ĐBQH NÀNG XÔ VI: CẦN KHUNG PHÁP LÝ CỤ THỂ VỀ ĐIỀU TRỊ SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH Ở TRẺ EM

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật quan tâm, bổ sung các quy định về điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em.

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 với 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 4, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được dự thảo Luật quy định gồm: tôn trọng quyền, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh; ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng; tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề và người lao động khác đang làm nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Về bố cục của dự thảo Luật, dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Phát biểu về dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nghiêm túc và đầy đủ các ý kiến tham gia của Đại biểu Quốc hội trong các lần thảo luận trước để xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trình ra Kỳ họp lần này.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi cho biết, suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) của Tổ chức Y tế Thế giới. Trẻ bị bệnh Suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ bị Suy dinh dưỡng cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn y tế.

Đại biểu nêu rõ, suy dinh dưỡng nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đa số trẻ em bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng chi trả cho việc điều trị.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng trên 230.000 trẻ em Việt Nam bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng (trẻ em dưới 06 tuổi), trong đó có khoảng 50.000 ca là người dân tộc thiểu số. Riêng tỉnh Kon Tum với dân số khoảng 580.000 người, có khoảng 1.800 trẻ bị Suy dinh dưỡng nặng cấp tính cần được điều trị. Trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh Kon Tum được sự hỗ trợ của Tổ chức UNICEF đã triển khai hiệu quả “mô hình quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dựa vào cộng đồng”. Tuy nhiên hiện nay, nguồn hỗ trợ từ các Dự án của Tổ chức UNICEF đã kết thúc nên việc đều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng ở tỉnh Kon Tum nói riêng và trẻ em suy dinh dưởng trong cả nước nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ thực trạng trên, nữ đại biểu cho rằng, cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét, có quy định cụ thể trong dự thảo Luật này về việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, đại biểu phản ánh, trong thời qua, tình trạng người nhà, người đi cùng bệnh nhân; cá biệt có cả bệnh nhân (đang được khám, điều trị) có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện có chiều hướng gia tăng và đã có những vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải bổ sung vào Luật khám bệnh, chữa bệnh các biện pháp phù hợp hơn, quyết liệt hơn để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên tế, nhằm đảm bảo phát huy cao nhất yêu cầu về răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Thu Phương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=69759