Đối tác bình đẳng và đáng tin cậy

Năm 2023 là cơ hội lớn để Nhật Bản tăng cường hợp tác toàn diện với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị hai bên.

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 26. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 26. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nhìn lại sự cải thiện nhanh chóng trong quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN từ năm 1973, cả hai đã khắc phục được các vấn đề kinh tế và lịch sử thông qua đối thoại sâu rộng trên cơ sở “quan hệ đối tác bình đẳng”. Có thể nói, mối quan hệ này đã có sự phát triển đáng kể trong nửa thế kỷ qua.

Trong chuyến thăm từ ngày 8-13/10 đến 4 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Brunei, Lào và Thái Lan, tân Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko cho biết chuyến thăm nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ Nhật Bản-ASEAN, đồng thời khẳng định Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và an ninh, giao lưu nhân dân cũng như thảo luận các biện pháp ứng phó với các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia, Thủ tướng Fumio Kishida đánh giá trong nửa thế kỷ xây dựng, đặc điểm nổi bật của quan hệ Nhật Bản-ASEAN là những đối tác tin cậy với sự chân thành, hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực, phát triển bền vững và thịnh vượng. Ông nhấn mạnh nền tảng của điều này là sự tương tác giữa mọi người trong nhiều lĩnh vực và tầng lớp khác nhau.

Đề cập đến chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN, Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ tính trung tâm và thống nhất của ASEAN, cũng như quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), bày tỏ mong muốn hợp tác để đảm bảo rằng nhiều quốc gia chia sẻ và hợp tác với các nguyên tắc và hoạt động được nêu trong AOIP. Nhật Bản đã công bố một "Sáng kiến kết nối toàn diện Nhật Bản-ASEAN" mới nhằm tăng cường hơn nữa kết nối cả về khía cạnh cứng và mềm, hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng theo sáng kiến Cộng đồng châu Á không phát thải (AZEC) và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường thông qua Chương trình Chiến lược về khí hậu và môi trường ASEAN (SPACE). Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân và trí tuệ hấp dẫn cũng như hỗ trợ giáo dục tiếng Nhật.

Đối với tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, của trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật, Thủ tướng Kishida chỉ ra rằng để ASEAN tiếp tục là “trung tâm tăng trưởng”, điều cần thiết là phải duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế. Ông đồng thuận với các nước ASEAN về quan điểm tất cả các nước nên tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Giáo sư Mie Oba, Khoa Luật Đại học Kanagawa, cho rằng cả ASEAN và Nhật Bản hiện phải đối mặt với những thách thức bên ngoài trong bối cảnh thế giới biến động khó lường do sự thay đổi cân bằng quyền lực và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc leo thang. Việc điều hướng các động lực quyền lực này rất phức tạp vì vậy cả Nhật Bản lẫn các nước ASEAN đều không thể đơn giản chọn bên này hay bên kia.

Giáo sư nhận định khi cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng một cách tiếp cận mới, đảm nhận vai trò thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Đề xuất của Nhật Bản về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là một trường hợp điển hình. Giống như ASEAN, Nhật Bản cũng nhận thấy rằng nước này không đủ sức mạnh để một mình thúc đẩy và duy trì một trật tự khu vực như vậy. Theo Giáo sư Mie, mặc dù lợi ích và mục tiêu của Nhật Bản và ASEAN trong các vấn đề cụ thể không phải lúc nào cũng trùng khớp, nhưng hai bên cần tăng cường hợp tác vì cả hai đều cần các đối tác để thúc đẩy trật tự khu vực ổn định và giải quyết các thách thức chung. Cả ASEAN và Nhật Bản cần đảm bảo quyền tự chủ ngoại giao và duy trì tiếng nói của mình trong bối cảnh có sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Khi trật tự khu vực ngày càng trở nên bất ổn, đã đến lúc ASEAN và Nhật Bản xây dựng mối quan hệ đối tác mới, bình đẳng, dựa trên hợp tác quốc phòng và an ninh, phát triển kinh tế bền vững, công bằng và hiểu biết lẫn nhau chặt chẽ hơn
Giáo sư Kitti Prasirtsuk, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Thammasat (Thái Lan), đánh giá dù đã từng trải qua những thách thức, mối quan hệ giữa ASEAN-Nhật Bản sau 50 năm đã có một nền tảng sâu sắc về hợp tác kinh tế, các hoạt động giao lưu nhân dân, xã hội và văn hóa được xây dựng trên sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trên quy mô lớn, là điểm neo giữ các thỏa thuận giữa Nhật Bản với các đối tác Đông Nam Á.

