Đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu:Thu hút từ cách thể hiện mới

Gần đây, các đơn vị nghệ thuật sân khấu tiếp tục đầu tư dàn dựng và cho ra mắt nhiều vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều tác phẩm khi công diễn đã thu hút lượng lớn khán giả. Bên cạnh mảng đề tài có sức ảnh hưởng lớn với nhiều thế hệ công chúng, sự hấp dẫn của các tác phẩm này còn do cách thể hiện mới, hợp thị hiếu của khán giả hiện nay.

Một cảnh trong vở chèo “Đại đội trưởng của tôi” do Nhà hát Chèo Quân đội thực hiện. Ảnh: Duy Tiến

Thể hiện sáng tạo trên sân khấu

Vở kịch nói “Bến nước thời gian” của Nhà hát Tuổi trẻ mới ra mắt đã tạo sức hút với khán giả. Tác phẩm được tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ truyện “Mười ba bến nước” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, do Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến đạo diễn, xoay quanh những số phận không chỉ chịu chia cắt khốc liệt thời chiến mà còn phải đối diện với những bất hạnh từ di họa của chất độc da cam. Qua cách thể hiện của đạo diễn Sĩ Tiến và ê kíp, sân khấu được thiết kế xoay vòng, mở ra nhiều không gian, khi là bến nước, khi là dòng sông, khi lại là những chiếc cầu… rất linh hoạt. Táo bạo hơn, ê kíp đã đưa một bể nước 500 lít lên sân khấu để tạo một bến nước như thật gây cảm hứng cho nghệ sĩ và cảm xúc cho khán giả.

Vở diễn “Trái tim người Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội khai thác về những người con Hà Nội trong kháng chiến, được Nghệ sĩ ưu tú Phùng Tiến Minh đạo diễn với nhiều nét mới. Từ lát cắt chuyện tình yêu của hai bạn trẻ, vở kịch đã tái hiện về năm tháng chiến tranh khốc liệt khi những cô gái, chàng trai Hà Nội ở tuổi 17-18 đầy ước mơ, hoài bão đã dũng cảm bước vào cuộc chiến, cống hiến tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Với thế mạnh là một nhạc sĩ, đạo diễn Phùng Tiến Minh đã sử dụng âm nhạc để dẫn dắt truyện kịch, đặc biệt là những bài hát quen thuộc về Hà Nội, khiến khán giả thấy thân thương, yêu mến. Nhà hát Kịch Hà Nội cũng vừa hoàn thành vở kịch “Vòng tròn bội bạc” của tác giả Chu Lai, do Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu đạo diễn, kể về những người lính bước ra từ chiến trường trở về thời bình, để phục vụ công chúng thời gian tới.

Ra mắt từ năm 2017 nhưng mỗi lần biểu diễn, vở “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch Việt Nam lại gây “sốt”. Suất diễn vào cuối tháng 3 vừa qua cũng vậy, khán giả ngồi chật kín, xem hết vở diễn còn nán lại để gặp gỡ và chia sẻ với các diễn viên.

Các vở “Điều còn lại” của Nhà hát Chèo Hà Nội, “Đại đội trưởng của tôi” của Nhà hát Chèo Quân đội thành công khi khai thác nhuần nhị câu chuyện chiến tranh vốn không dễ thể hiện trên sân khấu chèo truyền thống. Ngoài ra, các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến như “Đôi mắt”, “Nguồn sáng trong đời”, “Điều không thể mất”… vẫn được các đơn vị nghệ thuật tái dựng với cách thể hiện mới, hấp dẫn. Đã thưởng thức các vở diễn “Trái tim người Hà Nội” và “Bão tố Trường Sơn”, anh Nguyễn Đức Hưng (phường Mai Dịch, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Các nghệ sĩ khiến khán giả vừa xúc động rơi nước mắt rồi lại cười sảng khoái. Phần nhìn và phần nghe đều tuyệt vời. Mình về còn tìm lại những bài hát trong tác phẩm để nghe lại”.

Tiếp tục chinh phục khán giả

Một cảnh trong vở kịch “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng vừa là nguồn cảm hứng, vừa là nhiệm vụ của giới sân khấu. Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, “Bến nước thời gian” được dàn dựng hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vở diễn không chỉ tri ân những chiến sĩ nơi chiến trường mà còn tôn vinh những người phụ nữ nơi hậu phương đầy nhân hậu, vị tha và giàu đức hy sinh. Quan trọng hơn, vở diễn này muốn hướng đến khán giả trẻ, để họ thêm hiểu và đồng cảm với thế hệ đi trước.

Nhiều lần hóa thân vào vai chiến sĩ trên sân khấu và điện ảnh, mới đây nhất là trong vở kịch “Vòng tròn bội bạc” của Nhà hát Kịch Hà Nội, Nghệ sĩ ưu tú Thiện Tùng chia sẻ: “Được thể hiện hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, tôi thấy mình trưởng thành hơn và cần tiếp tục sáng tạo, hoàn thiện để đóng góp truyền tải những tác phẩm giá trị, chân thực, thuyết phục về thế hệ đã hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc tới khán giả trẻ”.

Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị nghệ thuật chỉ sử dụng các kịch bản cũ, chuyển thể, hoặc cảm tác từ những tác phẩm văn học nổi tiếng về đề tài này. Năm 2023, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phát động sáng tác kịch bản về đề tài chiến tranh cách mạng hướng tới các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, như 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9… Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bày tỏ tin tưởng, đây là động lực để các tác giả, nghệ sĩ tập trung sáng tạo nhiều tác phẩm mới về đề tài ý nghĩa này.

Gần đây, sân khấu đã xuất hiện nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, như “Băng đạn cuối cùng” (tác giả Trần Trí Trắc), “Mãi mãi tuổi thanh xuân” (tác giả Nguyễn Giang Phong), “Ngàn mây áo cưới” (tác giả Lê Thế Song)… Hy vọng, các đơn vị nghệ thuật có thể khai thác, đầu tư sáng tạo đưa các kịch bản "trên giấy" thành tác phẩm chất lượng, có sức hút lớn với khán giả.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-tai-chien-tranh-cach-mang-tren-san-khau-thu-hut-tu-cach-the-hien-moi-664870.html