Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong lịch sử quân sự thế giới có lẽ hiếm có người nào xuất thân từ thầy giáo dạy sử, chưa từng kinh qua trường lớp chính quy nào về quân sự lại được ủy thác 'tướng quân tại ngoại'cầm quân đương đầu với đội quân xâm lược nhà nghề tinh nhuệ với hơn 16 ngàn trong tập đoàn cứ điểm từng được coi là bất khả xâm phạm. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là trường hợp đặc biệt như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” diễn ra cách đây đã 70 năm, nhưng một điều chắc chắn rằng, với bộ đội, với nhân dân Việt Nam cũng như nhiều người trên thế giới, kể cả những người từng một thời là đối thủ đứng bên kia chiến tuyến, thì “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” luôn là cụm từ được hòa quyện làm một và thường trực mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này.

Trong mắt nhiều người, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự” mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”…

Phương châm "đánh chắc, tiến chắc"

Không phải ngẫu nhiên khi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lòng tin tuyệt đối và trao cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trọng trách Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Trước ngày lên đường ra trận, Bác Hồ căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” – một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiến trúc sư.

Vốn là một con người “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, tuy là người chỉ huy cao nhất có toàn quyền quyết định tất cả mọi vấn đề nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không vì thế mà lạm dụng.

Trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ ông cũng đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, tham khảo ý kiến của đoàn cố vấn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Sau khi nghiên cứu kỹ và nắm bắt tình hình thực tế, Đại tướng đã trải qua 11 ngày đêm mất ăn, mất ngủ trăn trở suy tư, lắng nghe ý kiến của chỉ huy các đơn vị; trao đổi, thảo luận trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và đoàn cố vấn... để bảo đảm yếu tố chắc thắng cho trận đánh quyết định này và giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất.

Sáng 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến, đồng thời ra lệnh hoãn thời gian nổ súng, kéo pháo ra, tất cả chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Quyết định đó đã được đưa ra thảo luận dân chủ tại Hội nghị Đảng ủy, Ban chỉ huy chiến dịch mở rộng ở Sở chỉ huy Nà Tấu vào trưa ngày 26/1/1954. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, nhưng đồng thời là biểu hiện của sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”.

Bản lĩnh, giàu tính quyết đoán nhưng Đại tướng cũng giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, Đại tướng đều viết thư động viên, nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong.

Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn của mặt trận lúc bấy giờ, ông thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, chỉ huy các đơn vị chú ý chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng cán bộ, biết thương yêu, quý trọng và tôn trọng họ.

Tại Sở chỉ huy ở Nà Tấu, sau khi Hội nghị Đảng ủy và Ban chỉ huy chiến dịch thông qua phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, để kịp thời báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “nhường” ngay chiếc xe jeep duy nhất của Chỉ huy trưởng cho sĩ quan tác chiến Nguyễn Công Dinh trực tiếp mang thư về ATK một cách nhanh nhất và an toàn nhất.

Đại tướng cũng là người biết trọng dụng những người có đức, tài. Nhiều trí thức xuất thân từ tầng lớp được coi là tiểu tư sản, những người thuộc tầng lớp trung nông, cả những người chưa phải là đảng viên… có đủ đức, tài đều được Chỉ huy trưởng trọng dụng và tin cậy giao cho những trọng trách quan trọng và họ đều thể hiện và phát huy tốt vai trò của mình trong từng trận đánh, trên từng hướng tiến công. Nhiều người trong số đó đã chỉ huy bộ đội lập công xuất sắc ở Điện Biên Phủ và sau này đã trở thành những vị tướng kiệt xuất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Hiện thân của tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn

Ở mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thương yêu bộ đội, dân công, thanh niên xung phong hết mực cho dù người đó giữ cương vị nào, quân hàm cao hay thấp, xuất thân từ đâu.

Là một nhà cầm quân đương nhiên cần khát khao chiến thắng, nhất lại là trong một chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt như chiến dịch Điện Biên Phủ. Song với Đại tướng, không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà cần đi kèm với giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất.

Là một vị tướng luôn đau với từng vết thương của người lính, tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh, nhưng Võ Nguyên Giáp là người cực kỳ nghiêm khắc trong công việc.

Tại cuộc họp kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong đợt hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã thẳng thắn nghiêm khắc phê bình, đồng thời truy vấn một số cán bộ chỉ huy các trung đoàn 174 và 102 – những đơn vị chủ công đánh cứ điểm Đồi A1: “Các đồng chí có xót xa không, khi bao nhiêu đồng chí của mình ngã xuống mà trận đánh không thành công do thiếu sót của lãnh đạo và chỉ huy ?”.

Nói xong, ông lấy khăn ra lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Lời phê bình chân thành và thắm đượm tình cảm của vị Chỉ huy trưởng đã làm cho những cán bộ có mặt cảm thấy thấm thía, nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm nặng nề của mình. Một số người tỏ ra ân hận vì những khuyết điểm do mình gây nên dẫn đến bốn lần tiến công Đồi A1 không thành công.

Nghiêm khắc là vậy nhưng trong suốt quá trình cầm quân ở Điện Biên Phủ, người ta dường như ít thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp cáu gắt to tiếng với cấp dưới bao giờ.

Không chỉ phía ta, nhiều người đã từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn Him Lam, thương vong của địch rất lớn, tử thương nằm la liệt khắp trận địa. Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho người thảo ngay một bức thư chuyển cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đề nghị cho người ra nhận tử thương. Việc làm đó thể hiện tinh thần nhân đạo và trên thực tế đã gây nên một sang chấn về tâm lý đối với binh lính Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, ông cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng hàng chục chiếc lều bằng dù hoa để cứu chữa cho tù, hàng binh bị thương. Một nữ tù binh sau khi được phẫu thuật cứu sống kịp thời đã thốt lên: “Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi, nhưng chính là nhân dân và quân đội Việt Nam mới thực sự đã cứu cho tôi sống lại”.

Sau này, mỗi khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta luôn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về cái tốt, cái đúng của đồng chí, đồng đội; thường nhắc đến các anh hùng liệt sĩ như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn... mà ít khi thấy ông đề cao bất cứ một vấn đề nào thuộc về bản thân mình.

Đặc biệt, bao giờ trước hết ông cũng nhắc đến vai trò của Bác Hồ, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy; nhắc đến đồng đội, đồng chí, đồng bào các dân tộc Tây Bắc và đồng bào cả nước; nhắc đến vai trò của Đoàn cố vấn và sự ủng hộ, gúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, của bạn bè quốc tế…

Có thể thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là hiện thân của một thiên tài quân sự, mà còn là hiện thân của tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam được tích tụ qua hàng năm lịch sử và được tỏa sáng, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tá, PGS. TS Trần Ngọc Long

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-chien-dich-dien-bien-phu-270275.html