Dấu chân Đại tướng Ba Trà - Bài 2: Những ngôi chùa 'hộ quốc, an dân' (Tiếp theo và hết)

Hơn nửa thế kỷ trong quân ngũ, dấu chân tướng Ba Trà đã in đậm trên những nẻo đường quê hương và chiến trường nước bạn. Về với đời thường, bước chân không mỏi của ông lại có mặt ở đảo xa, các địa phương ở Tây Nam Bộ và nhiều tỉnh, thành phố để làm một việc có ý nghĩa sâu xa, đặc biệt: Xây dựng những ngôi chùa 'hộ quốc, an dân'...

Từ trăn trở của ông Sáu Dân

Ngày 8-3-2008, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ông Sáu Dân) về nhà ông Ba Trà ở Phù Lãng chơi và thăm hỏi. Trong câu chuyện, ông Sáu Dân tâm tình: Tôi sinh ra và lớn lên, rồi nhiều năm công tác ở Nam Bộ, anh quê ở ngoài Bắc nhưng cũng có hàng chục năm lăn lộn, gắn bó với nhiều địa phương ở đây, nhất là vùng Tây Nam Bộ. Tôi và anh đều được đồng bào, đồng chí cưu mang nên mới có được như ngày hôm nay. Với vùng đất Tây Nam Bộ, tôi thấy có "6 cái nhất", trong đó có "3 nhất" vui: Đây là nơi sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, trái cây và thủy sản nhiều nhất cả nước và "3 nhất" buồn: Nghèo nhất; con gái đi lấy chồng nước ngoài nhiều nhất và văn hóa tâm linh Việt Nam ở Tây Nam Bộ ít nhất. Đặc biệt là văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống, tri ân những nhân vật lịch sử, tôi thấy rất trăn trở, muốn cùng anh trao đổi nghiêm túc và bàn cho ra cách làm với mô hình cụ thể...

Đại tướng Phạm Văn Trà trao quà tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hậu Giang, năm 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Sáu Dân điểm lại, lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm nhưng ở Tây Nam Bộ chỉ có vài đền thờ danh nhân, anh hùng chống thực dân Pháp: Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu hay quan trấn thủ biên thùy, đào kênh Vĩnh Tế-Thoại Ngọc Hầu... Bởi vậy theo ông, lan tỏa văn hóa tâm linh người Việt xuống miền Tây là việc rất nên làm. “Gần 20 năm chiến đấu và công tác ở miền Tây Nam Bộ, tôi mong bắt gặp một mái chùa, mái đình thuần Việt mà chưa thấy”, nguyên Thủ tướng tâm sự.

Trong câu chuyện, ông Sáu Dân kể lại tâm trạng day dứt khi có lần về thăm một thành phố thuộc tỉnh ở Tây Nam Bộ mới được thành lập chưa lâu. Thành phố trẻ mà tâm linh, tôn giáo từ nước ngoài theo vào rất nhanh, du nhập đủ thứ văn hóa ngoại lai. Địa phương xây mới hai nhà thờ lớn và hàng loạt dự án kinh tế “nóng”. Đêm nằm ở nhà khách, thèm nghe tiếng chuông chùa khiến ông Sáu Dân không ngủ được.

“Tôi đi các nước, thấy có một điều là nhiều người, kể cả nguyên thủ, rất biết tiếng và khâm phục Vua Trần Nhân Tông-vị vua có công lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông, sau đó rời ngai vàng đi tu, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cuộc hành trình hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông hay của Thiền phái Trúc Lâm đã hướng đến tinh thần cao cả: “Đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nước ngoài họ còn thế, tại sao dân ta, nhất là ở Nam Bộ ít thờ cúng và truyền bá thiền phái yêu nước và thuần Việt này?”, ông Sáu Dân băn khoăn.

Từ những trăn trở đó, ông Sáu Dân bàn với ông Ba Trà nên tổ chức xây chùa Phật giáo thời Trần với mô hình Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ở các địa phương của Tây Nam Bộ. Đây không chỉ là những địa chỉ văn hóa tâm linh mà còn là các Thiền viện Trúc Lâm với tư tưởng “hộ quốc, an dân” và Phật pháp yêu nước của Phật hoàng Trần Nhân Tông để truyền bá tinh thần yêu nước, ghi nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, để cho thế hệ hôm nay và mai sau biết văn hóa tâm linh người Việt cũng như văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt tồn tại ở vùng đất này đã có từ hàng nghìn năm trước. “Tôi sẽ vận động tiền, huy động nguồn lực, còn anh sẽ quản lý, tổ chức thi công”, ông Sáu Dân “chốt”.

Những ngôi chùa “hộ quốc, an dân”

Sau cuộc gặp với Đại tướng Phạm Văn Trà, thật không may, chỉ đúng 3 tháng sau, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đột ngột qua đời. Thương tiếc người lãnh đạo tài năng, tâm huyết, ông Ba Trà càng nung nấu quyết tâm thực hiện ý nguyện của ông Sáu Dân.

Dấu chân vị tướng lại tiếp tục đi trên những nẻo đường đất nước để làm một công việc có ý nghĩa sâu xa, góp sức lo giữ nước từ sớm với việc giáo dưỡng lòng dân, khơi dậy ý thức tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. “Nghỉ hưu, có được ít tiền, tôi ra Phú Quốc đầu tư mua đất. Khi ấy, đất ở đây còn rẻ. Sau nhiều lần cân nhắc, tôi quyết định xây ngôi chùa đầu tiên ở đây như ý tưởng đã bàn với ông Sáu Dân. Tôi tổ chức thiết kế, vẽ chi tiết theo mô hình thiền viện; rồi kêu gọi đầu tư. Cách làm là ai ủng hộ thì nhận đầu tư một hoặc một số tiểu mục của dự án; vốn đầu tư được giao cho Sở Xây dựng tỉnh giám sát. Do được tổ chức bài bản và minh bạch nên nhiều người nhiệt tình tham gia, ủng hộ. Chỉ một năm sau, Thiền viện Trúc Lâm-chùa Hộ Quốc tại Phú Quốc (Kiên Giang) được khánh thành trong khuôn viên rộng 5ha”, ông Ba Trà kể.

