Công nghệ sinh học kén người học, ĐH Mở Hà Nội tạo hứng thú cho SV ra sao?

Trường Đại học Mở Hà Nội đào tạo ngành Công nghệ sinh học theo định hướng ứng dụng; ngoài giỏi chuyên môn, việc thực hành sẽ được ngành ưu tiên.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai số 02-NQ/HNTW BCHTW Đảng (khóa VIII) ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 nêu rõ: “cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”; và nhấn mạnh nhiệm vụ lĩnh vực khoa học và công nghệ là: “Đến năm 2020 đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực ở các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ sinh học, sản xuất lương thực, chế biến nông - lâm - hải sản, cơ khí điện tử,…” [1].

Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu: “Đầu tư phát triển công nghiệp sinh học là một nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, là giải pháp quan trọng để phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp”[2].

Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội có đào tạo ngành Công nghệ sinh học. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của trường đã và đang làm việc tại các công ty, viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm,…

Sinh viên, cựu sinh viên cảm nhận thế nào về ngành Công nghệ sinh học?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Lê Thị Duyên - cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở Hà Nội hiện là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hữu hạn thiết bị B.D.E cho biết, bản thân rất vui khi từng là sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Mở Hà Nội và công ty của chị đang là đối tác cung cấp thiết bị, hóa chất cho các phòng thí nghiệm Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm của trường.

“Sau 15 năm ra trường, tôi luôn cảm thấy tự hào và đúng đắn khi lựa chọn học ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Mở Hà Nội. Hiện tôi đang là giám đốc nhà máy Eherbal - chuyên về thực phẩm bổ sung, với hơn 100 công nhân viên và sản phẩm đã cung cấp đến nhiều quốc gia. Vì vậy cũng khẳng định một phần sự thành công của nghề mà tôi đã chọn”, chị Duyên chia sẻ.

Chị Lê Thị Duyên (Ảnh: NVCC)

Chị Duyên đánh giá, Công nghệ sinh học là ngành học của thời đại với nhiều ứng dụng trong sản xuất, ngày càng khẳng định được ý nghĩa đối với đời sống con người.

"Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Nhà máy Công ty Eherbal thực hiện sứ mệnh khơi thông dòng chảy của dược liệu Việt và luôn mong muốn, chào đón sinh viên ngành Công nghệ sinh học đến tham quan, thực tập và làm việc", chị Duyên nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Thạc sĩ Phạm Đình Tuấn cũng từng là sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở Hà Nội và hiện đang là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Công nghệ cao NanoFrance. Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn cho biết, sau khi tốt nghiệp, cô có dịp được tham dự một số hội thảo của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội và cảm thấy rất vui khi gặp lại thầy cô giáo cũ.

“Ngành nghề nào cũng có thử thách nên phải mạnh dạn thử nghiệm và đầu tư suy nghĩ cải tiến. Ngành Công nghệ sinh học đã mang lại cho tôi con đường để theo đuổi. Tôi rất tin tưởng về triển vọng phát triển lâu dài của ngành Công nghệ sinh học và chắc chắn sẽ còn nhiều đột phá mới. Tôi muốn nhắn nhủ đến sinh viên ngành Công nghệ sinh học của trường là phải kiên trì theo đuổi ngành học, có động lực và kiến thức tốt để bắt nhịp với những tiến bộ của ngành học”, anh Tuấn chia sẻ.

Thạc sĩ Phạm Đình Tuấn (Ảnh: NVCC)

Em Nguyễn Thị Như Ngọc – sinh viên ngành Công nghệ sinh học (lớp CNSH 22-01), Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ rằng, ban đầu, em học ngành Công nghệ sinh học của trường với khá nhiều tâm trạng. Đó là em vui vì đỗ vào ngành học mà bản thân mơ ước – ngành “hot”, cơ hội việc làm cao; nhưng cũng lo lắng vì không biết năng lực của bản thân có theo được ngành học hay không.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng đó không kéo dài bởi em nhận ra đã chọn được môi trường học tập như ý. Chương trình học, phương thức giảng dạy của thầy cô rất thú vị, linh hoạt, đặc biệt là sinh viên được thực hành nhiều. Giảng viên của Viện rất nhiệt tình, chu đáo, luôn sát sao sinh viên từ việc học đến cổ vũ động viên sinh viên tham gia các hoạt động phong trào nhằm nâng cao kỹ năng mềm. Cơ sở vật chất của Viện khá sạch đẹp, thoáng mát, có điều hòa, internet và đầy đủ thiết bị học tập.

Cần có tính kỷ luật, sự nhạy bén, tư duy logic và tỉ mỉ khi học ngành Công nghệ sinh học

Để hiểu hơn về ngành Công nghệ sinh học của trường, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thành Chung – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Kỹ thuật sinh học, Trường Đại học Mở Hà Nội.

Theo thầy Chung, Công nghệ sinh học (Biotechnology) là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm, sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người. Đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm của ngành Công nghệ sinh học được ứng dụng trong đời sống như: sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường;…

Tại Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, kinh tế đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đặc biệt là phát triển bền vững.

“Cùng với sự phát triển của xã hội là hàng loạt các vấn đề nhức nhối có liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, môi trường,… đặt ra yêu cầu về việc thành lập thêm các trung tâm nghiên cứu để giải quyết vấn đề, đồng thời khai thác thêm tiềm năng khác từ ngành Công nghệ sinh học.

