Độc lạ 'mực cử tri'

Ấn Độ dùng phương pháp 'mực cử tri' hơn 70 năm tuổi để đánh dấu những người tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đang diễn ra.

Người dân Ấn Độ đang tham gia cuộc bầu cử hạ viện nước này, được xem là cuộc bầu cử quy mô lớn nhất hành tinh. Ngoài quy mô đồ sộ cùng việc huy động nguồn nhân lực khổng lồ để phục vụ quá trình bỏ phiếu, cuộc bầu cử tại quốc gia tỉ dân này còn gây chú ý với cách họ đánh dấu cử tri đã bỏ phiếu.

Theo đài CNN, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ sử dụng mực không thể xóa được, hay còn gọi là “mực cử tri”, để ngăn chặn gian lận hoặc trùng lặp phiếu bầu. Sau khi cử tri đến quầy bỏ phiếu và xác minh nhân thân, mực sẽ được sơn lên đầu ngón trỏ trái của họ, để lại một vết bẩn có thể mất đến 2 tuần mới rửa sạch.

Một người được đánh dấu "mực cử tri" khi bỏ phiếu ở Ấn Độ. Ảnh: CNN

Truyền thống hơn 70 năm

Dù được cho là khá thô sơ, nhưng phương pháp này hiệu quả đến mức nó đã được áp dụng trong hơn 7 thập niên qua.

Ông K Mohammed Irfan – giám đốc điều hành của Mysore Varnish and Paints Limited (MVPL), công ty nhà nước độc quyền sản xuất và phân phối “mực cử tri” đến các điểm bỏ phiếu tại Ấn Độ – cho biết: “Ngay từ thủ tướng đến người bình thường, mọi người đều phải có ngón tay [được đánh dấu]. Từ những người nổi tiếng đến ngôi sao điện ảnh, [nó đã trở thành] một dấu ấn của nền dân chủ”.

Khi Ấn Độ mới độc lập và tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1951 và năm 1952, các nhà tổ chức bầu cử đã có ý tưởng sử dụng mực không thể xóa được để đánh dấu cử tri nhằm đảm bảo cuộc bỏ phiếu công bằng.

“Vào thời điểm đó, ở một đất nước không có hệ thống đăng ký khai sinh, giấy tờ tùy thân và với hàng triệu người đang di cư, câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn việc mạo danh và bỏ phiếu hai lần là rất được quan tâm” – bà Ornit Shani, tác giả sách về Ấn Độ, cho biết.

Theo bà Shani, một số quan chức cho rằng phương pháp này sẽ mất quá nhiều thời gian và làm phức tạp quá trình bỏ phiếu, nhưng cuối cùng mọi người cũng đồng ý sử dụng biện pháp này.

“Việc tất cả cử tri không phân biệt đẳng cấp, giai cấp, tôn giáo đều đứng thành một hàng, và phải chờ đến lượt được đánh dấu ngón tay [trước khi] bỏ phiếu càng góp phần cụ thể hóa và thấy được giá trị cốt lõi của sự bình đẳng trong phiếu bầu” – bà Shani nói.

Năm nay, hơn 960 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở Ấn Độ. Do đó, công nhân tại nhà máy của công ty MVPL ở TP Mysuru (tây nam bang Karnataka), đã dành nhiều tháng để chuẩn bị gần 2,7 triệu lọ mực cho cuộc bầu cử. Đây cũng là đơn hàng lớn nhất mà công ty từng tiếp nhận.

Công ty cho mực vào các lọ màu cam và phân phối đến các điểm bầu cử. Mỗi lọ chứa đủ chất lỏng để đánh dấu cho khoảng 700 cử tri.

Ông Irfan cho biết công thức sản xuất loại mực này được bảo vệ chặt chẽ và không thay đổi kể từ năm 1951.

Một quan chức ở Neemrana (Ấn Độ) dùng "mực cử tri" đánh dấu người tham gia bỏ phiếu. Ảnh: AP

“Loại mực không thể xóa được này không phục vụ mục đích nào khác. Chúng tôi chỉ sản xuất số lượng được yêu cầu” – ông nói.

Mặc dù Irfan cho biết công ty “phải giữ bí mật” về thành phần chính xác của mực, nhưng ông cũng tiết lộ mực có chứa hợp chất hóa học bạc nitrat – chất gây ra vết màu tía khi tiếp xúc với da và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Tác dụng rộng rãi

MVPL được thành lập vào năm 1937. Theo ông Irfan, khi công ty không sản xuất “mực cử tri”, công ty sẽ cung cấp sơn cho lĩnh vực giao thông công cộng cùng với các sản phẩm khác.

Sự thu hút của “mực cử tri” cũng đã vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ. Công ty hiện cung cấp loại mực này cho hơn 35 quốc gia, bao gồm Ghana bắt đầu từ cuối những năm 1970. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Ghana gần đây đã tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc sử dụng mực không thể xóa được và thay vào đó sẽ chọn phương pháp xác minh sinh trắc học.

Nhưng việc sử dụng mực ở Ấn Độ dường như sẽ không sớm biến mất.

Đối với bà Mukulika Banerjee – phó GS nhân chủng học tại Trường Kinh tế London (Anh), việc dùng “mực cử tri” có thể không được áp dụng hiệu quả ở các nền văn hóa khác, nhưng nó có hiệu quả ở Ấn Độ, do các tập quán văn hóa phổ biến.

“Mọi người thường trang trí bàn tay bằng mực henna hoặc phụ nữ trang trí bàn chân bằng nhiều màu sắc khác nhau” – bà Banerjee cho biết.

Bà Banerjee cũng cho rằng việc đánh dấu cử tri bằng mực tạo ra môi trường thúc đẩy mọi người đi bầu. Bà cho biết bà nhìn thấy những trường hợp này trong quá trình nghiên cứu về dân chủ và bầu cử ở bang Tây Bengal (Ấn Độ).

“Điều đầu tiên trong ngày bầu cử mọi người làm là kiểm tra ngón tay của nhau. Và nếu ngón trỏ trái của bạn không có ‘mực cử tri’, họ sẽ nhìn bạn và điều đầu tiên họ sẽ nói là 'Tại sao bạn không bỏ phiếu?'” – bà Banerjee nói.

Một công nhân tham gia sản xuất "mực cử tri" ở Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Điều này cũng ảnh hưởng cả các ngôi sao điện ảnh và vận động viên. Những người này thường đăng hình ảnh ngón tay dính “mực cử tri” của họ lên mạng xã hội.

“Những người này [ngôi sao điện ảnh và vận động viên] thường giơ [ngón tay của họ], chụp ảnh sau khi bỏ phiếu và nói ‘Tôi đã bỏ phiếu, bạn thì sao?’, vì họ cảm thấy mình có nghĩa vụ công dân là khuyến khích người khác bỏ phiếu” – bà Banerjee nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/doc-la-muc-cu-tri-post788828.html