Điều gì giúp Tử Cấm Thành chưa một lần bị ngập lụt?

Là nơi ở của 24 hoàng đế từ giữa đời nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc chưa từng ngập lụt trong hơn 600 năm qua. Điều này xuất phát từ thiết kế đặc biệt của cung điện.

Tử Cấm Thành hay còn được gọi Cố Cung nằm ở trung tâm của thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Được xây dựng từ năm 1406, cung điện hoàng gia tráng lệ này được hoàn thành sau 14 năm thi công với sự tham gia của hàng trăm ngàn người.

Từ năm 1420 - 1911, Tử Cấm Thành trở thành trung tâm quyền lực của các triều đình Trung Quốc thời phong kiến. Tổng cộng 24 hoàng đế từ giữa đời nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh đã sinh sống trong cung điện hoàng gia này rộng 720.000 m2 với hơn 800 cung điện lớn, nhỏ.

Là nơi ở của hoàng đế và hậu cung, Tử Cấm Thành gắn liền với nhiều bí mật khiến công chúng tò mò. Trong số này, suốt hơn 6 thế kỷ tồn tại, cung điện xa hoa, tráng lệ này chưa từng bị ngập lụt trong mùa mưa. Điều này xuất phát từ thiết kế đặc biệt của công trình.

Cụ thể, các kỹ sư xây dựng Tử Cấm Thành đã thiết kế hệ thống thoát nước đồng bộ, tỉ mỉ và toàn diện. Trong đó có hệ thống ngầm và lộ thiên khắp cung điện.

Đầu tiên là việc người xưa đã thiết kế khả năng thoát nước hiệu quả nhờ lớp gạch lát. Sân của Tử Cấm Thành được những người thợ lát bằng cách xếp những viên gạch đá xanh, giúp cho mặt sân dễ thấm nước mưa hơn bề mặt sân lát bằng bê tông thông thường.

Tiếp đến, bên dưới lớp gạch đá xanh là một lớp đất rất dày, có thể hấp thụ được một lượng nước lớn, nó giống như việc đặt một miếng bọt biển khổng lồ dưới lòng đất để hút nước.

Thêm nữa, kiến trúc sư đã cho xây dựng Tử Cấm Thành tận dụng lợi thế địa hình tự nhiên sẵn có là Bắc cao, Nam thấp và địa thế núi sau, sông trước nhằm tránh ngập lụt trong những ngày mưa to. Do vậy, nước tại cung điện sẽ thoát theo hướng đông nam.

Bên trong tất cả sân của các điện, các phòng đều có rãnh thoát nước mưa được chạm khắc bằng đá hình đầu rồng.

Nhờ vậy, khi trời mưa, hàng nghìn chiếc đầu rồng này đồng loạt phun nước chảy xuống các con kênh, mương nhỏ rồi đổ ra sông Kim Thủy - con kênh nhân tạo bên trong Tử Cấm Thành.

Nhờ vậy, Tử Cấm Thành thoát nước dễ dàng trong khi mưa, không bị ngập lụt như nhiều nơi khác. Điều này góp phần giúp quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới gần như nguyên vẹn theo thời gian.

Mời độc giả xem video: Giải mã cách người xưa di chuyển trăm tấn đá xây Tử Cấm Thành.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dieu-gi-giup-tu-cam-thanh-chua-mot-lan-bi-ngap-lut-1966803.html