Công tác xã hội bệnh viện lan tỏa tinh thần kết nối, chia sẻ yêu thương cho người bệnh

Hiện nay gần như 100% các bệnh viện, cơ sở y tế đã thành lập phòng, tổ hoặc bộ phận công tác xã hội. Họ đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và san sẻ khó khăn, trao yêu thương cho người bệnh...

Nghề công tác xã hội bệnh viện: Làm đủ mọi việc

Tại lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3) và hội thảo "Công tác xã hội trong Bệnh viện năm 2024" với chủ đề công tác xã hội Việt Nam: tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế khẳng định tầm quan trọng của ngành công tác xã hội trong bệnh viện và đánh giá cao những nỗ lực của các hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng cũng như tại các bệnh viện nói chung trong suốt thời gian qua.

Nhân viên phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai triển khai các hoạt động hỗ trợ bệnh nhi và người nhà người bệnh.

Nhân viên phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai triển khai các hoạt động hỗ trợ bệnh nhi và người nhà người bệnh.

"Họ chính là những người góp phần lan tỏa tinh thần kết nối và chia sẻ yêu thương tới cộng đồng nói chung và người bệnh nói riêng, góp phần làm nên mục tiêu nhân văn bền vững luôn lấy người bệnh là trung tâm của ngành y tế"- ông Hưng nói.

Trong năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và ngành y tế nói chung đã vượt qua những khó khăn lớn. Nhờ đó, chất lượng công tác khám, chữa bệnh đã được nâng cao, đổi mới, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của xã hội.

Đáng chú ý, nhiều khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai nhiều lĩnh vực mũi nhọn, nhiều hệ thống trang thiết bị máy móc tiên tiến được đưa vào vận hành thông suốt, quy trình khám, chữa bệnh được cải tiến, đổi mới, giảm tải thời gian chờ đợi của bệnh nhân; nhiều kỹ thuật cao, phương pháp chẩn đoán, điều trị tối ưu, kết hợp đa chuyên khoa đã được triển khai giúp cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai luôn có tinh thần dấn thân, tiên phong, làm việc chuyên nghiệp và sáng tạo để có thể đáp ứng vai trò hỗ trợ chăm sóc toàn diện người bệnh ở một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất cả nước.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế khẳng định: Nhân lực làm công tác xã hội chính là những người góp phần lan tỏa tinh thần kết nối và chia sẻ yêu thương tới cộng đồng nói chung và người bệnh nói riêng, góp phần làm nên mục tiêu nhân văn bền vững luôn lấy người bệnh là trung tâm của ngành y tế.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế khẳng định: Nhân lực làm công tác xã hội chính là những người góp phần lan tỏa tinh thần kết nối và chia sẻ yêu thương tới cộng đồng nói chung và người bệnh nói riêng, góp phần làm nên mục tiêu nhân văn bền vững luôn lấy người bệnh là trung tâm của ngành y tế.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong những năm gần đây, công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai đã làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho người bệnh tại các khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện, nhất là những đối tượng yếu thế như người nghèo, trẻ em, phụ nữ, bệnh nặng, các đối tượng chính sách...

Các 'chiến sĩ công tác xã hội' Bạch Mai đã tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo, an sinh xã hội như những chuyến công tác xã hội cộng đồng tới nhiều vùng miền khó khăn, khám chữa bệnh miễn phí, phát thuốc tặng quà cho đồng bào vùng sâu vùng xa; Những "Gian hàng tết 0 đồng" chăm lo tết yêu thương cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ nhân viên y tế, "Chuyến xe 0 đồng" hỗ trợ người bệnh…Bên cạnh đó là hoạt động truyền thông y tế, truyền thông nội bộ và lan tỏa ra cộng đồng xã hội, công tác thiện nguyện kết nối - gắn kết chia sẻ yêu thương...

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng nhấn mạnh, thời gian tới, công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiên phong, chủ động phát huy vai trò và thế mạnh của mình, gắn bó chặt chẽ với các đơn vị lâm sàng để góp phần chăm sóc, hỗ trợ toàn diện cho người bệnh; tiếp tục cập nhật và truyền thông kịp thời những thông tin và dịch vụ y tế tới cộng đồng, người bệnh, gia đình người bệnh...

