Đêm nơi xứ khác

Đầu tiên, phải thành thực, tôi chưa bao giờ ra khỏi biên giới Việt Nam cho đến khi trở thành phóng viên báo Tiền Phong. Với các chuyến tác nghiệp, tôi mới biết đến xuất ngoại và có những đêm nơi xứ lạ.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi là đến Thái Lan, theo chân ĐT Việt Nam tới chơi trận chung kết lượt về AFF Cup 2022. Dịp này đúng vào Tết ông Công ông Táo, nhưng sự háo hức khiến tôi quên hẳn chuyện Tết nhất, chỉ nghĩ đến việc ra nước ngoài thôi đã sướng rơn.

Không có điện, BTC SEA Games 32 phải dùng đèn ô tô để trao huy chương vào tối muộn ở Siem Reap.Ảnh: Thanh Hải

Không có điện, BTC SEA Games 32 phải dùng đèn ô tô để trao huy chương vào tối muộn ở Siem Reap.Ảnh: Thanh Hải

Thế nhưng, cảm nhận ban đầu của tôi là nước ngoài… chả khác gì Việt Nam. Cũng phải thôi, nơi tôi tới là vùng ven thành phố Rangsit, cách trung tâm Bangkok gần 50 cây số. Từ cửa sổ phòng khách sạn nhìn ra chỉ thấy màu xanh cây cối, màu vàng của đất và vài mái tôn lấp ló.

Với lịch trình bận rộn, đêm xuống là những bữa ăn muộn ngắm những chiếc xe bán tải chạy rầm rập trên đường Khlong Luang. Bữa ăn cũng chẳng có gì, thường là nồi tom-yum cay nồng dậy mùi nước cốt dừa. Nói đến tom-yum tôi lại nhớ tới thắc mắc của người Thái, rằng “sao mỗi khi gặp Thái Lan chúng mày hay nói là ăn lẩu Thái, đó là món gì, bọn tao đâu có món đó?”. Tôi mới nói “lẩu Thái” chính là tom-yum, nhưng thêm đồ nhúng. Tiếc rằng chung kết ấy, cũng là màn chia tay HLV Park Hang-seo, chúng ta không thể ăn “lẩu Thái” trên đất Thái.

Người Campuchia cổ vũ bóng đá ở công viên Wat Botum. Ảnh: Thanh Hải

Người Campuchia cổ vũ bóng đá ở công viên Wat Botum. Ảnh: Thanh Hải

Những ngày SEA Games 32 diễn ra trên đất Campuchia, tôi được “trải nghiệm” nhiều hơn. Kỷ niệm nhớ đời là chuyến xe xuyên đêm từ Siem Reap về Phnom Penh. Thoạt đầu nhìn chiếc xe giường nằm, mấy anh em phóng viên mừng húm, bởi có thể được ngả lưng sau một ngày dài ở Angkor Wat theo dõi môn marathon và đi bộ.

Ừ thì được ngả lưng thật, nhưng kết cấu chiếc xe này hoàn toàn khác những gì chúng tôi hình dung. Thay vì hàng ghế nằm, xe được cải tạo thành hai dãy hộp chạy dọc hai bên xe, giữa là một lối đi cực hẹp. Và đây mới là điều tệ nhất: Cứ hai người chui vào một hộp kín. Đó là chiếc hộp rất nhỏ, một người co duỗi còn khó chứ đừng nói là hai. Nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải chui vào cánh cửa bé tí xíu rồi nằm theo kiểu “úp thìa”, sau đó tha hồ ngửi mùi nồng của mồ hôi, giầy tất của nhau.

Cậu bé bán hoa trong đêm trước cửa EDM Club. Ảnh: Thanh Hải

Cậu bé bán hoa trong đêm trước cửa EDM Club. Ảnh: Thanh Hải

Thật khó để ngủ trong chiếc hòm đó. Cách duy nhất để giết thời gian là nhìn qua ô cửa sổ, cũng rất nhỏ, và chờ trời sáng. Từ lúc trời còn tối đen tới khi sáng rõ, dọc quãng đường dài 300km chỉ có một khung cảnh buồn tẻ. Dưới bóng cây thốt nốt sẽ là những căn nhà nhỏ lúp xúp, làm theo kiểu nhà sàn với khoảng cách từ mặt đất đến sàn nhà tùy thuộc điều kiện kinh tế. Cột bê tông sẽ cao hơn, gỗ thì thấp hơn.

Về tới Phnom Penh, khung cảnh nhộn nhịp hơn nhưng chỉ khi còn ánh nắng. Những ngày đầu mới đến, chứng kiến sự vắng lặng quanh khách sạn và rất ít những ô cửa sáng đèn ở các căn nhà cao tầng gần đó vào buổi tối, tôi cho rằng người dân nơi đây đi ngủ sớm và không thích cuộc sống về đêm.

