Dấu hiệu 'hụt hơi' của loạt ông lớn xe điện Trung Quốc

Các nhà sản xuất xe điện (EV) hàng đầu của Trung Quốc từ BYD đến Xpeng đang mất nhiều thời gian hơn để giải quyết các khoản thanh toán với nhà cung cấp, trước thực trạng doanh số bán hàng chậm lại và chiết khấu ngày càng tăng.

Mất nhiều thời gian hơn để thanh toán cho nhà cung cấp

Theo tờ SCMP, hãng xe BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, mất 275 ngày để thanh toán cho các nhà cung cấp chuỗi cung ứng vào năm 2023, lâu hơn so với 219 ngày vào năm 2022 và 198 ngày vào năm 2021.

Nio, có trụ sở tại Thượng Hải, cần 295 ngày để tất toán các tài khoản phải trả vào năm ngoái, trong khi chỉ cần 247 ngày vào năm 2022 và 197 ngày vào năm 2021.

Thời gian Xpeng thực hiện nghĩa vụ của mình với các nhà cung cấp đã tăng lên 221 ngày vào năm ngoái, từ mức 208 ngày vào năm 2022 và 179 ngày vào năm 2021.

Ông David Zhang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác quốc tế ô tô kỹ thuật số WDEF tại Hàng Châu cho biết: “Thời gian mà các nhà sản xuất ô tô phải trả tiền cho nhà cung cấp của họ là một chỉ số về sức khỏe tài chính của họ. Chu kỳ thanh toán kéo dài cho thấy một số đang phải đối mặt với vấn đề thanh khoản và họ phải điều chỉnh việc quản lý dòng tiền của mình".

Ôn Zhang cho biết thêm rằng việc chậm trễ thanh toán kéo dài hơn cũng có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp vì các nhà sản xuất linh kiện có thể không đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu thô để đảm bảo hoạt động trơn tru.

Hệ quả của doanh số "chững lại" và các chiến dịch chiết khấu

Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho biết các nhà sản xuất xe điện đã bán được 8,9 triệu chiếc tại Trung Quốc vào năm ngoái, cao hơn 37% so với năm 2022, nhưng lại giảm mạnh so với mức tăng 90% vào năm 2022.

Dữ liệu CPCA cho thấy sự chậm lại đã tiếp tục diễn ra trong quý đầu tiên của năm nay, với việc số lượng xe thuần điện và xe plug-in hybrid giảm 31% so với quý trước xuống còn 1,76 triệu chiếc.

Điều này cho thấy doanh số xe điện của các hãng xe đã bước qua thời kỳ bùng nổ và đang tiến tới giai đoạn "chững". Khi lượng hàng tồn kho bắt đầu tăng, để thúc đẩy việc kinh doanh, nhiều hãng xe đã thực hiện giảm giá hoặc tiếp tục đầu tư vào những sản phẩm mới mẻ hơn. Điều này khiến nguồn tiền của các công ty cần được phân bố lại, và cũng khiến thời gian thanh toán kéo dài hơn.

BYD, công ty được hậu thuẫn bởi "đế chế" Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, đã nổ loạt đạn đầu tiên trong cuộc chiến giá xe điện ở đại lục, giảm giá gần như tất cả ô tô của họ từ 5-20% kể từ giữa tháng 2.

Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước rằng kể từ đó, giá của 50 mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu khác nhau đã giảm trung bình 10%.

Ngân hàng Mỹ cho biết thêm, việc BYD cắt giảm 10.300 nhân dân tệ (1.425 USD) cho mỗi chiếc xe, tương đương 7% giá bán trung bình của công ty, có thể khiến ngành công nghiệp xe điện của quốc gia thua lỗ.

Về mặt xuất khẩu, việc Mỹ áp dụng thuế quan với xe điện Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ tạo rào cản cho việc thâm nhập thị trường nước ngoài, khiến các nhà sản xuất EV của Bắc Kinh "khó càng thêm khó".

Vẫn có những ngoại lệ

Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng đang trong thời kỳ khó khăn. Bằng chứng là, một số công ty như Li Auto vẫn có lãi, và cũng không mất nhiều thời gian để thanh toán các hóa đơn cho nhà cung ứng.

Ví dụ, Gigafactory của Tesla tại Thượng Hải đã rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn 101 ngày vào năm ngoái, từ mức 112 ngày vào năm 2022 và 113 ngày vào năm 2021.

Li Auto có trụ sở tại Bắc Kinh, đối thủ Trung Quốc gần nhất của Tesla, cũng đã chốt chu kỳ thanh toán còn 164 ngày vào năm 2023, giảm 17 ngày so với năm 2022.

Thủy Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dau-hieu-hut-hoi-cua-loat-ong-lon-xe-dien-trung-quoc-d111052.html