Di dời cơ sở chăn nuôi: Cần gỡ khó từ đâu?

Theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, ngày 1-1-2025 là hạn chót để các cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi những khu vực không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này còn gặp khá nhiều khó khăn. Vậy cần có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là một trong những "thủ phủ" chăn nuôi lợn của miền Bắc. Toàn huyện hiện có khoảng 130.000 con lợn tập trung tại các xã: Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Nội, Bối Cầu, Đồng Du... Tuy nhiên, có đến 72% cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, đều thuộc diện phải di dời theo quy định của khoản 1 Điều 12 Luật Chăn nuôi năm 2018. Tuy vậy, việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư của huyện còn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Luyến, chủ một cơ sở chăn nuôi ở thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ cho biết: “Gia đình tôi nuôi 30-50 con lợn trong vườn nhà, như nhiều hộ chăn nuôi khác. Tôi cũng biết là việc này ảnh hưởng đến bà con xung quanh, nhưng vì miếng cơm manh áo mà gia đình buộc phải chấp nhận. Nếu di dời ra ngoài khu dân cư thì phải có đất, có tiền mới làm được, mà vốn đầu tư khá lớn. Ra đó thì phải đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải hiện đại thì mới đáp ứng được, mà chúng tôi thì lấy đâu ra...”. Đồng chí Nguyễn Xuân Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Lục chia sẻ thêm: “Nhiều xã chưa thể bố trí đủ quỹ đất để thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Bản thân các chủ cơ sở này cũng thiếu tiềm lực, nhất là vốn để đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi cho phù hợp”.

Một cơ sở chăn nuôi lợn của người dân ở thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, với riêng chăn nuôi lợn, mỗi con cần khoảng 3-5m2 chuồng nuôi, chi phí đầu tư chuồng trại đạt tiêu chuẩn nuôi lợn thịt 15-17 triệu đồng/con. Với cách tính như vậy thì việc bố trí sắp xếp quỹ đất và nguồn vốn đầu tư để di dời các cơ sở chăn nuôi là rất lớn. Đây chính là rào cản khiến việc thực thi quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Rất khó để hoàn thành việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép vào thời hạn 1-1-2025. Chúng ta cần có thêm giải pháp để khắc phục khó khăn khi thực hiện quy định này. Trong đó, các địa phương cần căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 183 Luật Đất đai năm 2024 quy định về đất chăn nuôi tập trung để làm quy hoạch, xác định vị trí, diện tích di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi”. Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy kiến nghị: “Cần có giải pháp đồng bộ cho vấn đề này như: Phải có các chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ vốn vay cho chủ các cơ sở. Khuyến khích các cơ sở liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác để tiếp cận nguồn vốn dễ dàng thì việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm sẽ thuận lợi hơn...”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2019, tỉnh Bình Phước đã hình thành được vùng chăn nuôi an toàn với dịch bệnh tại 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Đồng Phú, Bù Đăng. Tham gia mô hình này là Công ty TNHH CPV Food thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Sản phẩm thịt gia cầm ở mô hình này xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, chính việc quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung, đưa các chủ cơ sở có nhu cầu phát triển chăn nuôi vào đó sẽ là tiền đề để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, tổ chức các mối liên kết sản xuất. Đó là xu hướng chăn nuôi tất yếu và các nước có nền chăn nuôi phát triển đã thực hiện từ lâu.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta đang có đàn lợn hơn 26 triệu con, đàn gia cầm 558 triệu con và đàn gia súc hơn 9 triệu con. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đang chiếm trên 24% giá trị sản xuất nông nghiệp. Với quy mô như hiện nay, việc thực thi các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 là cực kỳ quan trọng để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Để làm được điều này, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi, khu dân cư và đưa vào các khu chăn nuôi tập trung là rất cần thiết. Từ đó mới có điều kiện để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học-công nghệ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo thành mối liên kết với các doanh nghiệp; giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường để tăng thu nhập và phát triển bền vững.

TUẤN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/di-doi-co-so-chan-nuoi-can-go-kho-tu-dau-771249