Đề án mở ngành Khoa học tính toán bậc tiến sĩ có gì mà TDTU không cung cấp?

Giáo sư Hoàng Kiếm cho rằng, việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng không công khai đề án mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là không minh bạch.

Ngày 19/1/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Người học lo mở ngành trình độ TS không đúng, ĐH Tôn Đức Thắng trả lời vòng vo”.

Bài viết phản ánh việc người học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của ngành Khoa học tính toán tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) lo lắng liên quan đến các điều kiện mở ngành này.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cơ sở chính tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cơ sở chính tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Người học cho biết: "Theo tôi tìm hiểu, ngành Khoa học tính toán đào tạo trình độ tiến sĩ không có trong danh mục mã ngành.

Ngành gần nhất với Khoa học tính toán là Toán ứng dụng thì năm 2016 Trường Đại học Tôn Đức Thắng mới khai giảng khóa đào tạo thạc sĩ đầu tiên. Điều đó có nghĩa rằng khóa đào tạo này phải đến năm 2019 mới kết thúc, nhưng đến tháng 6/2018, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã khai giảng khóa đào tạo ngành Khoa học tính toán trình độ tiến sĩ.

Điều này đã trái với Điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: "Ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ phải là ngành đúng hay ngành gần (nếu không có ngành đúng) là điều kiện đăng ký đầu vào của ngành đăng ký đào tạo trình độ tiến sĩ đã được đào tạo tại cơ sở đào tạo và đã có học viên tốt nghiệp".

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có liên lạc với Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào – Trưởng ban Truyền thông, Quan hệ công chúng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đề nghị thông tin về căn cứ mở ngành Khoa học tính toán trình độ tiến sĩ tại trường và đề án mở ngành này thì vị này không đồng ý cung cấp đề án.

Để có thêm thông tin cho độc giả quan tâm, phóng viên đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, báo chí chuyển tải các ý kiến, lo lắng của người học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nên thẳng thắn trả lời. Điều này là thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học với xã hội. Nếu việc mở ngành Khoa học tính toán trình độ tiến sĩ đúng các quy định của pháp luật thì trả lời trên báo chí là cơ hội giúp trường thông tin rõ ràng với tất cả người học và những ai quan tâm tới việc học tập tại ngôi trường này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Kiếm – nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin khi được cung cấp các thông tin trên thì cho rằng: “Đề án mở ngành này mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng không công khai là không minh bạch”.

“Phải chăng có vấn đề gì ở đây, nên nhà trường mới không minh bạch?” – Giáo sư Hoàng Văn Kiếm đặt câu hỏi.

Cũng nói về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thông thường thì quy trình để một ngành đào tạo từ trình độ đại học, thạc sĩ lên tiến sĩ chắc chắn cần phải xây dựng đề án mở ngành.

Trong đề án này, nhà trường cần khảo sát nhu cầu nhân lực, thị trường, công khai các giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo chi tiết.

Theo thầy Đỗ Văn Dũng, đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường tự chủ hoàn toàn. Đối với ngành đã có mã ngành, thì không cần xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà chỉ cần Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường, Hiệu trưởng báo cáo Hội đồng trường phê duyệt.

Còn đối với những ngành nào mà chưa có mã ngành, thì nhà trường cần phải xin ý kiến, báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi mới tính.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết, khi báo chí đề nghị cung cấp đề án mở ngành, thì nhà trường cần cung cấp, thậm chí là công khai trên mục ba công khai tại cổng thông tin điện tử của trường.

Thầy Đỗ Văn Dũng cũng chia sẻ thêm, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đáp ứng yêu cầu về số lượng chức danh phó giáo sư, giảng viên trình độ tiến sĩ. Và thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học khó đáp ứng được cơ cấu giảng viên để mở ngành.

Tiến sĩ Lê Đông Phương – nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc nhà trường không minh bạch thông tin khiến cho dư luận đặt nhiều câu hỏi. Sẽ có ý kiến cho rằng, phải chăng thông tin đó có vấn đề nên không cung cấp?

Trước đó, tại thông báo kết quả kiểm tra số 194/TB-BGDĐT ngày 20/10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ, kiểm tra tuyển sinh, liên kết đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Một số tồn tại, hạn chế, kết luận kiểm tra đã chỉ ra. Việc tự chủ mở ngành đào tạo của Nhà trường chưa cập nhật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giảng viên người nước ngoài chủ trì mở ngành đào tạo nhưng chỉ ký hợp đồng thỉnh giảng hoặc hợp đồng ngắn hạn là không phù hợp.

Với duy trì các điều kiện mở ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, kết luận nêu rõ, một số ngành không có giảng viên cơ hữu là giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì ngành đào tạo, một số ngành chủ trì là giáo sư/phó giáo sư người nước ngoài, một số ngành chủ trì ngành là người đã nghỉ hưu và có ngành không đủ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ phù hợp.

Về tự chủ quyết định phê duyệt Đề án thí điểm liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ với nước ngoài theo hình thức sandwich, bán thời gian khi nhiều ngành chưa mở đào tạo ở trình độ tiến sĩ. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://daibieunhandan.vn/trao-doi/ket-qua-kiem-tra-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-co-bieu-hien-non-nong-trong-cong-bo-quoc-te-i304916/

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-an-mo-nganh-khoa-hoc-tinh-toan-bac-tien-si-co-gi-ma-tdtu-khong-cung-cap-post240644.gd