Độc đáo một ngôi làng Quảng Trị

Đi qua đi về và ghé lại Nhĩ Thượng cũng đã vài lần. Tưởng đã biết nhiều chuyện, đã quen mắt nhiều nơi. Hóa ra bên cạnh những cảnh làng quen thuộc lại ẩn chứa nhiều điều mình chưa biết, nhiều sự lạ tạo nên sức hấp dẫn để hứng thú khám phá sâu hơn về một kì hương ở Gio Mỹ, Gio Linh.

 Rừng Sác bên cạnh sông Cánh Hòm ở làng Nhĩ Thượng

Rừng Sác bên cạnh sông Cánh Hòm ở làng Nhĩ Thượng

Nói quen mà vẫn lạ bởi quang cảnh Nhĩ Thượng về đại thể cũng khá tiêu biểu cho làng quê vùng đông Gio Linh. Nhiều đoạn địa hình bằng phẳng, đất đai thuận tiện cho việc trồng trọt, tưới tiêu, làm nhà, tạo nên những xóm làng đông đúc và trù phú. Nhưng bên cạnh đó lại xen kẽ những đồi cát lớn, những lùm cây lúc ẩn lúc hiện nửa như muốn phô bày, nửa lại như giấu diếm những bí ẩn của tự nhiên và có thể của cả con người nơi đây.

Ông trưởng thôn Nguyễn Thành nhiệt tình dẫn chúng tôi ra thăm giếng cổ của làng cũng là một sự lạ được người đời truyền tụng. Mà không lạ sao được khi cái giếng này đã nuôi sống và bầu bạn với bao thế hệ, thậm chí theo dân làng nó ra đời trước khi người Đại Việt xuất hiện ở đây, nghĩa là rất xa xưa, nguồn gốc Chăm Pa. Chiều sâu của giếng chỉ khoảng hai gang tay mà lạ chưa nước hàng trăm năm nay chưa bao giờ vơi cạn, kể cả những năm hạn hán kỉ lục. Ông Thành cho biết nước đây được dùng vào những dịp làng tế lễ đều lấy nước ở đây. Ông còn nói thêm nước giếng này mà nấu rượu thì rượu ngon bậc nhất.

Tiếp đến là Sác, hay gọi cho đầy đủ là Rừng Sác, một cánh rừng ngập mặn dọc theo sông Cánh Hòm đoạn này dài đến ba cây số chạy dài lên đến cầu Bến Ngự mới dừng lại. Lại nói đến con sông Cánh Hòm, nối sông Thạch Hãn với sông Hiền Lương, chảy qua sáu xã đông huyện Gio Linh, trong đó có làng Nhĩ Thượng. Sông này cũng lạ, nửa do trời sinh, nửa bởi người đào. Nguyên xa xưa nó là con sông tự nhiên dưới thời Chăm Pa, sau nhiều đoạn bị bồi lấp. Theo Đại Nam nhất thống chí: Vào năm thứ 3 đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1651), tuyến kênh này được nạo vét đoạn Cẩm Phổ. Đến năm thứ 33 (1681), trong một lần chúa đi tuần du, săn bắn ở Cổ Lâm, thuyền đi qua kênh Thị Môn (tức chỗ hợp lưu giữa sông Mai Xá với sông Cánh Hòm), người địa phương nói: chỗ này sóng gió bất trắc, thuyền thường bị đắm. Do đó, chúa thượng muốn khai kênh mới để tiện giao thông đi lại. Lúc ấy có người xã Mai Xá tên là Thế (tức Trương Thế) vẽ bản đồ để dâng và xin khai từ Mai Xá đến quán Nhĩ Hạ. Chúa xem xong bằng lòng và ra lệnh cho dân trong bản hạt khai đào. Sau một tháng thì đào xong, người buôn bán đi lại được tiện lợi. Cần nói thêm rằng, sau này do làm thủy lợi vào thập niên 80 của thế kỉ trước nên dòng nước lợ đã thành dòng nước ngọt, đây cũng là một nét độc đáo trong thay đổi địa chất thủy văn cần các nhà chuyên môn tìm hiểu. Vì cho đến nay vẫn chưa có một giải đáp khoa học về sự ra đời và phát triển của khu rừng kì lạ này. Chỉ biết rằng dù nước thay đổi nhưng cây cối vẫn thích nghi và xanh tốt như thường, như chẳng có chuyện gì xảy ra, thậm chí mới đây còn thu hút nhiều chim quý hiếm về sinh sống. Đây chính là lá phổi xanh điều hòa sinh thái cho ngôi làng Nhĩ Thượng, một báu vật trời cho từ ngàn đời nay cần gìn giữ như chính ngôi nhà của mỗi gia đình. Nếu có dịp về đây trải nghiệm theo lối điền dã sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ. Nhân đây cũng nói thêm về mặt ngôn ngữ để tránh những ngộ nhận không đáng có rất dễ xảy ra, kể cả với những nhà nghiên cứu khi soạn sách chuyên dụng tra cứu như từ điển. Có thể khẳng định địa danh Rừng Sác là độc nhất vô nhị ở Quảng Trị, vì ngay cả cù lao Bắc Phước với rừng cây ngập mặn như cây bần cũng không mang tên gọi như vậy. Cách gọi này làm ta nhớ đến ngay địa danh Rừng Sác ở hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai mà tên gọi chính thức là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Và nhân tiện cũng cải chính sự nhầm lẫn có thể xảy ra với một vài người. Đó là thay vì gọi Rừng Sác, họ lại gọi nhầm thành Rừng Sát. Gọi như thế là không chính xác. Hơn nữa gọi Rừng Sác nhưng lại không có loại cây nào gọi là cây Sác cả. Chuyện này cũng tạo nên những lí giải tốn nhiều giấy mực. Theo một học giả uy tín An Chi thì sác được giảng là “rừng nước mặn (ở gần biển)”. Tất cả đều có một nét nghĩa chung là ”rừng ngập ngụa”. Đây chính là nghĩa gốc của từ sác trong phương ngữ Nam Bộ. Còn vì sao tên rừng ở Quảng Trị lại được gọi theo cách của phương ngữ Nam Bộ thì cần phải tiếp tục tìm hiểu. Và có lẽ đó cũng là một điều thú vị. Rừng Sác đã gắn bó với người dân bản địa, trở thành mái nhà chung của dân làng Nhĩ Thượng. Anh Nguyễn Văn Mãi, một người dân Nhĩ Thượng cứ trầm trồ kể về Rừng Sác. Anh bảo: “Rừng ni quý lắm, bảo bọc cho làng, giữ nước và độ ẩm cho đất, điều hòa khí hậu. Vừa rồi anh biết đó, chim lạ bay từng đàn về đây làm tổ. Dân làng tui quý rừng ni lắm, nên phải cùng nhau bảo vệ”.

