Công nghệ không có giới tính, sao trợ lý ảo đều là 'phụ nữ'?

Các trợ lý ảo như Siri (Apple), Alexa (Amazon) và Cortana (Microsoft) đều có tên và giọng nói của phụ nữ.

Công nghệ không có cảm xúc, nhưng đang cố gắng bắt chước những xúc cảm của con người. Để đạt được mục đích này, các trợ lý ảo như Siri (Apple), Alexa (Amazon) và Cortana (Microsoft) đều có tên và giọng nói của phụ nữ, theo El Páis.

Mặc dù, sau nhiều tranh cãi, những trợ lý ảo này đã có giọng nói trung tính và nam tính hơn trong vài năm qua, các nghiên cứu cho thấy rằng việc gán các đặc điểm nữ tính cho robot sẽ làm tăng mức độ chúng được nhìn nhận là con người. Khi có tên và giọng nói của phụ nữ, robot được coi là ấm áp và hữu ích hơn.

"Tôi sẽ đỏ mặt nếu có thể"

Nhiều công ty đã đưa ra quyết định dựa trên các nghiên cứu này, lập luận rằng việc cung cấp cho trợ lý ảo những đặc điểm của phụ nữ sẽ làm tăng khả năng sử dụng và kéo theo đó là doanh số bán hàng.

Sylvie Boreau là giáo sư tại Trường Kinh doanh Toulouse (Pháp) và đã nghiên cứu lý do robot nữ được coi là giống con người hơn trong nhiều năm qua. Boreau giải thích một số phẩm chất tích cực của con người - chẳng hạn như khả năng thấu cảm, thân thiện và hay giúp đỡ - gắn liền với phụ nữ hơn là đàn ông.

Nhiều trợ lý ảo có giọng nói của phụ nữ.

"Người dùng cảm thấy thoải mái hơn khi tương tác với giọng nữ do ý nghĩa truyền thống gắn liền với vai trò chăm sóc và hỗ trợ của phụ nữ trong xã hội chúng ta. Đó là lý do AI sử dụng những đặc điểm nữ tính này để làm cho sản phẩm của mình trở nên giống con người hơn", Bureau nói.

Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể tạo ra một vấn đề nan giải về mặt đạo đức: "Việc tạo ra những đặc điểm nữ tính cho trợ lý ảo có thể dẫn đến vật thể hóa phụ nữ (đối xử với phụ nữ như công cụ hoặc đồ chơi không có cảm xúc, ý kiến hoặc quyền lợi riêng)".

Theo nhà nghiên cứu, về lâu dài, nhiều người dùng bắt đầu gọi trợ lý ảo bằng những cái tên xúc phạm. Trong trường hợp của Siri, các lập trình viên đã quyết định rằng thiết bị sẽ phản hồi: "I'd Blush If I Could" (tạm dịch: Tôi sẽ đỏ mặt nếu có thể).

Điều này đã dẫn đến nghiên cứu năm 2019 về giới tính và công nghệ của Ban Bình đẳng giới của UNESCO có đề cập trực tiếp đến Siri. Nghiên cứu này có tên là "I'd Blush If I Could".

Sự chỉ trích buộc Apple phải thay đổi phản hồi của Siri trong bản cập nhật tiếp theo. Hiện tại, khi nhận được bình luận khiếm nhã, trợ lý ảo này sẽ trả lời: "I’m not sure what you’re expecting with those words" (tạm dịch: Tôi không chắc bạn đang mong chờ điều gì với những lời lẽ đó).

Đằng sau những giọng nói nữ tính

Theo Cristina Aranda, người đồng sáng lập Hiệp hội Công nghệ Phụ nữ, tổ chức tìm cách hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ, vấn đề rõ ràng nằm ở những người sản xuất và nắm quyền quyết định với các loại công nghệ này.

"Đại đa số những người định hình ra các sản phẩm này là đàn ông có thành kiến lớn về giới tính và văn hóa".

Aranda cho rằng sẽ rất khó để thay đổi những định kiến này nhưng vẫn có chút hy vọng: "Cách duy nhất để thay đổi hệ thống là phải có nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực này. Cuối cùng, những quyết định của các lập trình viên khi tạo ra những thiết bị này đều dựa trên hệ thống niềm tin của họ. Nếu luôn coi phụ nữ là trợ lý, họ sẽ phản ánh điều này trong AI của mình".

Các nghiên cứu cho thấy giọng nói của phụ nữ mang lại cảm giác tin cậy, an tâm, sẵn sàng hỗ trợ hơn.

Martín Piqueras, giáo sư tại Trường Kinh doanh OBS (Tây Ban Nha) và chuyên gia chiến lược kỹ thuật số tại công ty Gartner, đồng ý với quan điểm của Aranda.

Ông lấy ví dụ về những người điều hành tổng đài đầu tiên để giải thích tại sao trợ lý ảo lại có giọng nói và tên gọi của phụ nữ. "Các công ty điện thoại đã nhanh chóng nhận thấy rằng khi phụ nữ là người kết nối cuộc gọi thì khách hàng cảm thấy hài lòng hơn. Phụ nữ tạo ra sự tin tưởng và người dùng cảm thấy được hỗ trợ. Nhanh chóng, các công ty còn lại đã tìm cách bắt chước giọng nữ đó trong dịch vụ khách hàng của họ".

Piqueras nói rằng kể từ "Hello Girls" đầu tiên - nữ nhân viên tổng đài - giọng nói của phụ nữ luôn được nghiên cứu rất nhiều. "Giọng nói của phụ nữ mang lại cho mọi người sự tự tin và khiến họ cảm thấy hài lòng. Và điều này đã được chứng minh bởi các công ty đa quốc gia, những người biết rằng sản phẩm có nhiều khả năng thành công hơn khi sử dụng những đặc điểm nữ tính".

Nhà khoa học Karl Fredric MacDorman, chuyên gia về tương tác giữa con người và máy tính, đã công bố một báo cáo vào năm 2010, trong đó ông kết luận rằng cả đàn ông và phụ nữ đều thích giọng nữ trong trợ lý ảo.

Kể từ đó, như Piqueras giải thích, các công ty công nghệ đã dựa vào những nghiên cứu này để đảm bảo rằng tính nữ trong robot sẽ làm tăng doanh số bán thiết bị.

Trong nghiên cứu tìm hiểu xem liệu máy móc có trung tính hay không, Clifford Nass, giáo sư tại Đại học Stanford, kết luận rằng mọi người có xu hướng coi giọng nữ là kiểu trợ giúp và giọng nam là kiểu độc đoán.

Lê Vy

Ảnh: El Páis

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-nghe-khong-co-gioi-tinh-sao-tro-ly-ao-deu-la-phu-nu-post1451957.html