Đêm giao thừa và những đóa hoa nở trong bệnh viện

Đêm giao thừa luôn vô cùng quan trọng, thiêng liêng với mỗi người. Từng nhành cây, ngọn cỏ, đóa hoa đều muốn ăn tết, muốn dâng hiến trọn vẹn trong khoảnh khắc giao hòa giữa cũ và mới. Song có những con người vẫn phải dốc lòng cho nhiệm vụ chung, cho các công việc mà không phải ai cũng hiểu. Tôi muốn dành đóa hoa kính tặng các bác sĩ sản khoa.

Bình thường, làm nghề y đã phải vất vả, áp lực, có giây phút thật sự “cân não”. Năm hết tết đến, ai cũng mong đoàn tụ, quây quần cùng gia đình, bên mâm cơm giao thừa, thưởng thức các chương trình đặc sắc trên vô tuyến truyền hình. Người ở thành phố có thể dạo chơi cùng người thân, chờ đón màn bắn pháo hoa rộn rã, cầu chúc cho năm mới an yên, phát đạt. Nhưng nơi bệnh viện, các bác sĩ sản khoa vẫn… trực chiến. Đó thật sự là cuộc trực chiến.

Những đêm trực cũng trở thành truyền thống của họ. Bình thường, các ca dự kiến sinh mổ khỏe mạnh có thể chọn ngày giờ. Còn lại phụ thuộc vào mỗi sản phụ. Và cuộc sống luôn có những tình huống khó lường. Các ca cấp cứu, sinh nở chẳng bao giờ biết “né” ngày tết hay giao thừa. Với ca khó, người tham gia kíp trực phải mau lẹ xử lý tình huống sao cho thật khoa học, chính xác, để giúp các sản phụ mẹ tròn con vuông.

Suốt 10 năm đằng đẵng thăm khám, chữa chạy, cuối cùng chúng tôi cũng có cơ hội có con. Song vợ tôi đã trở dạ vào đúng tối 30. Lo lắng, hồi hộp, tôi đưa vợ tôi vào khoa sản. Tim đập thình thịch. Các bác sĩ chẩn đoán có thể sinh thường, nhưng chưa mở. Đành chờ. Thú thực, lúc đó tôi có phần tiếc vì mình đã chuẩn bị rất nhiều cho thời khắc giao thừa. Nhưng lúc này vợ con là trên hết. Trong bệnh viện, đâu phải chỉ mỗi tôi đưa vợ đến. Chẳng ít ông chồng tớn tác, hớn hở đưa vợ vào đây và chắc họ cũng giấu đi những cảm xúc về mùa xuân. Tôi bớt đi lo lắng khi các bác sĩ, y tá niềm nở, nhiệt tình đón tiếp và động viên. Trong sảnh bệnh viện cũng có đào, quất đang khoe sắc, có bánh trái chờ đón giao thừa.

Người cha vui mừng đón chào con. Ảnh: LỆ HÀ

Tôi ấn tượng bác sĩ Hoa, một nữ bác sĩ vẫn tiếp đón, trò chuyện, động viên người nhà và cả những sản phụ đang chờ sinh cũng như vừa vượt cạn thành công. Khuôn mặt chị rạng ngời, tươi như một đóa hoa dù chiếc khẩu trang đã che một phần khuôn mặt. Chị tươi như cái tên của chị. Hẳn là với những em bé được chị giúp đỡ cũng sẽ trở nên tươi thắm, xinh xắn. Chị đã gần 10 lần trực đêm giao thừa. Chị tận tay đón chào những thiên thần bé nhỏ của năm mới là những kỷ niệm trong nghề mà chị luôn trân trọng. Chồng con năm nào cũng mong ngóng, nhưng chị đã hy sinh giờ khắc bên gia đình để cống hiến cho công việc chung. Mẹ chị là bác sĩ sản khoa, mới nghỉ hưu năm ngoái. Chính bà cùng niềm yêu công việc, yêu trẻ, đã lan tỏa ngọn lửa sang con gái, giúp chị có thể vượt qua được giây phút chạnh lòng, làm việc tốt hơn. Chị vừa tham gia mổ đẻ cho một ca bệnh khó, cùng đồng nghiệp lại góp phần cứu sống hai đứa trẻ khác.

Những người chồng hồi hộp mỗi khi nghe thăm khám, thông báo người vợ phải di chuyển sang phòng mổ hay phòng sinh. Mỗi gương mặt người đàn ông bình thường cứng rắn, chững chạc, mà lúc ở trong bệnh viện chăm vợ sinh trở nên ngây thơ, non nớt. Vợ tôi được gọi tên. Chờ đợi và chờ đợi, đó là những gì tôi có thể làm. Trên vô tuyến những bài hát về năm mới trở nên rộn ràng. Ngoài kia phố xá chắc đang giao hòa. Ánh mắt bác sĩ Hoa động viên tôi khi tôi “trăm sự em xin nhờ cả bác sĩ”. Bác sĩ Hoa bảo: “Không phải lo đâu, chắc chắn sẽ thành công anh ạ”.

Niềm vui của cặp vợ chồng sinh con đêm giao thừa

Lúc bác sĩ Hoa đón vợ tôi đi là 11 giờ 30. Và đúng lúc ngoài phố, màn pháo hoa của thành phố đang tỏa rạng, tôi được chị hộ lý trao con cho bế. Ôm con vào lòng là giây phút thiêng liêng quý giá mà đến giờ tôi chưa hết xúc động. Đó là một khoảnh khắc vui sướng vô cùng, tôi muốn hét lên. Tôi đã làm bố thật rồi. Xin cảm ơn tất cả! Đồng hồ chỉ 12 giờ 10 phút. Tôi chụp ảnh con và mình, nước mắt trào ra. Ít phút sau, lãnh đạo bệnh viện đi thăm và lì xì cho các thiên thần bé nhỏ, chúc cho các cháu cả đời bình an.

Hẳn những ông bố chờ vợ sinh trong đêm giao thừa cũng mang cảm xúc như tôi. Tôi mang sẵn một bó hoa nhỏ để tặng bác sĩ Hoa và tôi biết việc làm ấy đã góp phần làm xuân bừng thêm ở khoa sản. Nếu mỗi người là một đóa hoa xuân, thì bác sĩ Hoa, với tôi là đóa hoa đẹp nhất giao thừa đó. Chị đã tiếp thêm nghị lực sống tốt đẹp cho tôi, giúp đỡ để “nụ hoa con” - thiên thần bé nhỏ của tôi được chào đời. Bác sĩ Hoa nói với những ông bố đứng chung quanh: “Tôi đã đón nhiều em bé chào đời. Trong khoảnh khắc giao thừa, ngày tết, cảm xúc nhân lên gấp bội”. Bây giờ con tôi đã lên 5. Từ đêm giao thừa năm đó, từ sự nhiệt thành, tình nghĩa của các bác sĩ, y tá, hộ lý, những đóa hoa nhỏ xinh đã nở. Chúng sẽ làm rực rỡ cuộc sống, bầu trời và góp mình làm nên những xuân ấm.

DIÊN KHÁNH

Hoàn Kiếm -Hà Nội

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dem-giao-thua-va-nhung-doa-hoa-no-trong-benh-vien-post726382.html