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ , Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trao khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác xã hội bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ , Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trao khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác xã hội bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai.

Vẫn cần 'gỡ' nhiều khó khăn trong công tác xã hội bệnh viện

Trên thực tế của các bệnh viện cho thấy, hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện đã đóng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, là cầu nối tình nghĩa giữa bệnh viện, nhân viên y tế và cả cộng đồng với người bệnh, người nhà bệnh nhân, qua đó giúp giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc về tâm lý, tinh thần, vật chất cho người bệnh; giúp người bệnh có nhiều cơ hội tiếp cận những dịch vụ y tế tốt, nhất là các trường hợp khó khăn, các đối tượng chính sách, nhóm đối tượng đặc thù yếu thế như người già, trẻ em, phụ nữ bị bạo hành, người khuyết tật, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, người mắc bệnh nặng...

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, bệnh viện là một xã hội thu nhỏ. Có những thời điểm, các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai... tiếp nhận từ 10.000 - 20.000 người/ngày, từ người bệnh, người đi theo, cán bộ y tế, sinh viên thực tập. Do đó, nhu cầu về công tác xã hội tại bệnh viện rất lớn. Việc hỗ trợ các khoa, phòng sắp xếp, điều phối bệnh nhân của Phòng công tác xã hội chính là kinh tế y tế, tiết kiệm cho bệnh viện.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức chương trình yoga và thiền cho người bệnh.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức chương trình yoga và thiền cho người bệnh.

Thế nhưng có một thực tế là hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện còn thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu. Các nhân viên công tác xã hội là người tiếp xúc đầu tiên với người bệnh tại bệnh viện chưa được hưởng phụ cấp độc hại, hoặc chế độ làm thêm ngoài giờ vì rất nhiều hoạt động phát sinh tại bệnh viện mà các cán bộ làm công tác xã hội phải có mặt. Việc phối hợp với các đơn vị bên ngoài bệnh viện gặp không ít khó khăn...

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê hiện nay về cơ cấu nhân lực trong lĩnh vực công tác xã hội chủ yếu là kiêm nhiệm (chiếm hơn 60%), trong khi đó tỷ lệ cán bộ/nhân viên của Phòng/Tổ công tác xã hội được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội còn thấp. Hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội làm việc trong bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh; chưa có chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong cơ sở y tế.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng công tác xã hội là một nghề cần phải có trong nhiều lĩnh vực, nhất là mảng y tế. Người cán bộ công tác xã hội trong ngành Y mang tính đặc thù cần hội tụ đủ 3 vòng giao thoa của kiến thức về pháp luật, chính sách để tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh những vấn đề cần thiết trong luật khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; có kiến thức văn hóa xã hội để hiểu đặc tính của từng vùng miền, từng đối tượng mà mình cần giúp đỡ trong những dự án y tế thiện nguyện, trong những cơ sở y tế, và nhất là có những hiểu biết nhất định về y học để hỗ trợ chăm sóc người bệnh, các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách một cách toàn diện.

"Vì vậy, việc đào tạo cán bộ công tác xã hội cho ngành y cần được quan tâm các mảng kiến thức, để mỗi ngày một chuyên nghiệp hơn"- ông Hưng nói.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai cùng các nhà hảo tâm tổ chức "bữa cơm 0 đồng" cho người bệnh, người nhà bệnh nhân dịp Tết Ngyên Đán Giáp Thìn.

Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai cùng các nhà hảo tâm tổ chức "bữa cơm 0 đồng" cho người bệnh, người nhà bệnh nhân dịp Tết Ngyên Đán Giáp Thìn.

Được biết, Bộ Y tế đề ra một số giải pháp về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội trong y tế, trong đó sớm ban hành chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện (hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và tổ chức xin ý kiến đối với dự thảo chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện).

Đồng thời hoàn thiện Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về hình thức, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng công tác xã hội trong bệnh viện...

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cong-tac-xa-hoi-benh-vien-lan-toa-tinh-than-ket-noi-chia-se-yeu-thuong-cho-nguoi-benh-169240325083733188.htm