Cứu sống trẻ mắc tay chân miệng độ nặng nhất

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu thành công một bé trai bị tay chân miệng độ 4 – độ nặng nhất của bệnh.

Bé N.A.T (10 tháng tuổi, trú tại khu Ngọc Tháp, xã Phú Hộ, Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, ý thức lơ mơ, tím quanh môi và gốc mũi, da niêm mạc tái nhợt, mạch quay bắt yếu, chi lạnh, phải đặt ống nội khí quản thở máy và có trào bọt hồng máu từ phổi.

Theo lời kể của gia đình, hai ngày trước khi nhập viện, trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, có xuất hiện nốt trong miệng. Gia đình có đưa bé đến cơ sở y tế tư nhân truyền dịch 2 lần nhưng tình trạng trẻ không cải thiện. Đỉnh điểm là buổi trưa ngày nhập viện, trẻ lên cơn co giật, tím tái nên gia đình vội vàng đưa bé đi cấp cứu.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định trẻ có dấu hiệu tổn thương thần kinh, phù phổi cấp, suy tuần hoàn do tổn thương cơ tim. Sau khi xét nghiệm tìm căn nguyên E71 dương tính trẻ được chẩn đoán bệnh tay chân miệng cấp độ 4.

Trẻ được tiến hành hồi sức tích cực, an thần thở máy bảo vệ phổi, sử dụng tới 3 loại thuốc vận mạch liều cao, điều chỉnh rối loạn toan kiềm điện giải và có chỉ định dùng IVIG (IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh và chứa các kháng thể trung hòa chống lại các loại enterovirus).

Bệnh nhi mắc tay chân miệng cấp độ 4 được các y bác sĩ chăm sóc tích cực, sức khỏe cải thiện tốt.

Sau 5 ngày hồi sức tích cực bệnh nhân đã dừng thuốc vận mạch, rút được ống nội khí quản, tự thở tốt, chức năng tim cải thiện, ăn uống khá hơn.

ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh tay chân miệng do virus EV71 rất nguy hiểm do các biểu hiện bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Ngoài các biểu hiện ngoài da như: lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối, khi thấy trẻ sốt cao liên tục, nôn, quấy khóc, thở nhanh, da tái, bố mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở ý tế chuyên khoa để các bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc.

Các cấp độ của bệnh tay chân miệng

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Tay chân miệng được chia làm 4 cấp độ tương ứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh:

Tay chân miệng cấp độ 1: Bệnh ở mức độ nhẹ với các tổn thương ngoài da, loét miệng.
Tay chân miệng cấp độ 2: Bệnh trở nên nặng hơn, bắt đầu gây ra các biến chứng về hệ thần kinh, tim mạch nhẹ.
Tay chân miệng cấp độ 3: Bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nặng đến thần kinh, tim mạch và hô hấp.
Tay chân miệng cấp độ 4: Bệnh ở giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng với các triệu chứng sốc, đe dọa tử vong ở trẻ.

Hà Nguyệt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-tre-mac-tay-chan-mieng-cap-do-nang-nhat-169240208215536585.htm