Diêm dân yên tâm sản xuất nhờ những sáng tạo trong làm muối

Nghề làm muối tại các tỉnh ven biển vốn là cơ hội vô cùng màu mỡ để bà con thoát nghèo. Song, nhiều năm trở lại đây, giá muối chạm đáy khiến nhiều diêm dân không còn thiết tha với việc 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' trên ruộng muối. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức để khoa học công nghệ tham gia vào sản xuất nhằm đưa nghề truyền thống trở lại vị trí vốn có như nhiều năm về trước.

Để thúc đẩy bảo tồn và phát triển ngành muối, nhiều HTX đã chủ động từng bước xây dựng những mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo theo hướng liên kết để phát triển kinh tế tập thể. Qua đó góp phần giúp diêm dân cùng nhau tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Mạnh dạn đổi mới, đầu tư công nghệ sản xuất

Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX sản xuất & dịch vụ chế biến muối công nghệ cao Đông Hải (Bạc Liêu) đã ấp ủ mục tiêu duy trì sản xuất và tìm đầu ra cho bà con diêm dân.

Sau quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, HTX đã chuyển đổi hoàn toàn sang đầu tư công nghệ trải bạt, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt. Đây cũng là mô hình mà HTX tập trung hướng dẫn bà con diêm dân địa phương chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị hạt muối bán ra thị trường. Nếu như trước đó ai mua thì diêm dân bán, nay có HTX thu mua trực tiếp, giúp ổn định giá cả và đầu ra sản phẩm.

Diêm dân xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) vững tin sản xuất dựa trên phương pháp trải bạt.

Theo đánh giá của bà con diêm dân, so với phương pháp truyền thống thì kỹ thuật trải bạt giúp tăng sản lượng muối lên đến 30%, giá bán cũng cao gần gấp đôi. Hơn thế, kỹ thuật này cũng góp phần tiết kiệm được thời gian và công sức lao động qua từng công đoạn sản xuất, hạn chế thiệt hại khi gặp mưa bất thường, chi phí đầu tư tái sản xuất thấp. Trong khi đó, giai đoạn sản xuất muối của 2 phương pháp này về cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa. Song, muối trải bạt có giá bán cao hơn so với muối nền đất do đây là nguồn nguyên liệu sạch, đều, ít lẫn tạp chất để các doanh nghiệp chế biến thành muối tinh chất lượng cao.

Đến nay, HTX có 19 thành viên trực thuộc cùng tổng diện tích muối trên 51 ha. Bên cạnh hoạt động chính thu mua muối cho bà con diêm dân, HTX Đông Hải còn thành lập 2 tổ đội với 60 thành viên tham gia bốc xếp muối cho HTX. Trong đó có 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Được biết, vụ muối đầu tiên năm 2022 – 2023, sản lượng muối HTX đạt hơn 3.000 tấn, doanh thu trên 7 tỷ đồng, lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.

Cựu chiến binh Hồ Minh Chiến, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Có được nguồn doanh thu ổn định và được địa phương tạo điều kiện, HTX đã đầu tư cơ sở vật chất từ văn phòng làm việc đến kho chứa hàng với quy mô gần 500 triệu đồng để sản xuất và cung ứng muối. Sản phẩm muối của HTX vì thế đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước; nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng hạt muối luôn đảm bảo nên ngày càng có nhiều đơn hàng tìm đến với HTX, sản lượng muối được ký kết hợp đồng cũng vì thế ngày càng tăng”.

Bên cạnh HTX Đông Hải thì nhiều HTX trên cả nước vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, song ở những đơn vị này lại có sự đầu tư cải tiến nhằm gỡ khó cho công cụ hỗ trợ.

