Cơ hội để củng cố vị thế gạo Việt Nam

Động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng như Nga siết thêm lệnh cấm này đã có từ năm 2022, cùng với sự vào cuộc của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), đã làm 'nóng' lên vấn đề lương thực toàn cầu...

Tuy nhiên, đây sẽ là thời cơ “vàng” cho hạt gạo Việt Nam, nếu tận dụng hiệu quả, không những sẽ mở rộng được thị phần gạo của Việt Nam trên các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, mà còn tạo đà tăng trưởng xuất khẩu lúa gạo trong những năm tới.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, xoay quanh vấn đề này.

Việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo sẽ là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam, tiến tới mở rộng thị trường mới. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đúng, đây là cơ hội rất lớn cho ngành gạo Việt Nam. Sau khi Ấn Độ và một số nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, cộng thêm việc một số nước tăng mua để dự trữ đã khiến giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta liên tục tăng mạnh từng ngày. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn; gạo 25% tấm ở quanh mức 600 USD/tấn. Có thể nói nông dân trồng lúa chưa bao giờ phấn khởi như hiện nay.

Để tận dụng cơ hội được gọi là “vàng” này, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xúc tiến để mau chóng “điền vào vị trí” của các nước xuất khẩu khác, củng cố vị thế hàng đầu của gạo Việt Nam, đồng thời đàm phán với các đối tác mới để đưa hạt gạo Việt Nam đến rộng rãi các thị trường trên thế giới.

Lâu nay, chất lượng gạo của Việt Nam chưa được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp thiếu sự liên kết, phối hợp với hiệp hội nên dễ bị các nhà nhập khẩu thao túng. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Cho rằng Việt Nam chưa chú trọng đến chất lượng và chất lượng gạo Việt Nam chưa cao là không đúng. Thực tế những năm gần đây, chúng ta đã rất chú ý đến chất lượng. Người nông dân cũng chú trọng hơn đến việc trồng các giống lúa chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Gạo ST24 và ST25 có chất lượng đứng nhất nhì thế giới, được tiêu thụ rất nhiều, giá ở mức rất tốt và doanh nghiệp ký được rất nhiều hợp đồng xuất khẩu mới.

Về việc hợp tác giữa các doanh nghiệp thì đúng là chưa thực sự chặt chẽ, chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp của chúng ta chưa nắm bắt kịp thời diễn biến và tâm lý của thị trường dẫn đến bị thao túng bởi các nhà nhập khẩu. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp xem lại mối liên kết với nhau qua các hội, và hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối các doanh nghiệp hội viên của mình.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7,5 – 8 triệu tấn gạo. Theo bà, sản lượng này liệu có khả thi và quan điểm của Hội thế nào về nhận định này?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra số liệu dự kiến xuất khẩu 7,5-8 triệu tấn gạo năm nay là hoàn toàn khả thi. Thực ra mấy năm gần đây xuất khẩu gạo của chúng ta cũng đã chạm mức 7 triệu tấn/năm. Theo ước tính của Liên bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,83 triệu tấn gạo.

Tính đến trung tuần tháng 7/2023, các địa phương trong cả nước đã thu hoạch hơn 24,1 triệu tấn. Dự kiến, cả năm 2023, cả nước sẽ sản xuất được 43,2 - 43,4 triệu tấn lúa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và dự trữ.

Đánh giá ngành hàng lúa gạo đang có điều kiện thuận lợi để tăng tốc xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha theo kế hoạch ban đầu lên 700.000 ha.

Trong thời gian qua, giá gạo có xu hướng tăng cao, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý. Theo bà, hiện tượng này có xảy ra phổ biến và giải pháp để xử lý vấn đề này như thế nào?

Đúng là có hiện tượng thu gom lúa, gạo gây xáo trộn thị trường, đẩy giá lên cao bất hợp lý và khiến xuất khẩu không có đủ hàng để giao cho các hợp đồng. Đây cũng là điều khiến nhiều người băn khoăn rằng số lượng lúa gạo sản xuất phục vụ cho xuất khẩu thì đẹp nhưng thực tế tồn trữ gạo của doanh nghiệp còn ít, trong khi thu mua mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cảnh báo việc mua gom, sang tay nhiều lần không thực sự dễ ăn, thậm chí bị lỗ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý ưu tiên đảm bảo nguồn cung cấp để có thể phục vụ cho những đơn hàng đã ký, đồng thời tận dụng các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Hiện nay giá đang có xu hướng tăng, nhưng sẽ có điểm dừng. Chúng tôi cũng cảnh báo đầu cơ tích trữ lúc này có thể sẽ gặp rủi ro.

Hiện nay, các nước đang tăng cường dự trữ, tình trạng thiếu hụt đã diễn ra khá nghiêm trọng, giá gạo toàn cầu tăng mạnh. Vậy theo bà, cần có những giải pháp nào để vừa tận dụng sản xuất xuất khẩu, nhưng vẫn giữ được an ninh lương thực trong nước và giữ được thương hiệu gạo trên thị trường thế giới?

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần xem xét đàm phán để có được thời hạn xuất khẩu gạo một cách hợp lý, phù hợp với mức độ và khả năng mà nền kinh tế có thể cung ứng để xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tính toán tới yêu cầu gối vụ, yêu cầu giá cả.

Thị trường gạo thế giới lên cơn sốt vì nhiều nước hạn chế xuất khẩu

Có thể nói, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng cần đảm bảo các yêu cầu khác và đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực, tránh trường hợp vì ham hố lợi nhuận mà quên mất dự phòng, khiến chúng ta lâm vào tính huống khủng hoảng thiếu trong trường hợp vụ mùa không được đảm bảo.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta tự tin có đủ gạo để gia tăng xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh lương thực nhưng chúng ta không chủ quan. Việc quan trọng hiện nay là phải kiểm soát được các vấn đề của thị trường như hiện tượng gom hàng, đầu cơ tích trữ, mua bán sang tay nhiều lần để giá lên cao… làm xáo trộn thị trường và gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-hoi-de-cung-co-vi-the-gao-viet-nam.htm