Điểm hẹn của người yêu âm nhạc truyền thống ở Tây Hòa

Một buổi sinh hoạt của các thành viên CLB Dân ca bài chòi - Đàn hát cải lương thôn Mỹ Thạnh Trung 1. Ảnh: THIÊN LÝ

Thành lập cách đây hơn 2 năm, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca bài chòi - Đàn hát cải lương thôn Mỹ Thạnh Trung 1 (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) là nơi giao lưu văn hóa văn nghệ. Từ nơi này, tình yêu đối với quê hương xứ sở, với bài chòi, đờn ca tài tử, cải lương được hun đúc, nuôi dưỡng...

Chỉ với dàn âm thanh là những thiết bị thu phát đơn giản thường thấy trong mỗi gia đình (loa và micro), mỗi buổi sinh hoạt CLB vẫn rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát đằm thắm, trữ tình.

Âm vang tiếng đàn, lời ca

Bản bài chòi Tây Hòa tấu khúc dân ca với làn điệu xàng xê do chính Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phan Thanh Kính, Chủ nhiệm CLB sáng tác vang lên như một lời chào hỏi: Quê hương một cõi nước non/Anh hùng bất khuất, lòng son... Tây Hòa/Thoảng nghe hương lúa đậm đà/Lời ru xứ sở, thiết tha ân tình/Đường làng, điện sáng lung linh/Nhà sang sạch đẹp, ấm tình dựng xây... Không chỉ sẻ chia những làn điệu bài chòi truyền thống, mọi người còn hòa mình trong không gian đờn ca tài tử. Lắng nghe âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng, lúc trầm bổng, réo rắt, thiết tha cùng những ca từ da diết, ngọt ngào ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, chúng tôi như được trở về với cuộc sống bình dị của người dân Nam Bộ.

Theo NNƯT Phan Thanh Kính, mặc dù bận rộn với vai trò Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cổ trực thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh nhưng ông vẫn luôn trăn trở làm sao có thể truyền lửa đam mê nghệ thuật cho thế hệ trẻ để các em, các cháu ở quê hương Tây Hòa tiếp nối được truyền thống cha ông. Từ trăn trở này, CLB Dân ca bài chòi - Đàn hát cải lương thôn Mỹ Thạnh Trung 1 đã ra đời. Đây là sân chơi động viên anh chị em yêu thích gắn bó lâu bền với bộ môn bài chòi, đờn ca tài tử, cải lương. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của CLB đến ngày nay, nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương đóng vai trò rất lớn.

“CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần tại nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, mỗi tuần một lần, sân nhà tôi trở thành nơi tập luyện của những người yêu thích nghệ thuật bài chòi, đờn ca tài tử, cải lương. Chi phí do thành viên CLB đóng góp”, NNƯT Phan Thanh Kính cho biết.

Đủ thành phần, lứa tuổi tìm đến đây học hát, chơi đàn và để được cất lên tiếng ca với những người cùng đam mê. Chị Trịnh Thị Xuân Thảo, thành viên CLB chia sẻ: “Mê cải lương đã lâu nên khi CLB thành lập, tôi đăng ký tham gia ngay. Ở đây, anh chị em chơi bài bản rất ngọt, giàu lòng mến khách mộ điệu. NNƯT Phan Thanh Kính nhiệt tình chỉ dạy nên tôi rất thích”.

Truyền lửa đam mê

Những năm tháng xuân trẻ là những ngày theo đuổi nghệ thuật không ngừng nghỉ của NNƯT Phan Thanh Kính. Ông nhớ lại, từ thuở chưa biết đọc, biết viết, ông đã bị thu hút bởi những câu, đoạn trích cải lương được phát qua băng đĩa. Càng lớn, niềm đam mê nghệ thuật trong ông càng lớn dần theo năm tháng. Ông bắt đầu con đường “tầm sư học đạo”. Đầu tiên, ông tìm đến đầu quân cho NNƯT Dương Kim Hoàng (phường 2, TP Tuy Hòa), chập chững học những bước đầu tiên về đờn ca tài tử. Chưa thỏa đam mê, ông quyết định khăn gói vào TP Hồ Chí Minh. Trong suốt hơn 10 năm ra vào liên tục giữa quê nhà và thành phố mang tên Bác, ông làm đủ nghề từ bán vé số đến giữ xe để có tiền trang trải cuộc sống. Ông tranh thủ những buổi tối tạt ngang các lớp học đờn ca tài tử để nghe giảng. Sau những buổi học lỏm ấy, ông tham gia vào các CLB hay tổ nhóm tại nhà riêng của thầy Hai Vĩnh (Thủ Đức) và Đặng Long (Bình Thuận)... để có cơ hội trau dồi kiến thức và ngón nghề đờn ca tài tử. Năm 2009, ông trở về Phú Yên và mày mò, nghiên cứu những làn điệu bài chòi đặc trưng của dải đất miền Trung đầy nắng và gió này.

NNƯT Phan Thanh Kính trải lòng: “Những làn điệu bài chòi, bài bản đờn ca tài tử, cải lương dần dần ăn sâu vào máu thịt của tôi. Đến giờ phút này đây, tôi chưa hề một lần có suy nghĩ ngừng hát. Tôi vẫn luôn trăn trở, nỗ lực bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc. Với mong muốn những làn điệu bài chòi, bài bản đờn ca tài tử, cải lương được lan tỏa đến cộng đồng, tôi đã tâm huyết thành lập CLB này, để tạo điểm hẹn giao lưu âm nhạc truyền thống cho những người có cùng đam mê”. Ông tự hào và biết ơn khi gia đình là hậu phương vững chắc, luôn kề vai sát cánh với ông trong mọi khó khăn. Hiện tại, 4/5 người trong gia đình ông là thành viên nòng cốt của CLB, trong đó có 2 cô con gái rượu.

Chị Lê Thị Lệ Quyên, thành viên CLB chia sẻ: “Là người gốc Huế, từ nhỏ tôi đã được cha mẹ cho đi xem, nghe hát bài chòi nhiều lần. Những câu hát, làn điệu ấy len lỏi vào tiềm thức của tôi lúc nào không hay. Đến khi có duyên về làm hàng xóm của thầy Kính, được nghe mọi người đàn hát, tôi thấy trong người dâng lên một cảm xúc khó tả. Vì thế, cứ định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tranh thủ thu xếp công việc buôn bán, tôi lại đến điểm hẹn để được thỏa niềm đam mê”.

Anh Lương Văn Toản, Bí thư Xã đoàn kiêm phụ trách Văn hóa - Thông tin xã Hòa Phong cho biết: “Điều đáng mừng là trước sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc hiện đại, CLB vẫn được nhiều người dân yêu thích, tham gia tập luyện. Trong đó, NNƯT Phan Thanh Kính là đầu tàu dẫn dắt và tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Điểm hẹn này đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm và bồi dưỡng thế hệ trẻ để kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp của âm nhạc truyền thống”.

Điều đáng mừng là trước sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc hiện đại, CLB vẫn được nhiều người dân yêu thích, tham gia tập luyện. Điểm hẹn này đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm và bồi dưỡng thế hệ trẻ để kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp của âm nhạc truyền thống.

Anh Lương Văn Toản, Bí thư Xã đoàn kiêm phụ trách Văn hóa - Thông tin xã Hòa Phong

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/297729/diem-hen-cua-nguoi-yeu-am-nhac-truyen-thong-o-tay-hoa.html