Định hướng nghề nghiệp - Hướng đến tương lai - Bài 1: Giảm áp lực thi cử, tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề

Hiện đang là giai đoạn nước rút với các sỹ tử trên cả nước trước kỳ thi vào lớp 10 Trung học Phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây cũng là lúc nhiều phụ huynh, học sinh phải đứng trước quyết định lựa chọn môi trường học phù hợp. Do đó, việc chủ động phân luồng hướng nghiệp sớm sẽ giúp phụ huynh và học sinh giảm áp lực thi cử, thêm cơ hội lựa chọn vào các ngành nghề phù hợp với năng lực, rộng cửa nghề nghiệp tương lai cho các em.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài "Định hướng nghề nghiệp - Hướng đến tương lai" nhằm đưa ra góc nhìn về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giúp phụ huynh, học sinh có thêm thông tin để xác định hướng phát triển phù hợp.

Bài 1: Giảm áp lực thi cử, tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề

Sinh viên học tại lớp học mô phỏng của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Hiện cả nước có gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị đều có những thay đổi theo hướng ưu tiên đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, mở ra nhiều hướng phát triển cho học sinh phổ thông. Cùng đó, việc khởi động tuyển sinh sớm, đa dạng hình thức giúp nhiều trường nghề tránh phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đặc biệt giúp thí sinh giảm áp lực thi cử và tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề.

Lựa chọn ngành nghề học phù hợp

Chuẩn bị cho con gái vào lớp 10, anh Phạm Quang Dũng (Phương Liệt, Hà Nội) đã tham quan, tìm hiểu nhiều trường ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Anh rất băn khoăn, lo lắng, bởi theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội chiếm khoảng 60%, còn lại các em sẽ lựa chọn các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường đào tạo nghề. Sau khi đi một số trường, được tư vấn, anh Dũng cho rằng phương án vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp lý, bởi các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể học song song nghề và văn hóa theo mô hình 9+, rồi tiếp tục liên thông lên cao đẳng.

Thi vào lớp 10 là ngưỡng cửa quan trọng với mỗi học sinh. Nhiều em sau khi trượt lớp 10 có thể sẽ thấy bế tắc, chán nản nhưng điều này không có nghĩa đặt dấu chấm hết, bởi hệ thống giáo dục hiện nay có rất nhiều hình thức đào tạo, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Ngoài trường trung học cơ sở công lập, học sinh có thể chọn nhiều mô hình khác, điều quan trọng là phải phù hợp với năng lực, sở thích, cũng như định hướng nghề nghiệp của các em sau này.

Thạc sỹ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia hướng nghiệp khởi nghiệp, Thành đoàn Hà Nội nêu rõ: Dường như hiện nay, chúng ta đang mặc định học hết lớp 9 sẽ vào lớp 10 cho nên hiện giờ thi vào lớp 10 còn khó khăn hơn rất nhiều so với thi đại học. Ngành Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang triển khai mô hình dạy giáo dục song bằng mô hình 9+ nên bên cạnh cơ hội, "cánh cửa" để bước vào lớp 10 như thông thường, các em vẫn có cơ hội khác để vừa học văn hóa, vừa học nghề.

Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã đề ra mục tiêu: 25 - 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc theo học mô hình 9+ tại các trường nghề có ưu điểm giúp học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, sau 3 năm có thể được cấp bằng trung cấp hoặc sau 4 năm lấy bằng cao đẳng, rồi đi xin việc làm. Bằng cách này, các em tiết kiệm thời gian rất nhiều so với cách học truyền thống là tốt nghiệp trung học phổ thông rồi mới học nghề.

Chia sẻ về ưu điểm, lợi thế của học sinh khi tham gia mô hình 9+, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định: Hiện nay, nhận thức của xã hội với đào tạo nghề đã tăng lên, nhiều phụ huynh quan tâm, định hướng cho con em học các ngành nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu thực tế của gia đình, ra trường có công việc ngay. Hệ thống 9+ là hệ học song song hai chương trình trung cấp và chương trình hệ trung học phổ thông hệ thường xuyên, sau 3 năm học sẽ đủ điều kiện để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này có rất nhiều lợi thế đối với học sinh, sinh viên. Theo học hệ này, các em được tiếp cận ngay với nghề nghiệp từ sớm, trau dồi kỹ năng, tiếp xúc với doanh nghiệp, hình thành được thói quen làm việc trong môi trường sản xuất kinh doanh từ sớm. Song song đó, các em có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục phổ thông thường xuyên, sau đó liên thông lên cao đẳng, đại học và trình độ như mong muốn.

