Đã rõ tại sao Nga mua tên lửa Triều Tiên chứ không phải của Iran?

Kết quả Chiến dịch True Promise trả đũa bằng tên lửa và UAV vào Israel của Iran ngày 13-14/4 vừa qua cuối cùng đã đã rõ tại sao người Nga lại chọn mua tên lửa của Triều Tiên chứ không phải là tên lửa của Iran.

Gần đây đã xảy ra hai cuộc chiến ở Trung Đông, một là cuộc tấn công tàu ở Biển Đỏ, và hai là cuộc không kích vào Israel, từ đó có thể thấy hiệu quả chiến đấu của tên lửa Iran và tại sao Nga lại chọn Triều Tiên thay vì Iran khi mua tên lửa.

Hai trận chiến trên có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu công nghệ tên lửa ở Trung Đông và sức mạnh của tất cả các bên; đặc biệt là hai đối thủ không đội trời chung tại khu vực là Iran và Israel.

Trong cuộc chiến tấn công tàu trên Biển Đỏ, lực lượng vũ trang Houthi của Yemen đã phóng một số lượng lớn tên lửa chống hạm và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ngoại trừ bắn trúng một số tàu chở hàng, chúng không thể bắn trúng tàu chiến Mỹ.

Trong cuộc không kích vào Israel, Iran đã phóng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, nhưng chỉ một số ít có thể tấn công vào các căn cứ quân sự của Israel.

Điều này cho thấy có một khoảng cách lớn về độ chính xác của tên lửa Iran, đặc biệt là độ chính xác tương đối thấp của tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi độ chính xác của tên lửa đạn đạo tầm ngắn lại cao hơn.

Điều đáng nói là sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, dù Nga có nhu cầu cấp thiết về vũ khí tầm xa và có độ chính xác cao; nhưng nước này vẫn từ chối đề xuất mua loại tên lửa này của Iran. Lý do là những tên lửa này dễ bị đánh chặn hơn và có mức chính xác thấp.

Đây có thể là một trong những lý do khiến phương Tây sau này khẳng định "không tìm thấy tên lửa Iran trên chiến trường Ukraine, mà chỉ tên lửa Triều Tiên có mặt". Theo các chuyên gia quân sự, mức độ kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên rõ ràng là cao hơn.

Trên thực tế, cuộc tấn công của Iran có mục đích chiến thuật rõ ràng. Họ sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ và tên lửa đạn đạo cũ hơn, để tiến hành các cuộc tấn công dồn dập, nhằm tiêu diệt hoặc làm tê liệt hệ thống phòng không của Israel.

Sau đó, các tên lửa và vũ khí siêu thanh tiên tiến hơn sẽ thực hiện các cuộc tấn công phía sau, để đạt được hiệu quả tấn công như mong muốn. Iran hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của cuộc tấn công này.

Công nghệ tên lửa của Iran chủ yếu đến từ Triều Tiên và Triều Tiên có kỹ thuật tương đối cao về công nghệ tên lửa. Triều Tiên không chỉ có những đổi mới về công nghệ, mà còn đạt được những thành tựu nhất định trong xuất khẩu tên lửa.

Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mua từ Triều Tiên, do thiếu hụt vũ khí sau gần 2 năm xung đột với Ukraine và đã đạt được kết quả tốt. Sự thành công của các công nghệ này cũng đã gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển công nghệ tên lửa của Iran.

Ở góc độ kỹ thuật, chất lượng tên lửa Triều Tiên vượt trội so với tên lửa Iran. Đây cũng là lý do quan trọng khiến Nga chọn mua tên lửa Triều Tiên thay vì tên lửa Iran.

Dù Iran đã đạt được tiến bộ nhất định trong lĩnh vực tên lửa nhưng vẫn có khoảng cách nhất định so với Triều Tiên, đặc biệt là về độ chính xác của tên lửa và tỷ lệ bắn trúng.

Sự thành công của công nghệ tên lửa Triều Tiên một phần là nhờ sự hợp tác kỹ thuật với Liên Xô. Ví dụ, tên lửa hành trình chiến lược Arrow-2 của Triều Tiên, được cải tiến trên cơ sở tên lửa hành trình Kh-55 của Liên Xô.

Việc tích lũy, đổi mới loại công nghệ đã mang lại cho Triều Tiên lợi thế cạnh tranh nhất định trong lĩnh vực tên lửa, đồng thời cũng tạo nền tảng kỹ thuật và sự tự tin để Nga lựa chọn tên lửa Triều Tiên.

Mặt khác, mặc dù công nghệ tên lửa của Iran đã có những tiến bộ nhất định nhưng tên lửa đạn đạo tầm trung của nước này có độ chính xác thấp và tỷ lệ bắn trúng trong thực chiến không cao. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc Nga lựa chọn tên lửa Iran.

Dù Iran dù có tích lũy và kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực tên lửa, nhưng trình độ kỹ thuật của nước này vẫn chưa thể ngang bằng so với Triều Tiên. Chủ yếu là do nhiều kỹ sư tên lửa của Triều Tiên được đào tạo chuyên sâu tại Liên Xô trước đây và họ có nhiều mẫu tên lửa hiện đại của Liên Xô để nghiên cứu.

Tóm lại, Nga chọn mua tên lửa của Triều Tiên thay vì tên lửa của Iran, chủ yếu là vì Triều Tiên có công nghệ tên lửa tốt hơn và tên lửa của nước này có độ chính xác cao hơn, khó đánh chặn hơn. Ngoài ra, việc tích lũy và đổi mới công nghệ tên lửa của Triều Tiên cũng hỗ trợ quan trọng cho sự lựa chọn của Nga. (Nguồn ảnh: Wikipedia, IRNA, Reuters, Topwar).

Tiến Minh (Theo Sohu)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/da-ro-tai-sao-nga-mua-ten-lua-trieu-tien-chu-khong-phai-cua-iran-1979872.html