'Đội quân phó cối' ở Điện Biên Phủ

Ngồi trong căn nhà có khoảng sân vườn rộng, người đại tá già đang tỉ mẩn chấp bút viết lại hồi ký về những ngày tháng không bao giờ quên ở Điện Biên Phủ.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến thăm nhà một cựu chiến binh lão thành từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Cục trưởng Cục Quân trang, nay là Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần. Năm nay ông đã bước qua tuổi 93 xưa nay hiếm nhưng những ký ức một thời hoa lửa ở Điện Biên Phủ vẫn theo ông suốt cả cuộc đời.

Đại tá Trần Thịnh Tần kể về những ngày tháng không bao giờ quên ở Điện Biên Phủ. Ảnh: QUỐC VŨ

Sáng kiến “Đội quân phó cối”

Đại tá Trần Thịnh Tần sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Những năm 1944-1945, chứng kiến cảnh người dân chết đói như rạ, cậu bé Tần cùng gia đình nấu hai nồi cháo to cho bà con ai đói thì đến ăn. Và cũng từ việc chứng kiến những cảnh như thế, tinh thần đấu tranh trong con người ông được thôi thúc. Gia đình ông có năm anh em trai, bốn anh em lên đường đi bộ đội. Người em út cũng đòi đi những phải ở lại chăm lo cho cha mẹ già ở nhà.

Khi mới 13 tuổi, ông tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong cứu quốc rồi làm nhiều việc như giao liên, rải truyền đơn cách mạng. Năm 18 tuổi, khi thấy bộ đội tuyển quân, ông tình nguyện xin tham gia và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân khóa 6.

Đồng bào Tây Bắc đã đóng góp một lượng lương thực bằng khoảng 27% tổng nhu cầu lương thực toàn chiến dịch. “Đội quân phó cối” đã cùng đồng bào Tây Bắc góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Sau khi học xong, ông được bổ sung tăng cường cho Đại đoàn 312, Trung đoàn 165. Năm 1954, khi ấy 22 tuổi, ông đã có mặt tại Điện Biên tham gia đơn vị chiến đấu. Một thời gian sau, ông được điều về tăng cường cho Tổng cục Cung cấp lúc ấy rất nhiều việc, đang rất thiếu người. Lên chiến trường Điện Biên Phủ, ông vừa làm nhiệm vụ hậu cần, đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho bộ đội ngoài trận tuyến, vừa trực tiếp chiến đấu.

Việc cung cấp kịp thời lương thực cho mặt trận Điện Biên Phủ giai đoạn đầu được khai thác triệt để từ nguồn hậu cần tại chỗ của Tây Bắc gồm Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, huy động được 10.000 tấn lúa và hàng trăm tấn thực phẩm, giảm đáng kể công vận chuyển từ xa tới.

Dân công bất chấp bom đạn vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ tiền tuyến. Ảnh tư liệu: TTXVN

Một vấn đề khó khăn là có lúa rồi thì làm sao để có gạo đảm bảo đủ cung cấp cho bộ đội. Tập quán của đồng bào Tây Bắc là giã gạo tay ngày nào ăn ngày đó, năng suất lại rất thấp, mỗi lần giã chỉ 1-2 kg thóc. Vì vậy, tiền phương Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập “Đội quân phó cối” ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ, giải quyết hàng ngàn tấn thóc nếp, thóc hương thành gạo.

“Đội quân phó cối” được nhanh chóng tuyển mộ từ các tay phó cối trong các đơn vị bộ đội, dân công, thậm chí điều từ hậu phương lên. Họ vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, chẻ nan tre đóng nêm, dùng tre làm cần, tất cả nguyên liệu đóng chiếc cối xay toàn bằng tre.

Chẳng bao lâu hàng trăm chiếc cối xay lúa đã được cung cấp cho các kho, công trường xay giã, lúc đầu tỉ lệ gạo còn thấp nhưng rồi rút kinh nghiệm dần dần tỉ lệ thành gạo cao hơn. “Đội quân phó cối” còn tranh thủ đóng thêm nhiều chiếc nữa để tặng đồng bào, họ còn hướng dẫn cách đóng cối, sử dụng...

