Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Điểm tựa của học sinh nơi đại ngàn

Gần 17 năm gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cô giáo Hoàng Thị Bảy đã không ít lần giúp các em thoát cảnh bỏ học giữa chừng để lấy chồng sớm

Chúng tôi đến thăm Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vào một sáng tháng 5 nắng ráo. Đó là nơi công tác của cô giáo Hoàng Thị Bảy. Người phụ nữ tươi tắn quê gốc Thái Bình này đã về vùng cao nguyên đại ngàn sinh sống từ khi mới 4 tuổi.

Gửi gắm tâm tình

Là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em, do bố công tác tại huyện Lắk nên cả gia đình cô giáo Hoàng Thị Bảy đã chuyển vào đây sinh sống từ năm 1986.

Vốn yêu văn chương, từ nhỏ Bảy đã biết làm thơ, viết tản văn gửi đăng các báo. Học hết phổ thông, cô theo đuổi ước mơ nghề giáo. Nữ sinh này thi đậu vào Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Quy Nhơn. Sau khi ra trường, cô giáo trẻ về dạy hợp đồng tại một số trường ở TP Buôn Ma Thuột, đến năm 2007 thì về Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk công tác.

"Ban đầu đến nhận công tác tại trường, tôi lo lắng vô cùng, sợ mình sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Song, mỗi lần đến trường, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của học sinh đã tiếp thêm nguồn động lực cho tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình" - cô Bảy tâm sự.

Với gần 100% học sinh là người các dân tộc thiểu số như Ê-đê, M'nông, Ba Na... nên để giao tiếp, gần gũi, gắn bó với các em, cô Bảy đã cắp sách đến học những lớp dạy tiếng dân tộc. Ngoài ra, cô còn tìm hiểu về phong tục tập quán, cách suy nghĩ của từng dân tộc để có thể đến gần học trò hơn, lắng nghe các em kể về hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng.

Cô Hoàng Thị Bảy cùng học trò chụp ảnh kỷ yếu

Cô Hoàng Thị Bảy cùng học trò chụp ảnh kỷ yếu

Những học sinh của trường đang ở độ tuổi vị thành niên, tâm sinh lý vốn có nhiều sự thay đổi, đặc biệt khi ở nội trú các em cả tháng mới về thăm nhà một lần. Thấu hiểu lẽ đó, cô Bảy cùng đồng nghiệp thường xuyên trò chuyện với các em như người mẹ với con cái. Ngoài giờ học, cô và trò thân thiết chẳng khác nào chị em. Họ cùng nhau lao động, trồng rau để tăng thêm thu nhập cho lớp.

Biết nhiều em có những vấn đề khó nói về giới tính, cô Bảy khéo léo lựa thời điểm thích hợp để hỏi chuyện với mục đích giúp đỡ. Có em nữ sinh đem lòng thích một bạn trai, tâm tình với cô giáo. Cô Bảy không phản đối và bằng sự tinh tế, cô khuyên em này nuôi dưỡng tình yêu đẹp tuổi học trò, để cả hai cùng vươn lên trong học tập, xây dựng một tương lai tốt đẹp.

Cô Bảy cho biết trước đây đã có lần tức giận khi học trò chưa chăm ngoan, khiến cô mệt mỏi. Song, cô nghĩ rằng cơn giận sẽ không giải quyết được vấn đề và càng làm học sinh sợ hãi, không dám gần. Vì thế, cô đã tự thay đổi bản thân để thấu hiểu học trò và chia sẻ, giúp đỡ các em trưởng thành.

"Xen" vào kịp thời

Công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Bảy từng chứng kiến không ít trường hợp tảo hôn, không chỉ với học sinh cấp 3 mà còn ở bậc THCS.

