Dấu ấn của 'những chiến sĩ áo trắng' trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 có sự đóng góp quan trọng của lực lượng quân y - 'những chiến sĩ áo trắng' trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.

"Bệnh viện ngầm" trong chiến dịch

69 năm đã trôi qua sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, song khoảnh khắc chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" vẫn còn nguyên vẹn đối với cựu chiến binh Phạm Đức Cư (93 tuổi).

Ngày ấy, ông Cư là chiến sĩ pháo binh, tham gia kéo pháo từ Nà Nhạn vào trong lòng chảo, tiếp cận với quân địch. Mỗi khẩu pháo cao xạ 61K-37mm nặng 2,4 tấn nên có đến 80-100 người kéo.

Cựu chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư kể chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ.

Cựu chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư kể chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ.

"Nhằm đảm bảo tính bí mật, chúng tôi kéo pháo vào ban đêm, không được soi đèn, chỉ có 2 chiến sĩ khoác mảnh dù trắng đi trước làm hoa tiêu và chỉ một sơ suất nhỏ là cả người và pháo đều rơi xuống vực. Mỗi đêm chúng tôi thường chỉ kéo được hơn 1km, đồng đội tôi bị thương nhiều lắm…", ông Cư nghẹn lời.

Ông Cư kể, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để thuận tiện và bảo đảm an toàn cho việc cứu chữa thương binh, ngành Quân y đã xây dựng toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị trong lòng đất. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các đội điều trị, bệnh xá cấp tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn đã thiết kế xây dựng "Bệnh viện ngầm" một cách hoàn chỉnh, khoa học.

Ở các đội điều trị đều có hầm hào dựng lán trại để phục vụ cứu chữa cho thương binh được chia thành 3 khu: Khu A (trọng thương). Khu B (trung thương) có nhiệm vụ cấp cứu xử lý điều trị những thương binh nặng và vừa cho đến khi ổn định để chuyển về tuyến sau. Khu C (khinh thương) có nhiệm vụ thu dung những thương binh nhẹ và bệnh binh còn có thể tự phục vụ được một phần, đây là nơi tiếp nhận thương binh, bệnh binh nhiều nhất. Các hầm hào, lán trại được thiết kế có thể chống được phi pháo, nắp hầm được lát các cây gỗ to, trên phủ đất, cột chống đỡ hầm lớn, có giường nằm bằng cây, lót lá, vải và ni lông.

Với những nỗ lực cao nhất, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Với những nỗ lực cao nhất, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

"Chặng đường hành quân ra trận lắm dốc, nhiều đèo, vượt qua bao con suối, các chiến sĩ quân y cũng theo chân chúng tôi hành quân vào ban đêm. Có nhiều đoạn đường máy bay quân Pháp bắn phá ác liệt, các chiến sĩ quân y phải dừng lại để cấp cứu cho bộ đội và dân công bị thương khi đang làm nhiệm vụ mở đường…", người cựu binh năm xưa nhớ lại.

Tinh thần không nao núng

Cựu chiến binh Võ Nguộc (93 tuổi, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ đào hầm, xây dựng trận địa pháo) thì kể lại, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên có những dân công, thanh niên xung phong hỏa tuyến, những người này thường được biên chế vào trạm quân y trung đoàn, lên tới hàng rào thép gai đón thương binh về trạm.

Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam. Ảnh: Tư liệu

Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam. Ảnh: Tư liệu

Tại hỏa tuyến, trong hàng rào thường phải đánh dấu con đường bộ đội từ đột phá khẩu tiến vào đồn, để tìm kiếm thương binh, tử sỹ đưa ra đột phá khẩu. Để bổ sung thay thế kịp những y tá, cứu thương bị thương vong, các đại đội thường có sẵn những chiến sỹ hồng thập tự được tập luyện kỹ từ trước. Có những lúc cán bộ quân y băng bó vết thương cho chiến sĩ giữa làn bom đạn nhưng tinh thần không hề nao núng.

"Tại trận đánh đồi A1, quân Pháp xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố. Dù đã chọn những chiến sĩ khỏe mạnh nhất, nhưng do đất đồi A1 rất rắn và cứng, nên việc đào đường hầm dự tính trong 7 ngày phải kéo dài hơn dự kiến.

Các chiến sĩ ta phải mất 12 ngày mới đào được khoảng 33m đến chỗ nghi là hầm ngầm của địch thì mới dừng lại. Sau đó, chúng tôi vận chuyển thuốc nổ vào vị trí, trong một đêm, chúng tôi đã chuyển 960kg đến cuối đường hầm. Nếu không có lực lượng quân y kịp thời cứu chữa thì lính ta còn hy sinh nhiều lắm", ông Võ Nguộc chia sẻ.

Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng De Castries ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng De Castries ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Theo thống kê của Ban Quân y Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ huy động lực lượng điều trị lớn, khoảng 10 đội điều trị, mỗi đội điều trị với quân số hơn 100 người cùng 500 dân công. Vượt qua những khó khăn gian khổ, lực lượng quân y đã cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh.

Hàng ngàn thương binh, bệnh binh nhẹ đã được điều trị khỏi trong vòng 10 ngày, trở lại đơn vị chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-an-cua-nhung-chien-si-ao-trang-trong-chien-dich-dien-bien-phu-169230506235104107.htm