Tiếp theo thành công của ngôi chùa-thiền viện đầu tiên, năm 2013, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (TP Cần Thơ) cũng hoàn thành. Những năm sau đó là các chùa-thiền viện ở Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu... với vốn đầu tư mỗi chùa từ 100 đến 150 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của cán bộ và nhân dân các địa phương. Đến nay, nhờ danh tiếng và uy tín của mình, đã có 23 ngôi chùa ở hầu khắp các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và một số địa phương trong cả nước được ông Ba Trà âm thầm huy động, tổ chức thi công và khánh thành, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch...

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tướng Phạm Văn Trà nhắc lại trăn trở của ông Sáu Dân là mong muốn thông qua việc xây dựng và hoạt động của các ngôi chùa để khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh Phật giáo của thiền phái này. “Thiền phái Trúc Lâm có truyền thống “hộ quốc, an dân” cao quý, do một vị vua anh minh sáng lập ra, kế thừa những tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo, mang đậm văn hóa Việt Nam. Thông qua đây để con người hướng thiện, sống tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Đặc biệt là tinh thần yêu nước, sẵn sàng đi đầu ra trận khi Tổ quốc lâm nguy, có giặc”, ông Ba Trà tâm sự.

Ông còn tươi cười nói rằng, lúc đầu có người chưa hiểu, thắc mắc sao Đại tướng lại đi xây chùa, Đại tướng cũng mê tín à? Sau khi chứng kiến việc ông làm, nghe ông nói chuyện Phật pháp, đạo-đời thì mọi người đều hiểu và ủng hộ. Ông rất vui vì đến nay có thể nói đã hiện thực hóa được ý nguyện của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời.

Mãi là người lính

Tôi để ý khi nói chuyện với Đại tướng Phạm Văn Trà, thi thoảng vẫn có người gọi cổng, nhiều người chờ đợi ngoài sân. Ông phân bua: Tôi nghỉ hưu nhưng cũng bận lắm. Ngoài làm chùa còn đi nhiều nơi nói chuyện, đi từ thiện, huy động và tổ chức xây đền thờ Bác Hồ, đền thờ liệt sĩ... Về nhà là có khách, có cả lãnh đạo đương chức, nghỉ hưu, cả đồng đội, anh em, bà con. Từ lúc còn công tác, tôi luôn tâm niệm sống giản dị, không quan cách. Các cụ nói rồi: “Quan nhất thời, dân vạn đại”, cứ nghĩ mình là dân, là người lính cho thoải mái, chẳng phải băn khoăn gì. Hồi làm Bộ trưởng, tôi cũng thích tự lực từ những việc nhỏ, ví dụ giặt quần áo, tôi cũng không để công vụ giặt, tự mình làm lấy.

Về nghỉ hưu, có thời gian rảnh là ông đi thăm đồng đội. Thấy nhiều đồng đội nghèo, ông rất suy nghĩ. Bằng nhiều cách làm khác nhau, ông đã huy động được nguồn tiền, bàn giao cho cơ quan tài chính các quân khu và hội cựu chiến binh, tổ chức làm được 740 căn nhà từ thiện để tặng đồng đội nghèo. Nhiều gia đình có công với cách mạng còn khó khăn, ông kêu gọi các mạnh thường quân giúp tiền, mua ruộng, tặng nhà. Khi bán đất đã đầu tư trước đây, được lãi bao nhiêu, ông chia cho 3 tỉnh Tây Nam Bộ, nơi ông gắn bó trong kháng chiến để chăm lo cho người nghèo. Phần còn lại, ông góp vào làm đền thờ liệt sĩ ở Cần Thơ và của Trung đoàn 1 U Minh. Ông còn khởi xướng quỹ khuyến học, khuyến tài của tỉnh Bắc Ninh với số tiền 100 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông ủng hộ 30 tỷ đồng và góp công sức, tiền của xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa cho quê hương...

Chia tay vị lão tướng, trong tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh giản dị, gần gũi của ông. Ngoài sân nhà, đoàn của Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9 đã chờ sẵn, mang theo bài thơ mừng thọ tuổi 90 tặng Đại tướng Phạm Văn Trà: Lão tướng thưởng trà tuổi chín mươi/ Gió mưa sấm chớp đã qua rồi/ Nghĩa nhân tâm nguyện dân tri mộ/ Lưu phúc hiền nhân-xuân đáo vui!...

“Khi tôi làm, có người chưa hiểu, thắc mắc tại sao Đại tướng lại đi xây chùa, Đại tướng cũng mê tín à? Tôi chỉ cười và càng quyết tâm làm. Tôi muốn thông qua đây góp phần truyền bá tư tưởng yêu nước, văn hóa tốt đẹp, truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc cho thế hệ hôm nay, mai sau và tri ân công đức tiền nhân. Chứng kiến việc tôi làm, mọi người cũng hiểu dần và nhiệt tình ủng hộ. Tôi rất vui vì đến nay có thể nói đã hiện thực hóa được ý nguyện của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời”. (Đại tướng Phạm Văn Trà)

TRẦN HOÀNG TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/dau-chan-dai-tuong-ba-tra-bai-2-nhung-ngoi-chua-ho-quoc-an-dan-tiep-theo-va-het-772207