Cô Bảy nhớ lại: "Nhiều em rất ham học, có ước mơ trở thành cô giáo, bác sĩ nhưng gia đình không muốn cho con đi học. Gia đình còn sắp xếp hôn sự sẵn cho con gái, lấy ai cũng không được quyền chọn. Thấy vậy, tôi rất thương các em nên chủ động đến khuyên giải gia đình để học trò được tiếp tục đến trường".

Kể về cô học trò hiện đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, cô Bảy cho biết khi đó, nữ sinh người M'nông ở xã Đắk Phơi này đang học lớp 8. Gia đình đã chuẩn bị hôn lễ cho em với một thanh niên trong làng, dù em không thích.

Biết sự tình, cô Bảy lựa buổi chiều tối đến gặp bố mẹ em để thuyết phục. Phải đi đi lại lại đến vài lần và dùng nhiều cách vận động khác nhau như: để con đi học sẽ có tương lai tốt hơn, tảo hôn là vi phạm pháp luật... thì cô Bảy mới khiến bố mẹ em xiêu lòng, thay đổi quyết định.

Cách đây khoảng 5 năm, em Y Nê Ka (xã Nam Ka) cũng bị bố mẹ bắt nghỉ học đi làm rẫy. Hay tin, cô Bảy đã đến tận nhà tâm sự và thuyết phục bố mẹ Nê Ka. Bố mẹ em cho rằng con chữ "không giúp làm no cái bụng", đi làm rẫy "mới ra ngô ra khoai".

Cô Bảy đã giải thích rằng đi học sẽ giúp mở mang kiến thức, biết cách làm ra nhiều ngô khoai lúa hơn và ít vất vả hơn. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng gia đình Nê Ka cũng đồng ý cho em trở lại trường học và đến nay, em đã học xong lớp 12.

Tính đến nay, không ít nữ sinh đã thoát được hủ tục tảo hôn và hoàn thành chương trình phổ thông nhờ người "xen" vào kịp thời là cô giáo Hoàng Thị Bảy. Cô còn là người tham mưu cho nhà trường tổ chức các chương trình Quỹ Vì bạn nghèo, Địa chỉ đỏ..., vận động mỗi học sinh góp 2.000 đồng/tháng để giúp đỡ, hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Bảy được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023

Cô giáo Bảy được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023

Dịp nghỉ hè hằng năm, cô Bảy tình nguyện vào các bản vùng sâu để dạy thêm chữ cho học trò hoặc cùng người dân làm rẫy, làm cà phê... Trước mỗi năm học, cô lại kêu gọi ủng hộ sách vở cho học sinh. Có năm, cô kêu gọi đủ sách cho những học sinh có nhu cầu trong trường.

Cô Bảy thường xuyên vận động học sinh tích cực trồng rau bán lại cho bếp ăn của trường, lấy tiền hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Năm học vừa rồi, lớp cô Bảy đã bán được 5 triệu tiền rau, trích một phần giúp đỡ một học sinh lớp 7 mổ ruột thừa. Số tiền dư được cô Bảy dùng để chụp ảnh kỷ yếu cho cả lớp để lưu lại kỷ niệm học trò.

"Thước đo thành công và giá trị của người thầy trong sự nghiệp của mình không phải là quyền lực hay tiền bạc mà là những dấu ấn để lại trong lòng các thế hệ học trò và trong tình cảm của đồng nghiệp. Mỗi người thầy phải là một bài học sống động về nhân cách và nghị lực để học sinh noi theo" - cô Bảy bộc bạch.

Thương yêu học trò như người thân

Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk, cô Nguyễn Thị Thùy Diễm, nhận xét: "Cô giáo Bảy là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô thương yêu học trò như người thân và luôn cố gắng làm điều tốt nhất cho các em. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực và tình cảm của cô; tin tưởng trong tương lai, cô sẽ gieo thêm thật nhiều yêu thương đến các lớp học trò".

PHẠM HỒNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-diem-tua-cua-hoc-sinh-noi-dai-ngan-196240519210214456.htm