Điện Biên Phủ: Vùng đất - Con người, Truyền thống và Phát triển

Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Điện Biên. Tên gọi Điện Biên Phủ là biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do và chiến thắng. Trên địa bàn thành phố lưu giữ nhiều giá trị lịch sử đặc biệt, di sản văn hóa truyền thống và cảnh quan, sinh thái đặc sắc. Bài viết phân tích về vị trí địa chính trị, quá trình lịch sử và quan hệ của các tộc người, truyền thống lịch sử và định hướng phát triển của thành phố Điện Biên Phủ.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ.

Tên gọi xa xưa nhất của Điện Biên Phủ là mường Then hay Theng (âm Việt đọc chệch là Thanh). Qua các thư tịch cổ, từ thời Hùng Vương vùng đất này đã thuộc bộ Tân Hưng của nước Văn Lang, đến đời Hán thuộc quận Giao Chỉ, đời Tùy - Đường thuộc Châu Chi. Thời cổ đại, Điện Biên “là đường chuyển tải văn hóa từ Ấn Độ qua Việt Nam với những ảnh hưởng của đạo Bà La Môn và Phật giáo. Ngược lại, cũng qua đây các cư dân bản địa ở Đông Dương đã chuyển sang Ấn Độ và Tây Nam Trung Quốc những thành tựu văn hóa truyền thống của mình”(1).

Những năm đầu công nguyên, đất mường Thanh là địa bàn cư trú của tổ tiên các nhóm người thuộc ngữ hệ Thái và Môn - Khmer. Trong đó, tộc người Lự có thế lực nhất. Đến thế kỷ VII, các tù trưởng Thái ở vùng Nam Trung Quốc liên kết với nhau và mở rộng dần thế lực xuống miền Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam. Vào thế kỷ IX - X, bộ phận người Lự ở mường Thanh hưng thịnh lên, phát triển thế lực từ phía bắc ra khắp cánh đồng. Nhưng sau đó không lâu, một bộ phận người Thái đen từ mường Ôm, mường Ai (ở Vân Nam, Trung Quốc) thiên di xuống chiếm mường Lò mà cánh đồng Nghĩa Lộ là trung tâm. Sau khi chiến thắng, tù trưởng của nhóm này là Lạng Chượng phải để cho người Lự làm chủ phía bắc cánh đồng mường Thanh, còn Lạng Chượng dựng mường ở vùng trung tâm (khu vực đồi A1 hiện nay). Từ đây mở đầu giai đoạn người Thái đen làm chủ miền Tây Bắc nước ta.

Những sự kiện trên xảy ra khi triều đình nhà Lý đang ở giai đoạn hưng thịnh. Do vậy, nhà Lý đã thu phục các tù trưởng bằng cách phong quan tước, bằng những quan hệ hôn nhân, bằng việc giúp đỡ họ khi tiến hành các cuộc chiến tranh. Đến đời Lý Thánh Tông, ảnh hưởng của nhà Lý đối với vùng này đã rất lớn: “năm 1067, vào tháng 2 mùa xuân, Ngưu Hống (có thể phiên âm từ Ngu Háu (Rắn Hổ mang - biểu tượng của người Thái đen) và Ai Lao đều vào triều cống. Lễ vật gồm có vàng, bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi…”(2). Một thời gian sau đó, các nhóm người Thái xung đột và tranh giành quyền lực với nhau. Cuối cùng, ngành Thái đen phải chuyển hẳn về mường Muổi (nay là Thuận Châu - Sơn La), các tù trưởng người Lự nắm quyền cai trị vùng đất mường Thanh. Trong giai đoạn nhà Lý cầm quyền, mường Thanh thuộc châu Lâm Tây và châu Đăng. Đến đời Trần, nước ta chia làm 15 lộ, vùng Tây Bắc (trong đó có mường Thanh) thuộc lộ Đà Giang.

Sang thế kỷ XV, sau khi đánh dẹp Đèo Cát Hãn, một tù trưởng Thái trắng ở Lai Châu năm 1429, Lê Lợi đặt hai lộ Gia Hưng và Quy Hóa bao gồm miền Lai Châu, trong đó có mường Thanh. Sang đời Lê Thánh Tông, trấn Hưng Hóa được thành lập (1463) bao gồm 3 phủ Quy Hóa, Gia Hưng và An Tây (mường Thanh thuộc phủ này).

