Đoàn ĐBQH tỉnh: Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Ngày 9.5, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29.3.2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012. Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiêu, sau 12 năm triển khai thi hành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người, dự thảo vẫn giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều.

Thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu đóng góp ý kiến liên quan đến giải thích từ ngữ mua bán người, bóc lột tình dục, nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động… Có ý kiến nên bổ sung “giam cầm nạn nhân, cấm đoán, cản trở nạn nhân liên lạc tiếp xúc với thế giới bên ngoài và người thân” vào Điều 2: giải thích từ ngữ.

Điều 65 quy định bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, đại biểu ý kiến không nên bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 mà thay đổi bằng điểm g khoản 7 Điều 7. Vì có nhiều trường hợp nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân vẫn hoàn toàn ý thức được việc mình làm, chứ không đơn thuần là nạn nhân hoàn toàn. Đại biểu ý kiến cần bổ sung thêm đối tượng được thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người là người dân tộc thiểu số. Vì thời gian quan, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nhất là đối tượng yếu thế dễ bị dụ dỗ, trở thành nạn nhân của hành vi mua bán người.

Các đại biểu tham dự hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu còn góp ý quy định tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu (Điều 27); giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài (Điều 28); các hành vi bị nghiêm cấm; tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo…

Kết luận hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị, góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để tổng hợp, phân loại, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

Thiên Di

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doan-dbqh-tinh-gop-y-du-thao-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-sua-doi--a172541.html