Đã tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến sạt lở, sụt lún ở Đắk Nông

Các chuyên gia địa chất đã trực tiếp đến Đắk Nông khảo sát và tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng ở tỉnh này là do bất ổn về mặt địa hình, địa chất.

Ngày 9/8, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã làm việc với Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam để nghe báo cáo sơ bộ về việc khảo sát sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng tại một số điểm trên địa bàn tỉnh này.

TS. Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam báo cáo, việc khảo sát của đoàn công tác nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN-MT. Đoàn đã nghiên cứu, khảo sát tại 5 địa điểm đó là, khu vực sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa); khu vực sạt trượt tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) và 2 khu vực sạt trượt ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Tại 5 điểm sạt lở, sụt lún mà đoàn khảo sát, nghiên cứu đều có chung hiện trạng là các cung trượt nằm ở nơi giao nhau của các đứt gãy địa chất. Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất nên dẫn đến sạt lở, sụt lún.

TS. Đỗ Văn Lĩnh (người đứng) báo cáo nguyên nhân ban đầu khiến sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở Đắk Nông

TS. Đỗ Văn Lĩnh (người đứng) báo cáo nguyên nhân ban đầu khiến sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở Đắk Nông

Liên đoàn đánh giá cao việc tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng có giải pháp di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời ban hành tình huống thiên tai khẩn cấp tại 3 khu vực (Công trình đường Hồ Chí Minh tại Km1900+350 (Gia Nghĩa); Hồ chứa nước Đắk N'ting; Khu vực sạt lở, sạt trượt tại xã Quảng Trực).

Theo Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, những số liệu và kết quả khảo sát ban đầu này có độ tin cậy khá cao. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có khảo sát chi tiết hơn nữa mới có thể đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.

"Chúng ta cần tiếp tục theo dõi, đánh giá mới có giải pháp lâu dài cho các khu vực sạt lở, sụt lún này được. Nhân đây, Liên đoàn đề xuất tỉnh Đắk Nông nên đầu tư đề tài khảo sát, cảnh báo và dự báo vùng nguy cơ sạt lở đất trên toàn tỉnh"- TS. Đỗ Văn Lĩnh chia sẻ.

Đoàn chuyên gia khảo sát công trình đường Hồ Chí Minh tại Km1900+350 (Gia Nghĩa, Đắk Nông)

Đoàn chuyên gia khảo sát công trình đường Hồ Chí Minh tại Km1900+350 (Gia Nghĩa, Đắk Nông)

Sau khi nghe Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam báo cáo nguyên nhân ban đầu về tình trạng sạt lở, sụt lún, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa nhiệm vụ khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở này vào trong nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo. Các đơn vị trong tỉnh Đắk Nông bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của trung ương, địa phương. Trước mắt, việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là quan trọng nhất. Tiếp đó là việc bảo vệ an toàn cho tài sản của nhà nước đã đầu tư. Về lâu dài, Đắk Nông phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt, sạt lở và thuê các đơn vị tư vấn đánh giá, đề xuất giải pháp lâu dài.

Đông Hưng - Thắng Lê

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/da-tim-ra-nguyen-nhan-ban-dau-khien-sat-lo-sut-lun-o-dak-nong-169230809163410373.htm