước vẫn không thể trở về đúng với giá trị của nó. (Chuyên gia kinh tế - ngân hàng TS Nguyễn Hữu Huân)

Trong bối cảnh hiện nay, NHNN và các cơ quan liên quan phải triển khai đồng bộ giải pháp, khi Việt Nam đã hội nhập với thế giới thì chúng ta không chỉ nên chú trọng đến vàng vật chất mà cần chú trọng đến vàng “tài khoản”, vàng “kỳ hạn”. Khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp giảm bớt phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường. Người dân yên tâm vẫn có vàng nếu muốn dự trữ, lại đảm bảo được ngoại tệ, tránh tình trạng người dân mua vàng về xong để trong nhà tích trữ, làm “chết” một khối lượng tiền ở đấy. (Chuyên gia kinh tế- PGS.TS Ngô Trí Long)

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/don-dap-cac-giai-phap-can-thiet-thi-truong-gia-vang-giam-nhiet-trong-bao-lau.html