Tại thủ đô hoa lệ của xứ chùa tháp, có những khu vực đặc biệt tấp nập với những con người kiếm sống nhờ ban đêm.

Nổi tiếng nhất dĩ nhiên là NagaWorld, thiên đường của những người muốn tìm kiếm vận may thông qua bài bạc, hoặc chỉ đơn giản là thỏa mãn thú vui đỏ đen. Khách tới đây thì nhiều, có thể là người Việt, người Hoa, Singapore hay Hàn Quốc. Nhân viên cũng nhiều không kém, đảm bảo mọi thứ diễn ra trật tự và hướng người chơi vào những bàn đã có các dealer (người chia bài) chờ sẵn.

Không xa nơi đó, chếch về phía đông thành phố là khu phố nhộn nhịp với các quán bar, hộp đêm và vũ trường. Nó giống như một thế giới khác, tách biệt với cuộc sống của đại đa số dân Phnom Penh. Nơi đây chỉ dành cho những người giàu có hay khách du lịch.

Khi bạn bước vào EDM, Club rất nổi ở Phnom Penh, vừa bước vào tiếng nhạc nện công suất lớn xuyên qua bầu không khí đặc quánh để thúc tung lồng ngực. Xen lẫn những bản nhạc thời thượng là nhạc Hoa của thập niên 1990 được remix, bởi lẽ khách Trung Quốc ở đây rất đông, nếu không muốn nói là phổ biến.

Giữa không gian huyền ảo nhưng lại không đủ sáng, khiến các nhân viên phải dùng đèn pin rọi đường, là những cô gái phục sức khêu gợi, chỉ chờ để xếp hàng tới bàn khách và hy vọng được chọn. Họ chỉ ngồi tiếp chuyện, song đây là một phần lý do khiến hóa đơn bị đội lên. Một nhóm 5 người không dùng rượu chi phí cũng lên đến 900 USD (21 triệu đồng). Số tiền này khá lớn ở Campuchia, nơi thu nhập bình quân đầu người theo IMF chưa được 5.000 USD, chỉ cao hơn Myanmar và Timor-Leste ở khu vực Đông Nam Á.

Có một hình ảnh khắc họa rõ nét sự phân hóa là ngay trước cửa EDM, những cô bé cậu bé bán hoa tươi đứng ngồi vạ vật quanh chỗ đậu xe. Vào thời gian mà mọi đứa trẻ nên ở trên giường, chúng chờ đợi trong mệt mỏi, đôi khi ngước mắt nhìn lên rồi lại cụp xuống vì thất vọng.

Phnom Penh cũng có những khu giải trí khác bình dân hơn. Rời trung tâm Phnom Penh và hướng về phía sân bay, đường 2004 là con phố với đèn lồng và bảng hiệu karaoke lấp loáng. Trước mỗi quán là dãy dài các cô gái ngồi ghế ăn mặc mát mẻ, cố gắng nở nụ cười mỗi khi có xe vụt qua.

Việc của họ chỉ là ngồi đó, còn chèo kéo khách đã có nhóm thanh niên nhanh nhẹn liên tục di động dưới lòng đường. Những người này sẵn sàng lao ra đầu xe và chào mời. Trong trường hợp khách vọt đi, họ sẵn sàng lấy xe máy chạy đuổi theo, nỗ lực thuyết phục thêm lần nữa. Tuy nhiên bên cạnh đa số các quán bình dân vẫn có những nơi sang trọng. Ở đó, các nhân viên bảo an mặc đồng phục, mời chào nhã nhặn và kiên nhẫn.

Theo chia sẻ của một người Việt sinh ra tại Campuchia, đây là những quán karaoke “không lành mạnh”. Theo hai nhẽ. Một, các tiếp viên sẵn lòng đưa khách sang khu khác để phục vụ từ A-Z nếu có yêu cầu, và hai, bằng nhiều thủ thuật trí trá, các nhân viên sẽ phù phép để hóa đơn từ vài chục đô lên 200 đô, thậm chí cả 300 đô. “Những vụ kiểu đó đưa lên mạng em coi hoài, nên không bao giờ vô, uổng tiền lắm”, cậu nói sau khi dẫn tôi đi một vòng tham quan cho biết.

Chếch về phía đông thành phố là khu phố nhộn nhịp với các quán bar, hộp đêm và vũ trường. Nó giống như một thế giới khác, tách biệt với cuộc sống của đại đa số dân Phnom Penh. Nơi đây chỉ dành cho những người giàu có hay khách du lịch.

THANH HẢI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dem-noi-xu-khac-post1587069.tpo