Ở mường Thanh, các chúa Lự vẫn thế tập thống trị. Họ xây thành Tam Vạn ở phía Nam. Thành rất lớn, chiếm diện tích 1/5 cánh đồng. “Theo Hưng Hóa kỷ lược, tương truyền trong thành có ba vạn cối giã gạo bằng guồng nước, chứa được ba vạn dân đinh nên được gọi là thành Tam Vạn”(3). Xung quanh thành Tam Vạn, ở phía nam cánh đồng mường Thanh và các thung lũng xung quanh, người Lự sống xen kẽ với người Thái. Các tộc người khác như Kháng, Xinh Mun, Mảng, Hà Nhì… tụ cư ở rẻo cao, sinh sống bằng canh tác nương rẫy và chịu thần phục các chúa Lự. Còn các chúa Lự lại duy trì chính sách vừa thân với triều đình Đại Việt, vừa thân với Lào, chịu cống nạp cả hai nước. Trong những giai đoạn nhà nước Đại Việt hưng thịnh như đầu triều Trần, triều Lê sơ, họ chịu thần phục Đại Việt và góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ vùng Tây Bắc, chống lại những cuộc quấy phá của giặc cỏ từ Mianma xuống, từ Vân Nam (Trung Quốc) và Thượng Lào tràn sang. Ngược lại, khi triều đình Đại Việt suy yếu, các chúa Lự không ngần ngại cướp phá các vùng đất ven sông Đà, sông Hồng.

Qua tất cả 19 đời chúa Lự thống trị mường Thanh, mảnh đất này trở thành nơi tranh chấp của các thế lực phong kiến. Sang đầu thế kỷ XVIII, giặc Phẻ (còn gọi là giặc Pọng, giặc Nhuồn - tên gọi của một nhóm Thái) ở miền Thượng Lào và Tây Nam của Trung Quốc tràn sang đánh đuổi các chúa Lự, chiếm lấy thành Tam Vạn. Nhân dân các dân tộc ở Tây Bắc phải cầu cứu một thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa là Hoàng Công Chất đang hoạt động ở miền Tây Thanh Hóa (1751), đem quân phối hợp với các thủ lĩnh Thái đánh đuổi giặc Phẻ.

Sau khi giải phóng được mường Thanh, Hoàng Công Chất muốn cố thủ lâu dài để chống lại triều đình Lê - Trịnh. Lúc đầu ông đóng quân ở thành Tam Vạn, nhưng sau đó quyết định xây dựng thành Chiềng Lề (thường gọi là thành Bản Phủ, nay thuộc xã Xam Mứn). “Thành rộng 80 mẫu, dựa lưng vào dòng sông Nậm Rốm, có đường thành đắp bằng đất trồng tre gai mang từ miền xuôi lên vây kín, bên ngoài có hào rộng từ 4 đến 5 mét. Thành cao 5 mét, mặt thành rộng từ 4 đến 6 mét, trên đó voi ngựa đi lại được. Thành có 4 cửa Tiền, Hậu, Tả, Hữu, ở mỗi cửa có đắp đồn cao, có vọng tiêu và lính gác”(4). Ngoài việc củng cố mường Thanh, thủ lĩnh Hoàng Công Chất còn mở rộng thế lực ra vùng sông Mã, sông Đà, sông Hồng… Toàn thể các chúa đất ở khu vực này đều thần phục Hoàng Công Chất và không chịu cống triều đình nữa. Mường Thanh trở thành trung tâm chính tri, quân sự, văn haá của Tây Bắc. Công lao to lớn nhất của Hoàng Công Chất là giữ yên bờ cõi Tổ quốc, tránh được sự xâm lược của người Miến vào những năm 1753-1765 và sự uy hiếp của một vài nước xung quanh. Năm 1767, Hoàng Công Chất chết, từ năm 1768 trở đi, đội quân của ông suy yếu dần rồi tan rã trước sự đàn áp của quân đội của chúa Trịnh.

Nhưng sau đó triều đình Lê - Trịnh lại không quan tâm đến miền Tây Bắc và Thập Châu, nên vùng này lại bị bọn quan lại ở Vân Nam (Trung Quốc) lũng đoạn. Kết quả là 6 châu Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Toàn, Tuy Phụ và Khiêm Châu bị sáp nhập hẳn vào đất vùng Vân Nam (Trung Quốc). Còn mường Thanh lại thuộc ảnh hưởng của Lào. Năm 1775, Lào mới trả lại mường Thanh cho nước ta. Hai năm sau, năm 1777, chúa Trịnh quyết định đặt vùng mường Thanh thành Phủ Ninh Biên, cử Lý Đình Lập làm Tri châu và Cầm Nhân Tài làm phó Tri châu. Từ đó mường Thanh từng bước ổn định và phát triển. Nhận xét về vùng đất này, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Châu này, thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bên đến chân núi, đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác, mà số hoa lợi lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống”(5).

