COP28: Liệu thế giới có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C?

Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là mục tiêu quan trọng của hội nghị biến đổi khí hậu COP28 của Liên hợp quốc, nhưng không phải ai cũng biết con số cụ thể này mang ý nghĩa như thế nào và điều gì sẽ xảy ra nếu Trái đất vượt qua ngưỡng đó?

Ngưỡng an toàn 1,5 độ C

Kể từ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, mục tiêu quan trọng của hội nghị COP28 cũng như của thế giới được xác định là kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5⁰C, con số này khó đạt được ngày hôm nay, tuy nhiên nó lại rất quan trọng.

Tấm bảng khổng lồ làm từ 125.000 tấm bưu thiếp riêng biệt, được đặt trên sông băng ở Thụy Sĩ để cảnh báo về sự nguy hiểm của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ảnh: AP

Nói cách khác, mục tiêu của thỏa thuận chính là giảm lượng khí thải nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu của hành tinh ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nó được ví như một cuộc cách mạng trên thế giới.

Các nhà khoa học cho biết ngưỡng 1,5 độ C đối với Trái đất được coi như một tuyến phòng thủ an toàn. Theo đó, việc bám sát ngưỡng này sẽ tạo cơ hội cho con người hành động trước khi các tác động khí hậu trở nên cực đoan do Trái đất nóng lên.

Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) ở Đức Johan Rockström mô tả giới hạn 1,5 độ C “là một cấp độ mà chúng ta thực sự cần phải cố gắng và duy trì càng xa càng tốt”.

Nhưng để duy trì giới hạn đó, Liên hợp quốc cho biết lượng khí thải toàn cầu hiện nay cần phải giảm một nửa vào năm 2030, tức là thời hạn chỉ còn chưa đầy 7 năm nữa.

Trái đất đang sát ngưỡng 1,5 độ C đến mức nào?

Theo tính toán của các nhà khoa học, nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 0,08 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1880. Tốc độ đó bắt đầu tăng nhanh vào năm 1981 và kể từ đó đã tăng hơn gấp đôi.

Mười năm nóng nhất từng được ghi nhận đều diễn ra sau năm 2010. Hiện các nhà khoa học khí hậu dự đoán rằng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất lịch sử với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp là 1,43 độ C.

Hôm 20/11, Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo Trái đất đang bị đẩy vào quỹ đạo nóng lên thảm khốc lên tới 2,9 độ C trong thế kỷ này, do các quốc gia chưa thực sự hành động quyết liệt.

Những ngày trước khi diễn ra COP28, mức nhiệt độ cơ bản đã tăng trung bình 2 độ C, thậm chí tại đất nước Turkmenistan đã ghi nhận mức tăng nhiệt độ kỷ lục, tăng 10 độ C.

Điều gì xảy ra nếu Trái đất vượt ngưỡng 1,5 độ C?

Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt mức cao mới trong 5 năm tới. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết việc hành tinh vượt qua ngưỡng 1,5 độ C sẽ đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trái đất ấm lên do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự sống của con người. Ảnh: GI

Phó giám đốc Chương trình chung của MIT về Khoa học và Chính sách Thay đổi Toàn cầu Sergey Paltsev cho biết Trái đất vượt qua ngưỡng 1,5 độ C không có nghĩa là thảm họa sẽ ập tới nhân loại ngay lập tức. “Khoa học chưa bao giờ nói rằng ngày nhiệt độ vượt ngưỡng 1,51 độ C là ngày tận thế”, ông giải thích.

Thay vào đó, con người sẽ phải chịu tình trạng những thiên tai như bão, sóng nhiệt, hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn. Đây là yếu tố gây tác động sâu rộng đến đời sống.

Cụ thể, bão và lũ lụt đe dọa nơi ăn chốn ở của người dân cũng như cơ sở hạ tầng nhà nước, trong khi hạn hán kìm hãm nguồn cung cấp nước uống và hoạt động sản xuất lương thực, khiến giá cả tăng vọt. Sóng nhiệt gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu.

Liệu tác động ở mọi nơi có giống nhau?

Câu trả lời là không. Chẳng hạn như các quốc gia đang phát triển chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào lượng khí thải toàn cầu, nhưng họ lại phải chịu những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Ví dụ, Pakistan chỉ thải ra ít hơn 1% lượng khí thải carbon trên thế giới nhưng lại là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu.

Ông Muhammad Mumtaz, trợ lý giáo sư tại Đại học Phụ nữ Fatima Jinnah ở Pakistan, cho biết 1/3 dân số sống trong khu vực thành thị nước này đang cảm nhận rõ nắng nóng gay gắt.

“Nhiều thành phố khác nhau trên khắp Pakistan đã ghi nhận nhiệt độ hơn 40 độ C, trong đó có những thành phố lên tới 51 độ C. Điều này rất đáng lo ngại”, ông Mumtaz chia sẻ.

Ông Archibong Akpan, chuyên gia về chính sách khí hậu ở Nigeria tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC), chỉ ra các đợt nắng nóng và lốc xoáy, cùng với mức độ nghèo đói cao, là bằng chứng cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lương thực của châu Phi.

“Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực và cây trồng”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc gia tăng các tác động hiện có “sẽ tàn phá rất nhiều sinh kế”.

Làm thế nào để thích ứng?

Mặc dù tốc độ nóng lên toàn cầu có thể được kìm hãm bằng cách ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, nhưng các nhà khoa học cho rằng ngay cả khi tất cả khí thải của con người biến mất ngay lập tức, nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ do những tác động từ trước. Nghĩa là biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Vì vậy, việc thích ứng với những thay đổi của thời tiết mà vẫn đáp ứng được những nhu cầu cơ bản là rất quan trọng.

Hiện có nhiều quốc gia, khu vực và thành phố đã nghiên cứu thành công các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong một thời gian dài. Ví dụ, Hà Lan có địa hình thấp và bằng phẳng, chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1 m so với mực nước biển. Do đó, quốc gia này đã xây dựng tổng cộng khoảng 3.500 công trình lấn biển, thành phố được xây dựng dọc các con kênh. Đáng chú ý, các công trình này được các kỹ sư Hà Lan tính toán rất kỹ về vấn đề thích ứng, chống chọi với các đợt thủy triều và ngập lụt.

Nhiều quốc gia châu Phi cũng đang thực hiện các kế hoạch nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy nhiên quy mô còn thấp vì không đủ tài chính.

Từ lâu, các quốc gia đang phát triển đã kêu gọi các quốc gia giàu có chịu trách nhiệm về lượng khí thải khổng lồ thông qua quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” vừa chính thức được thành lập. Số tiền trong quỹ này sẽ được dùng để hỗ trợ các nước đang phải chịu thiệt hại nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, giúp họ thích ứng với chúng.

Hoài Phương (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cop28-lieu-the-gioi-co-the-han-che-su-nong-len-toan-cau-o-muc-15-do-c-post274667.html