Chúng tôi lại đến với một rừng tràm tự nhiên với diện tích lên đến 10 ha nằm trên đồi cát không xa Cao điểm 31. Rừng tràm trải rộng theo những cồn cát, địa hình cũng nhấp nhô, uốn lượn. Đi bộ vào rừng hay nhìn từ trên cao đều khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Đây cũng là một ân tứ của thiên nhiên ưu ái cho con người nơi đây. Vì ở những cồn cát, trảng cát được mệnh danh là tiểu sa mạc hay tiểu bán sa mạc trong thời tiết nắng lửa gió Lào nếu không có những cỗ máy thiên nhiên xanh như rừng tràm thì ắt hẳn quá trình sa mạc hóa chỉ còn là chuyện thời gian. Nhưng chính nhờ trời đất sinh hạ những rừng cây như rừng tràm này mà con người được hưởng lợi to lớn và bền vững. Mới giáp mặt rừng tràm đã thấy mùi thơm dậy lên từ một loài cây dược liệu truyền thống quen thuộc với một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị là nguyên liệu chế biến dầu tràm, trị được một số loại bệnh rất công hiệu, có tác dụng rất tốt cho trẻ nhỏ và phụ nữ mới sinh, làm nên một thương hiệu trong y học cổ truyền. Ngay giữa rừng tràm, trên đồi cát cao, dù giữa ngày hè nắng như lò lửa vẫn tồn tại nhiều hồ nước lớn nhỏ, vẫn ngoan cường không chịu cạn khô mà thủy chung tưới mát đất đai. Người dân bản địa khẳng định với chúng tôi rằng: rừng tràm cũng chính là một nguồn nước hết sức quan trọng cung cấp nước và giữ ẩm cho đất đai, cây trồng địa phương. Vì vậy việc bảo vệ rừng tràm là rất cần thiết. Được biết cơ quan kiểm lâm địa phương đã làm thủ tục bàn giao diện tích rừng tràm cho thôn quản lí. Đây cũng là một biện pháp hay vì không ai giữ rừng tốt hơn là người dân tại chỗ, nhất là với một vốn quý như rừng tràm Nhĩ Thượng.

Về đây chúng tôi mới được chia sẻ sáng kiến khá táo bạo nhưng lại có cơ sở thực tế của người dân Nhĩ Thượng, đó là ý tưởng làm du lịch sinh thái trên chính làng quê của mình. Ông Nguyễn Thành nói với vẻ khẳng định chắc chắn: “Một làng quê nằm giữa đồng bằng có giếng cổ, Rừng Sác, rừng tràm như vậy có thể làm du lịch sinh thái, tui nghĩ là hoàn toàn được. Hơn nữa lại có di tích Cao điểm 31 (nằm trong di tích Hàng rào điện tử Mắc- na -ma- ra) nên càng thuận tiện. Chỉ có điều các thôn không có kinh phí. Nếu được cấp trên quan tâm hỗ trợ, nhất định làng ni sẽ làm được”.

Mong rằng ý tưởng của dân làng Nhĩ Thượng sớm thành hiện thực.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=140871