Tới những năm đầu thế kỷ XIX, tình hình lại có những thay đổi. Trong thời gian này vùng Tây Bắc luôn bị quân Xiêm uy hiếp và xâm nhập tới hơn 10 lần. Ngoài ra, quân Xiêm còn dung túng cho những đám giặc cỏ hay những tù trưởng địa phương người Lự (hay Pọng) vào quấy rối. Đến tháng 5/1841, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của giặc, đề nghị của Ngụy Khắc Tuần xin lập phủ Điện Biên bao gồm các châu Ninh Biên, Lai Châu, Tuần Giáo mới được vua Thiệu Trị phê chuẩn, phủ lỵ đặt ở Chiềng Lề (nay thuộc Bản Phủ, xã Xam Mứn). Đến tháng 10/1858, triều đình rút hết quân “chủ lực” và thay thế bằng những thổ dân rồi giao cho quan lại ở phủ đó cai quản. Điều này mở đầu một thời kỳ loạn lạc triền miên. Tháng 8/1864, những người H’mông mới thiên di tới đã nổi dậy khắp nơi. “ở Điện Biên, họ chiếm các bản mường xung quanh cánh đồng và cướp phá phủ lỵ. Quan quân triều đình và các thổ quan tìm cách ngăn chặn và phủ dụ nhưng bất lực. Kết quả cuộc nổi dậy đã buộc triều đình nhà Nguyễn công nhận quyền cư trú của họ ở Việt Nam, cho họ tự quản với điều kiện tuân theo luật lệ của địa phương, đồng thời phải nộp một số thuế nhất định”(6).

Năm 1873, giặc Cờ vàng tràn vào vùng Tây Bắc và đã gây ra nhiều cảnh cướp bóc, chém giết đau thương. Nhân dân các dân tộc ở Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng đã nổi dậy chống lại chúng với tên tuổi của người anh hùng đã đi vào bản anh hùng ca “Chương Han” (tức Chương gan dạ). Ngay sau khi giặc Cờ vàng rút đi thì nhân dân Điện Biên lại rơi vào ách thống trị của gia đình Đèo Văn Trì, được sự dụng túng của triều đình nhà Nguyễn và sự giúp đỡ của quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc.

Năm 1883, khi quân Pháp đánh chiếm Hưng Hóa thì Tuần phủ Nguyễn Quang Bích đã tổ chức lực lượng để kháng chiến chống Pháp. Phong trào phát triển mạnh mẽ sau khi chiếu Cần Vương được ban bố (13/7/1885). Đặc biệt trong những năm 1887-1888, trên đường sang Trung Quốc cầu viện, Tôn Thất Thuyết đã ở lại Lai Châu một thời gian để trực tiếp lãnh đạo phong trào chống Pháp. Mãi tới ngày 23/1/1888, Pháp mới chiếm được Điện Biên. Năm 1908, Pháp lập ra các tỉnh Sơn La, Lai Châu, năm 1915 đổi Lai Châu thành đạo quan binh thứ 4, dưới chế độ quân quản. Lúc đó các châu Tuần Giáo, Điện Biên vẫn thuộc Sơn La, năm 1917, Pháp mới cắt chuyển các châu này về Lai Châu. Trong giai đoạn này nhân dân các dân tộc ở Điện Biên vẫn không ngừng nổi dậy chống Pháp. Điển hình là cuộc nổi dậy tháng 7/1920 do Giang Tả Chảy lãnh đạo. Sau 3 năm chiến đấu ngoan cường, cuối tháng 3/1921 cuộc khởi nghĩa thất bại.