Tại các kho chứa thóc, hàng chục chiếc cối chuyển động, những hạt gạo nương chảy ào ào xuống nia, tiếng giã thập thình hòa lẫn cùng lời ca râm ran cả núi rừng, không khí thi đua sản xuất sôi động ngày cũng như đêm, mọi người động viên nhau bằng những câu hò:

“Nhanh xay lên chị em ơi! Thêm một cân gạo diệt đời thằng Tây”, hay “Ra đi chỉ một lời thề, Điện Biên còn giặc chưa về quê hương”. Hàng ngàn tấn gạo nương Tây Bắc huy động tại chỗ đã được sản xuất ra trong bối cảnh như vậy.

Dân công không quản ngại ngày đêm chuyển lương thực ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Hy sinh hết mình vì tiền tuyến

Ông Tần kể những đêm hành quân giữa núi rừng Tây Bắc giá lạnh, ẩn chứa bao hiểm nguy nhưng với ông Tần và các đồng đội thì chỉ có lòng yêu nước và sự hy sinh hết mình vì tiền tuyến. Những người lính hò reo không biết mệt mỏi suốt chặng đường không có đèn đường mà chỉ có đèn máy bay, cơm thì chỉ cần ít nước mắm, muối rang, vừng cá khô vậy là xong.

Hy sinh mất mát, gian khổ nhưng tinh thần bộ đội lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Và bây giờ kể lại, ông Tần gói ghém vào những câu ca mộc mạc:

“Đèo cao thì mặc đèo cao

Tinh thần khắc phục còn cao hơn đèo...”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông và đồng đội trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, khi ấy ông tròn 23 tuổi. Một thời gian, ông nhận lệnh làm huấn luyện cho bộ đội miền Nam tập kết, đi học ở Liên Xô năm năm rồi về tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, ông lại tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Từng đoàn ngựa thồ của đồng bào dân tộc Tây Bắc chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận. Ảnh: TƯ LIỆU

Từng tham gia nhiều trận chiến nhưng với Đại tá Trần Thịnh Tần, mỗi khi nhắc về người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông càng thêm tự hào.

Trong một lần, Đại tá Trần Thịnh Tần vinh dự được trở thành người hướng dẫn cho Đại tướng đi thăm hậu cứ hậu cần của một trung đoàn. Những chỉ đạo của Đại tướng về công tác hậu cần, đặc biệt là hậu cần tại chỗ, hậu cần nhân dân, ở đâu cũng phải dựa vào nhân dân khiến Đại tá Trần Thịnh Tần không thể nào quên.

Ghi nhớ lời căn dặn của Đại tướng, ông Tần cùng các anh em hậu cần đẩy mạnh công tác chuẩn bị lương thực tại chỗ. Đến năm 1973, cây sắn (mì) đã bạt ngàn ở trận tuyến hậu cần vận tải Trường Sơn, sẵn sàng phục vụ các sư đoàn được tăng cường vào phía Nam để tạo thế trận vững chắc, chuẩn bị thời cơ tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Khi về hưu, ông Tần vẫn có nhiều năm tham gia công tác khu phố, tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Trong ảnh: Ông Tần tưới cây trong sân nhà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sau ngày hòa bình lập lại, dù về hưu nhưng Đại tá Trần Thịnh Tần vẫn nhiều năm làm công tác khu phố, tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, khuyến học, khuyến tài, viết sách, viết báo, giao lưu với thế hệ trẻ tại địa phương… Hiện ông còn là trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại TP.HCM.

Những ký ức của chiến sĩ Điện Biên năm xưa - nhất là với Đại tá Trần Thịnh Tần sẽ còn đọng mãi với thời gian, nhắc nhở các thế hệ hôm nay trân trọng hòa bình, luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, cùng cả nước tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc.

Trước đó, tôi từng có cơ hội đến với TP Điện Biên, được nghe những chiến công hào hùng của những người lính Điện Biên và nay được chính bác Trần Thịnh Tần kể lại những câu chuyện oanh liệt một thời.

Tôi hết sức khâm phục những người lính chiến đấu 56 ngày đêm để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi xin hứa sẽ cố gắng học tập, lao động để cống hiến cho đơn vị mình công tác, nối tiếp truyền thống vẻ vang của cha ông đi trước, đưa đất nước ngày càng phát triển hơn.

Anh NGUYỄN TẤN PHI, Phó Bí thư Đoàn phường 4, quận 3, TP.HCM

HOÀNG GIANG - QUỐC VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-quan-pho-coi-o-dien-bien-phu-post788734.html