Xác định hướng đi cho tương lai

Về phía các cơ sở giáo dục, việc tư vấn hướng nghiệp và phân luồng được nhiều nhà trường chú trọng từ lớp 9. Trước ngày đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, nhiều trường trung học cơ sở đã chủ động định hướng, giúp học sinh hiểu rõ năng lực bản thân; cung cấp thông tin, đưa ra ưu, nhược điểm của từng mô hình đào tạo, giúp các em thuận lợi lựa chọn. Ông Nguyễn Ngọc Quyết, cán bộ tư vấn tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ cho biết: Học sinh ở lứa tuổi này đã có thể xác định, hình dung được tương lai, định hướng nghề nghiệp của mình. Đưa tư vấn, hướng nghiệp vào thời điểm này là giai đoạn cho các em hình thành khái quát, tư duy mới nhất.

Cùng với đó, ngay từ đầu năm, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề đã bắt đầu tuyển sinh với nhiều ưu đãi về học phí, ngành nghề mới cũng như cơ hội việc làm hấp dẫn..., nhằm thu hút người học. Đây là ưu thế tuyển sinh quanh năm của các trường cao đẳng, trung cấp nghề, đồng thời giúp phụ huynh, học sinh có thêm nhiều lựa chọn khi chuẩn bị bước vào kỳ thi lên lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông.

Giữa tháng 1/2024, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã công bố tiêu chí tuyển sinh hệ cao đẳng với các thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương; hệ trung cấp đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến; nộp hồ sơ trực tiếp tại trường hoặc gửi hồ sơ điều kiện xét tuyển qua bưu điện. Thời gian kéo dài đến 31/12/2024. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thu Hà thông tin, ngay sau Tết nhà trường đã triển khai đồng loạt các kênh tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến. Đến thời điểm này, trường đã thu hút được gần 1.000 hồ sơ đăng ký và nhập học tại trường.

Cùng đó, để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao, một số trường nghề đã đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Đây được coi là giải pháp giúp các trường thu hút học sinh. Tiến sỹ Đồng Trung Chính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội khẳng định: Hiện nay 100% các ngành nghề nhà trường tuyển sinh đều gắn với việc làm. Nhà trường đã cam kết việc làm. Nhà trường cũng cam kết với một số doanh nghiệp tiếp nhận đầu ra và tham gia vào quá trình đào tạo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nhận định: Theo số liệu của Hà Nội, năm nay, số học sinh vào các trường trung học phổ thông công lập chỉ khoảng 60-62%, Thành phố Hồ Chí Minh là 70%. Như vậy còn một số lượng rất lớn, các em sau trung học cơ sở cần phải vào các hệ khác như trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp hệ trung cấp hoặc ra thị trường lao động. Qua theo dõi cho thấy, nhu cầu vào học hệ 9+ những năm gần đây chiếm khoảng 19-20%. Làm sao tạo được môi trường học tập thông thoáng, thuận tiện cho các em sau khi học xong trung học cơ sở, theo học chương trình trung cấp, vẫn tiếp thu được kiến thức chương trình phổ thông, tiếp thu được kỹ năng nghề... là vấn đề được nhiều trường quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đang đứng trước cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Công ty tuyển dụng Navigos Search chia sẻ: Nhà trường, gia đình muốn hướng các em đến lựa chọn an toàn, cơ hội cao nhất để đạt được nguyện vọng và có công việc trong tương lai. Nhưng thực tế, xã hội và con người sẽ có rất nhiều đổi thay, nếu không đam mê, việc đi theo các ngành nghề được định hướng có thể là chưa chính xác. Vì vậy, mỗi bạn trẻ cần xác định đam mê, thế mạnh, cũng như kết hợp với một định hướng về kinh tế - xã hội lâu dài để đưa ra sự lựa chọn chính xác nhất cho nghề nghiệp tương lai.

Bài cuối: Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề, kỹ năng mới

Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/dinh-huong-nghe-nghiep-huong-den-tuong-lai-bai-1-giam-ap-luc-thi-cu-tang-co-hoi-lua-chon-nganh-nghe-20240513102307935.htm