Trong những năm 1930-1940, các tổ chức cơ sở Đảng lan nhanh ra các vùng Mường La, Thuận Châu, Tuần Giáo, Phong Thổ, Điện Biên… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), phong trào cách mạng ở Điện Biên ngày càng sôi sục. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay lại Điện Biên (2/1946). Sau khi chiếm xong Tây Bắc, Pháp lập ra “ Xứ Thái tự trị” (1948) gồm 16 châu được chia làm 3 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Mường So (hai huyện Phong Thổ, Than Uyên) và đặc khu Nghĩa Lộ. Để phá tan âm mưu thâm độc của địch, tháng 10/1952 Trung ương Đảng và quân ủy Trung ương chủ trương mở chiến dịch Tây Bắc. Đến cuối tháng 11/1952, Tây Bắc được giải phóng. Chỉ một năm sau, ngày 20/11/1953, Na Va - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lại cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Na Va cho rằng địa hình núi cao, rừng rậm, đường giao thông khó khăn không phù hợp với những đội quân vũ trang được huấn luyện và trang bị theo kiểu Châu Âu như quân Pháp. Học tập, vận dụng cách phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm theo “chiến lược con nhím” của phát xít Đức, kế thừa kinh nghiệm xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản (Sơn La), cánh đồng Chum (Lào) của tướng Xa Lăng trước đó, Na Va quyết định bảo vệ vùng Tây Bắc của Việt Nam và Thượng Lào bằng cách xây dựng một hệ thống cứ điểm lớn nhằm ngăn chặn và tiêu diệt quân đội Việt Nam. Hệ thống cứ điểm đó đặt ở đâu? Cân nhắc, tính toán, so sánh tầm quan trọng giữa các vị trí: Luông Pha Băng, Viên Chăn, Lai Châu, Điện Biên Phủ… Cuối cùng các chuyên gia quân sự Pháp - Mỹ đều nhất trí cho rằng điểm duy nhất có thể xây dựng một căn cứ phòng ngự đáp ứng được các yêu cầu đặt ra là Điện Biên Phủ. Nhưng sau 55 ngày đêm chiến đấu với tinh thần quyết chiến quyết thắng (từ 13/3/1954 đến 7/5/1954), quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm này. Từ đây Điện Biên Phủ mới thực sự có tên trên bản đồ thế giới. Cũng từ đây tên gọi Điện Biên Phủ là đồng nghĩa với chiến thắng!

Trên nền chiến trường xưa, thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày.

Trên nền chiến trường xưa, thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày.

Năm 1958, một nông trường quân đội được xây dựng ở đây, đồng thời là kế hoạch di dân từ đồng bằng sông Hồng đi xây dựng kinh tế mới, sau đó thị trấn Nông trường Điện Biên được thành lập, sau lại tách một phần diện tích của thị trấn nông trường Điện Biên để thành lập thị trấn Điện Biên, huyện lỵ của huyện Điện Biên thuộc tỉnh Lai Châu.

Ngày 18/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 130-HĐBT về thành lập thị xã Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu. Thị xã Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh, chuyển trung tâm chính trị của tỉnh Lai Châu từ thị xã Lai Châu về thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 7/10/1995, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 59-CP về chia tách huyện Điện Biên thành hai huyện: Điện Biên và Điện Biên Đông. Ngày 26/9/2003, Chính phủ ra Nghị định số 110/2003/NĐ-CP về thành lập Thành phố Điện Biên Phủ.

Từ ngày 21 đến ngày 26/10/2003, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 22 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh Điện Biên.

Ngày 18/4/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045”(7). Theo phê duyệt, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 30.657,79 ha với 12 đơn vị hành chính - bao gồm 7 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 5 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang).

Quan điểm phát triển thành phố Điện Biên Phủ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn và cụ thể hóa các định hướng phát triển chính của Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên - Pá Khoang; đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư; đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; phát triển bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở để triển khai các đề án, chương trình phát triển đô thị, nâng loại đô thị.

Thành phố Điện Biên Phủ có tính chất là đô thị loại II, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Bắc (vùng trung du và miền núi phía Bắc), đầu mối giao lưu về kinh tế đối ngoại và văn hóa, du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Myanma.

Thành phố Điện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía Bắc./.

TS. VŨ TRƯỜNG GIANG Học viện Chính trị Khu vực I

__________________

(1) (3) (4) (6) Đặng Nghiêm Vạn - Đinh Xuân Lâm: Điện Biên trong lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1979, tr.17, 65, 72, 88.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1998, t.1, tr.247.

(5) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb Sử học, H, 1962, tr.359-360.

(7) Quyết định số 408/QĐ-TTg, ngày 18/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/dien-bien-phu-vung-dat-con-nguoi-truyen-thong-va-phat-trien-154121