Doanh nghiệp bắt nhịp chuyển đổi số

'Vượt sóng cả vẫn vững tay chèo' là điều cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện năm 2022 và là động lực tiếp sức để vững vàng bước vào năm mới với kỳ vọng thành công tiếp nối thành công. Để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số được coi là yêu cầu sống còn, buộc doanh nghiệp phải bắt nhịp để thích ứng.

Nhân viên VNPT Phú Thọ giới thiệu các giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng.

Cơ hội nâng tầm doanh nghiệp

Chuyển đổi số được coi là thay đổi mang tính chiến lược của doanh nghiệp từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Hiện nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, hơn 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử. Ước hết năm 2022 có hơn năm triệu lượt truy cập các sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh như giaothuong.net.vn, postmart.vn, voso.vn...

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm hàng hóa của nhiều doanh nghiệp đã được khẳng định về uy tín, chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều lĩnh vực sản xuất khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến gỗ, Công ty CP Gemmy Wood, Cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn chú trọng đào tạo cho người lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Công ty CP Gemmy Wood, Cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn là doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ ghép thanh với sản lượng chế biến khoảng 10.000m3/năm, trong đó 70% phục vụ xuất khẩu đi các thị trường EU, Mỹ, Canada. Hoạt động chuyển đổi số của Công ty được chú trọng, xưởng sản xuất của Công ty được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại được lập trình điều khiển với tỉ lệ tự động hóa cao, nhất là ở khâu sản xuất.

Ông Phạm Ngọc Khuê - Giám đốc sản xuất Công ty chia sẻ: “Việc chuyển đổi số đã và đang tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, buộc doanh nghiệp chúng tôi phải nhận biết được cơ hội và thách thức để tồn tại, phát triển. Công ty đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, đưa vào sử dụng công nghệ thông minh trong chế biến gỗ, đảm bảo sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đầu tư máy móc, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua phần mềm hiện đại để tối ưu hóa các chính sách bán hàng phù hợp”.

Các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số với nhiều cấp độ khác nhau nhưng đều ý thức được vai trò của đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiếp thị sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như nhu cầu quản trị kinh doanh.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngói, gạch ốp lát, có tính cạnh tranh cao, Công ty CP CMC, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì đã chủ động xây dựng lộ trình phù hợp, mạnh dạn đầu tư thiết bị, nguồn nhân lực để bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số. Ông Nguyễn Văn Quý- Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Để sản phẩm tạo ưu thế vượt trội, đạt yêu cầu về chất lượng, thẩm mĩ, Công ty chú trọng đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ, máy móc theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ để điều hành, kết nối giữa nhà máy, phòng, ban, các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất với nhau. Từ đó, giúp doanh nghiệp vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trôi chảy, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

Công ty CP Tasa Group, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì hiện đại hóa công nghệ, đưa robot vào một số khâu sản xuất.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp làm gia tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực làm việc của người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp hiện nay là phải nâng cao năng lực quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, có trách nhiệm, phát triển bền vững, trong đó bảo đảm kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế - xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng. Cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt, trong đó tập trung vào các yếu tố đột phá về con người, công nghiệp và có những sản phẩm vượt trội, thương hiệu, uy tín trên thị trường để vươn ra tầm thế giới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, dẫn dắt chuyển đổi số của địa phương, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số. Năm 2021, chỉ số chuyển đổi số của Phú Thọ xếp hạng 18/63 tỉnh, thành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng điện toán đám mây, các nền tảng số. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai, bước đầu đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính…

Các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử, kho bạc điện tử, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng, đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin quốc gia; vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa. Một số doanh nghiệp được hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ, xây dựng các mô hình nâng cao năng suất, chất lượng.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vấn đề này; định hình và hoạch định được chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của mình, lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Qua đó, cung cấp cho các doanh nghiệp những kiến thức tổng quan về chuyển đổi số, ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các giai đoạn chuyển đổi số cho doanh nghiệp một cách toàn diện.

Đồng chí Đặng Việt Phương -Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở Công thương đã hỗ trợ cho một số doanh nghiệp, HTX thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng website, in tem điện tử, cập nhật mã QR Code cho các sản phẩm, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận phương thức bán hàng hiện đại. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế và vận hành các bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến, phần mềm quản lý khách hàng để dần phát triển kinh tế số. Cùng với đó, nội dung tập huấn nâng cao năng lực về chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho doanh nghiệp được Sở Công thương triển khai tích cực”.

Từ sự chủ động của doanh nghiệp và hỗ trợ của chính quyền, tin tưởng rằng việc chuyển đổi số sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo thêm giá trị mới, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị, gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đó cũng là yếu tố góp phần đưa Phú Thọ bứt phá về các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/doanh-nghiep-bat-nhip-chuyen-doi-so/190388.htm