ĐHCĐ Cảng Đoạn Xá (DXP): Củng cố mảng cảng biển, mở rộng kinh doanh mảng nhựa đường

Sáng ngày 17/5, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (mã chứng khoán DXP) đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2024. Ngành cảng biển và kinh doanh nhựa đường, bám theo định hướng đầu tư lớn cho hạ tầng của Chính phủ, sẽ là hai lĩnh vực cốt lõi để Công ty tiếp tục tăng trưởng.

Kết quả kinh doanh tích cực năm 2023

Bối cảnh kinh doanh năm 2023 có nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp. Dù vậy, bằng sự thích ứng linh hoạt, Cảng Đoạn Xá đã vượt xa kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Công ty đạt doanh thu năm 2023 gần 411 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm trước. Trong đó, riêng mảng nhựa đường (triển khai kinh doanh từ quý III) đóng góp gần 289 tỷ đồng, chiếm hơn 70%. Mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ cảng cũng khởi sắc khi mang về 122 tỷ đồng, cao hơn năm 2022. Công ty ghi nhận tổng sản lượng hàng hóa khai thác qua cảng của DXP đạt hơn 1,2 triệu tấn, sản lượng nhựa đường đạt hơn 24,3 nghìn tấn.

Sau khi trừ chi phí, DXP lãi trước thuế 67,9 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022 qua đó hoàn thành vượt kế hoạch ĐHCĐ đã thông qua, đạt 159% kế hoạch đề ra.

Với kết quả đã đạt được năm 2023, Đại hội đã thông qua phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 15% bao gồm 5% cổ tức bằng tiền và 10% cổ phiếu thưởng. Như vậy, doanh nghiệp dự chi gần 30 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền và phát hành thêm gần 6 triệu cổ phiếu để chia thưởng cho cổ đông.

Báo cáo tài chính được kiểm toán của DXP cho thấy bức tranh tài chính lành mạnh của doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2023, số dư tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của DXP đạt 480 tỷ đồng, chiếm một nửa tài sản của Công ty. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 dương gần 148 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước. Đây là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn không vay nợ và rủng rỉnh tiền để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Kế hoạch tăng trưởng mạnh cho năm 2024

Trao đổi với các cổ đông tại đại hội, ban lãnh đạo Công ty cho biết, DXP bước sang năm 2024 với thuận lợi và thách thức đan xen.

Trong mảng cảng biển, theo quy hoạch của thành phố, cảng Hoàng Diệu sẽ bàn giao một phần mặt bằng để xây dựng cầu Nguyễn Trãi và hướng tới dừng khai thác trong thời gian tới. Đây là cơ hội rất lớn để DXP tăng sản lượng và doanh thu trong năm 2024. Bên cạnh đó, DXP đã tạo dựng được thương hiệu trong khai thác hàng ô tô, thiết bị sắt thép và được sự tin cậy ủng hộ của các đại lý chủ hàng rời lớn, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tăng sản lượng hàng rời qua cảng. Ngoài ra, năng lực khai thác hàng ngoài khu neo của cảng ngày càng được nâng cao cũng tạo được uy tín và sự tin tưởng từ các đơn vị khách hàng, góp phần thêm cơ hội tăng sản lượng hàng thông qua.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), doanh nghiệp cảng biển Việt Nam có dư địa tăng trưởng nhờ các hiệp định FTA thế hệ mới, những chính sách thúc đẩy phát triển ngành cảng biển & logistics của Chính phủ. Theo quy hoạch tổng thể ngành cảng biển trong 10 năm, đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua các cảng là 38 – 47 triệu TEU, tương ứng tăng trưởng 7 – 10%/năm.

Chính phủ cũng đã nâng mức phí sàn tại các cảng biển, tạo cơ hội tăng nguồn thu từ phí xếp dỡ hàng hóa cho các doanh nghiệp cảng biển, theo đánh giá hiện chỉ bằng 1/3 chi phí mà hãng tàu thu từ chủ hàng - thấp nhất trong các nước Đông Nam Á.

Với DXP, doanh thu từ mảng dịch vụ cảng biển được nhận định tiếp tục tăng tốt nhờ lợi thế vùng. Thực tế cho thấy, hệ thống cảng ở HP không chỉ hưởng lợi từ các dự án đầu tư nước ngoài tăng mạnh tại HP thời gian qua mà còn của toàn bộ các tỉnh thành phía Bắc, với những thủ phủ công nghiệp mới như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương… Vì vậy mức độ tăng trưởng sản lượng của hệ thống cảng Hải Phòng sẽ lớn hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ngành.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ban lãnh đạo DXP, thị trường kinh doanh cảng biển nói riêng và ngành logistics nói chung ngày cạnh tranh khốc liệt, cũng tạo ra những thách thức mới với các cảng nhỏ như DXP.

Trong mảng kinh doanh mới là nhựa đường, DXP có thuận lợi từ chủ trương thúc đẩy đầu tư hạ tầng của Chính phủ, trong đó ưu tiên các dự án đường giao thông, sân bay… Đánh giá tiềm năng tăng trưởng của mảng kinh doanh này, DXP đặt mục tiêu sản lượng đạt 56.700 tấn, lợi nhuận kinh doanh nhựa đường đạt 21,7 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2023.

Đại hội đã nhất trí cao kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 804 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 75 tỷ đồng, tăng lần lượt 87% về doanh thu và 7% về lợi nhuận trước thuế so với thực hiện năm 2023.

Tăng vốn để đón đầu cơ hội mới

Với ngành nghề kinh doanh cốt lõi gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam ngày càng năng động, DXP đánh giá năng lực nắm bắt và triển khai nhanh các dự án, cơ hội kinh doanh mới đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn cho hoạt động kinh doanh, mua sắm máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đấu thầu, cổ đông DXP đã thông qua phương án phát hành thêm 21,5 triệu cổ phiếu, cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 307:100, tức là cổ đông sở hữu 307 cổ phần có quyền mua 100 cổ phần mới với giá 10.000 đồng/CP.

Thủy Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dhcd-cang-doan-xa-dxp-cung-co-mang-cang-bien-mo-rong-kinh-doanh-mang-nhua-duong-post345544.html