Đây là lý do để giải thích cho câu hỏi vì sao nhu cầu lao động ngành này có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Bởi lẽ, từ việc phân tích mẫu vật, nhân giống cây trồng, làm sạch nguồn nhiên liệu tự nhiên đến vận hành, bảo trì máy móc, hay những quy trình trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm cũng đều cần đội ngũ nhân lực am hiểu tường tận về ngành và kiến thức chuyên môn”, thầy Chung chia sẻ.

Bàn về công tác tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học, chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, những năm gần đây, điểm trúng tuyển của ngành có xu hướng tăng, tuy nhiên, không tăng quá nhanh và đột ngột, đảm bảo vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tạo điều kiện thuận lợi giúp sinh viên có cơ hội học ngành mà các em yêu thích.

Năm 2022, điểm trúng tuyển 2 ngành này của Trường Đại học Mở Hà Nội là 16,6 điểm; năm 2023 điểm trúng tuyển của ngành này là 17,25 điểm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy hướng dẫn sinh viên (Ảnh: NTCC)

Cô Thủy nhận định, ngành Công nghệ sinh học vẫn là ngành khá kén người học. Nguyên nhân có thể kể đến như thí sinh chưa thật sự hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng, cơ hội nghề nghiệp mà ngành học mang lại. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet tạo ra mạng lưới các mối quan hệ mở rộng, giới trẻ hiện nay có xu hướng tìm kiếm những công việc có tính năng động, chạy theo xu hướng thị trường và xã hội, không mang tính đào tạo sâu vào nghiên cứu. Trong khi đó, để học ngành về công nghệ, người học phải nghiêm túc học tập, không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới và tham gia nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần phải có tính kỷ luật, sự nhạy bén, tư duy logic và tỉ mỉ khi học ngành Công nghệ sinh học. Nếu không có những tố chất như vậy, sinh viên khó để theo học ngành này.

“Trường Đại học Mở Hà Nội đào tạo cho sinh viên ngành Công nghệ sinh theo định hướng ứng dụng; ngoài giỏi chuyên môn, việc thực hành của sinh viên sẽ được ngành ưu tiên. Ngay từ năm hai đại học, sinh viên được học và thực hành trong các phòng thí nghiệm với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị hiện đại. Nhà trường cũng thường xuyên kết nối với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để đưa sinh viên đến thực tập, kiến tập”, cô Thủy chia sẻ.

Cũng theo cô Thủy, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cũng có nhiều học bổng và các chương trình thực tập, thực tập hưởng lương, trao đổi sinh viên tại nước ngoài (như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…), tạo cơ hội để sinh viên được trải nghiệm, tiếp cận các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, cách làm hiện đại của các nước trên thế giới, mở rộng mối quan hệ công việc, đối tác. Từ đó, giúp sinh viên có thêm niềm yêu thích, động lực gắn bó với ngành và quan trọng hơn hết là làm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Chỉ ra điểm đổi mới trong chương trình đào tạo của ngành học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thủy Thủy cho hay, Viện đang từng bước hoàn thiện và áp dụng các quy trình quản lý một cách hệ thống, chặt chẽ và chú trọng việc tiếp nhận thông tin đóng góp, phản hồi từ các bên liên quan (giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng,…) để có cơ sở trong việc điều chỉnh, bổ sung, thiết kế, phát triển mới chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng từ khâu thiết kế và phát triển chương trình dạy học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học đến các dịch vụ hỗ trợ, tiện ích khác.

"Chương trình đào tạo của ngành đang dần tiệm cận theo đúng chuẩn PDCA - là bốn bước trong chu trình cải tiến liên tục (Plan - lập kế hoạch, Do - thực hiện; Check - kiểm tra; Act - điều chỉnh). Cụ thể, chương trình đào tạo được rà soát hai năm một lần. Lần gần nhất là năm 2022 với những cải tiến căn bản về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, nội dung và thời lượng của các học phần. Điều này được phản ánh rất rõ nét trong đề cương chi tiết của các học phần thuộc chương trình đào tạo.

Với những đổi mới trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học, Viện mong đợi được thấy những thay đổi hơn nữa về "chất" ở người học, theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và học tập suốt đời”, cô Thủy chia sẻ.

Theo Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội, theo khảo sát, mức lương khởi điểm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học khoảng10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, sinh viên có thể đạt con số 12-15 triệu đồng/tháng nếu tham gia thị trường lao động từ sớm (khi còn ngồi trên ghế nhà trường).

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có thể làm việc tại một số vị trí như: làm việc trong lĩnh vực y dược (công ty sản xuất thực phẩm chức năng, chế phẩm sinh học, vaccine, dược phẩm. Kỹ thuật viên xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, sinh học phân tử tại bệnh viện).

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này cũng có thể làm trong lĩnh vực môi trường như: công ty xử lý chất thải, sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường; xử lý và quản lý môi trường xây dựng, môi trường đô thị và quản lý tài nguyên.

Hoặc có thể làm trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất mỹ phẩm; trong lĩnh vực kiểm định và quản lý chất lượng ngành Công nghệ sinh học; nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn các ngành liên quan đến ngành Công nghệ sinh học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-viii/nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-hai-so-02-nqhntw-bchtw-dang-khoa-viii-ve-dinh-huong-chien-luoc-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-668

[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-06-kltw-ngay-0192016-cua-ban-bi-thu-ve-viec-tiep-tuc-thuc-hien-chi-thi-so-50-cttw-cua-ban-bi-thu-ve-2314

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cong-nghe-sinh-hoc-ken-nguoi-hoc-dh-mo-ha-noi-tao-hung-thu-cho-sv-ra-sao-post242017.gd