Theo Giáo sư Kitti Prasirtsuk, các nước Đông Nam Á đã phát triển đáng kể và có thể hoạt động không chỉ với tư cách là thị trường của Nhật Bản mà còn là đối tác trong nhiều khía cạnh kinh tế-xã hội khác nhau. Dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản – ASEAN mang đến cơ hội xây dựng mối quan hệ hiện có giữa hai bên thông qua “đồng sáng tạo”. Điều này liên quan đến việc hợp tác chặt chẽ hơn để tổng hợp và hòa trộn các yếu tố và lợi ích xã hội, văn hóa. Trong lĩnh vực ngoại giao mềm, các ngành văn hóa như ẩm thực, văn hóa đại chúng và du lịch là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn. Hợp tác và đồng sáng tạo sẽ cho phép Nhật Bản và ASEAN tiếp tục mối quan hệ lành mạnh, góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Giáo sư Takashi Shiraishi, Đại học Kumamoto lưu ý trong bối cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản-ASEAN vào tháng 12 tại Tokyo đang đến gần, Nhật Bản cần cân nhắc việc hợp tác nhiều tầng với ASEAN. Quy mô kinh tế tổng hợp của 10 quốc gia ASEAN được dự đoán sẽ vượt qua Nhật Bản vào khoảng năm 2030, trong đó Indonesia, Philippines và Việt Nam chiếm gần 65% quy mô kinh tế tổng thể dự kiến.

Theo Giáo sư, tình hình ở Đông Nam Á có thể sẽ thay đổi ở mức độ đáng kể, chính vì vậy, điều quan trọng là Nhật Bản phải tiếp tục ủng hộ sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia thành viên có vị trí chiến lược. Giáo sư cho rằng mối quan hệ tin cậy cần được tăng cường vì không có sự hợp tác ổn định nào có thể thực hiện được nếu không có sự tin tưởng. Ông nhấn mạnh để đảm bảo hơn nữa trật tự khu vực, cần phải hợp tác với ASEAN bằng cách duy trì luật pháp quốc tế và tuân thủ các chuẩn mực được ghi trong Hiến chương ASEAN. Để đạt được mục tiêu đó, Nhật Bản và ASEAN cần chung tay thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa thế hệ trẻ hai bên và đây chính là chìa khóa để làm sâu sắc thêm sự tin tưởng.
Nhật Bản coi hội nghị cấp cao tháng 12 kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị với ASEAN là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất năm. Dự kiến, hội nghị sẽ ra một tuyên bố chung bao gồm tầm nhìn về sự hợp tác mới giữa các bên. Giáo sư Takashi nhấn mạnh để thúc đẩy hợp tác Nhật Bản-ASEAN, Thủ tướng Fumio Kishida phải nêu rõ tại hội nghị cấp cao này về việc Nhật Bản coi trọng mối quan hệ tin cậy với ASEAN đến mức độ nào.

Theo khảo sát thường niên về “Tình hình Đông Nam Á” do Viện ISEAS-Yusof Ishak thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023, ngày nay, Nhật Bản là một trong những cường quốc ngoài khu vực đáng tin cậy và quen thuộc nhất đối với các nhà lãnh đạo và công chúng Đông Nam Á. Đổi lại, Đông Nam Á có vai trò ngày càng quan trọng đối với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh và kinh tế.
Thủ tướng Kishida từng tuyên bố Tokyo muốn cho thế giới thấy rằng Nhật Bản và ASEAN là những đối tác đáng tin cậy, sẽ dẫn đầu một kỷ nguyên mới và cùng nhau tạo ra một tương lai bền vững và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Nguyễn Tuyến (Pv TTXVN tại Nhật Bản )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/doi-tac-binh-dang-va-dang-tin-cay-20231016104804751.htm