Đơn cử như ý tưởng sáng tạo chạt lọc, công cụ không thể thiếu trong sản xuất muối nhằm lọc lấy nước mặn từ cát trước khi đưa lên ô thủy tinh, của ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX muối Hải Lộc (Thanh Hóa). Theo đó, loại chạt lọc do ông Hùng nghiên cứu và phát triển không dùng nứa làm nan chạt như chạt lọc kiểu Nam Định, không sử dụng đá cục, sỏi… như chạt lọc Trúc Lĩnh như cách từ trước đến nay diêm dân vẫn làm. Tuy vậy, việc sử dụng loại chạt lọc này lại tốn ít công làm hơn, trong khi hiệu suất lọc rất cao, nước chạt có độ mặn như ý muốn và trong hơn so với lọc bằng loại chạt cũ rất nhiều.

Để diêm dân yên tâm trụ lại với nghề, cần có sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của các cơ quan Nhà nước.

Nhờ những sáng tạo trong việc phát triển công cụ hỗ trợ, HTX đã phần nào giải quyết được yêu cầu đảm bảo trong quá trình sản xuất, tránh đứt quãng khi phải tìm kiếm vật liệu thay thế chạt lọc chuẩn, cải thiện hiệu quả cả về hiệu suất và năng suất hoạt động. Qua đó giúp người dân yên tâm sản xuất

Để diêm dân “sống khỏe” với nghề

Đặc trưng nghề làm muối truyền thống vốn vất vả, lại nhiều công đoạn. Đặc biệt, những ngày nắng càng nóng thì bà con diêm dân lại ra đồng làm việc rất đông, bởi đây cũng là thời điểm chất lượng muối tốt nhất.

Trong khi đó, giá muối giảm, lợi nhuận lại thấp khiến nhiều diêm dân phải bỏ hoang ruộng muối để đi tìm việc khác mưu sinh. Hiện, số lượng người trẻ làm việc trên các cánh đồng muối chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, đa phần là lao động lớn tuổi đã dành hết cả đời giữ gìn nghề truyền thống.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu,... Trong đó, 13 cơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 01 cơ sở đã đầu tư 02 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.

Những đơn vị như HTX muối Hải Lộc hay HTX Đông Hải chính là minh chứng rõ ràng cho tâm huyết với nghề khi mạnh dạn bước khỏi vùng sản xuất vốn an toàn sang đầu tư, áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới nhằm gỡ khó cho người làm muối.

Mỗi công cụ, mô hình hiện đại đều có thể giúp diêm dân gia tăng hiệu quả về doanh thu gấp nhiều lần. Chẳng hạn, theo Giám đốc HTX Đông Hải, trong khi lợi nhuận từ sản xuất muối truyền thống chỉ vào khoảng 35 triệu đồng/ha/lần thu hoạch thì muối sản xuất trên ruộng không lót bạt lợi nhuận đạt 45- 50 triệu đồng/ha/lần thu hoạch (cao hơn khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha/lần thu hoạch). Hay nói cách khác, phương pháp trải bạt trên đất nền mang lại giá trị cao hơn khoảng 1,5 lần so với phương pháp sản xuất muối truyền thống.

Dẫu biết rằng việc chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang muối sạch áp dụng công nghệ cao là hướng đi mới là tất yếu nhằm nâng cao giá trị hạt muối, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho bà con diêm dân. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng sản xuất muối sạch bằng các phương pháp mới, chuyển đổi dần diện tích muối truyền thống sang sản xuất muối sạch vẫn là một bài toán vô cùng khó.

Bởi đời sống của hầu hết bà con diêm dân tại các “thủ phủ muối” như Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nam Định,... còn nhiều khó khăn và thách thức. Đáng nói, chi phí đầu tư ban đầu làm muối sạch khá cao, người dân thiếu vốn để đầu tư công cụ hiện đại,... Vì vậy, ngoài nỗ lực của diêm dân thì cần có các chính sách hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Thời gian tới, đối với các diện tích còn lại đang được sử dụng làm muối, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương sẽ phối hợp với các địa phương có lao động làm nghề muối để lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm dân. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các HTX củng cố đê bao, kênh mương, đáp ứng nhu cầu sản xuất muối, tạo điều kiện, tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua muối cho diêm dân. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hỗ trợ diêm dân cải thiện cơ sở hạ tầng.

Bùi Ly

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/diem-dan-yen-tam-san-xuat-nho-nhung-sang-tao-trong-lam-muoi-1098851.html