Cơ chế mua bán điện trực tiếp – động lực mới cho nền kinh tế xanh

Con số 300 tỉ đô la Mỹ giá trị kinh tế xanh của Việt Nam vào năm 2050 có thể là tính toán khiêm tốn, khi nguồn năng lượng tái tạo của nước từ thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối phong phú đến độ dư thừa xuất khẩu, một khi chúng được khai thác đúng mức và hiệu quả.

Trong những ngày này từ giới chuyên gia, doanh nghiệp đến công chúng đang quan tâm đặc biệt đến Dự thảo Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mà Bộ Công Thương sẽ công khai tham vấn trong tháng 5 trước khi trình Chính phủ và trình Quốc hội.

Mối liên quan giữa năng lượng xanh và kinh tế xanh rất khắng khít, vì vậy khi gỡ được rào cản đối với năng lượng xanh chính là lúc tăng tốc cho nền kinh tế. Và, một nền kinh tế xanh đang ló dạng, với cả Hydro xanh, thép xanh, xi măng xanh, nhôm xanh… sẽ lần lượt ra đời.

Thế giới hướng đến nền kinh tế xanh.

Cơ chế DPPA thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế xanh, trước hết là theo cách hoạt động của nó. Theo cơ chế này, nhà sản xuất năng lượng tái tạo ký kết DPPA dưới hình thức hợp đồng kỳ hạn với khách hàng của mình, đổi lại khách hàng bảo đảm cố định mức tiêu thụ và giá mua năng lượng từ dự án.

Chương trình thí điểm DPPA, như được công bố trong Dự thảo, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của người tiêu dùng và các nhà phát triển điện do phù hợp cao với tính kinh tế của việc đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nó cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo thay vì thông qua công ty điện lực. Biện pháp này giúp các công ty riêng lẻ đạt được mục tiêu cung cấp năng lượng sạch của riêng họ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Trên thực tế DPPA có hai hình thức, một là nhà sản xuất năng lượng tái tạo cung cấp điện vật lý trực tiếp cho khách hàng, với điều kiện cả hai ở gần nhau và có thể chủ động việc truyền tải; hai là nhà sản xuất năng lượng và khách hàng mua bán với nhau thông qua một hợp đồng DPPA tài chính, sau đó nhà sản xuất năng lượng cung cấp lượng điện vật lý vào mạng truyền tải của công ty điện lực, và mạng điện lực sẽ cung cấp lượng điện vật lý tương tự cho khách hàng để hưởng phí điều hành.

Chương trình thí điểm DPPA nhắm vào hình thức thứ hai, và trước mắt chọn lựa một số khách hàng lớn để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho các giai đoạn áp dụng đại trà đối với khách hàng lớn rồi những khách hàng nhỏ. DPPA được coi là một sáng kiến đầy hứa hẹn có thể đóng góp đáng kể vào việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy nền kinh tế.

Đó là tình huống đôi bên cùng có lợi cho cả nhà sản xuất năng lượng và người tiêu dùng, đồng thời nó cũng mang lại lợi ích cho môi trường bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với mức năm 2010, và giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 1-1,5% trên mỗi đơn vị GDP.

Trên thực tế nước ta đã chuẩn bị chu đáo cho nền kinh tế xanh ở cả ba mặt chiến lược, chính sách, và hành động. Về chiến lược tăng trưởng xanh: Chính phủ Việt Nam thừa nhận sự cần thiết phải cân bằng giữa phát triển kinh tế với bền vững môi trường và đưa tăng trưởng xanh trở thành chương trình nghị sự ưu tiên cao.

Về tích hợp chính sách: Việt Nam đã điều phối chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau để tăng cường sức mạnh tổng hợp trong các nỗ lực phát triển bền vững. Điều này bao gồm việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả, duy trì nền tảng tài sản thiên nhiên, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.

Thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế mới, nền kinh tế ít carbon; và những thuộc tính môi trường hay tiêu chí xanh sẽ chi phối lên mọi hoạt động, cả sản xuất và tiêu dùng, cả hàng hóa và dịch vụ, cả phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng ta đang thận trọng thí điểm DPPA sau hai năm tham vấn cấp cao giữa USAID/V-LEEP và MOIT/ERAV.

Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến việc thúc đẩy, mở rộng cơ chế DPPA không chỉ với tập đoàn hay doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ, những nhà máy, những công xưởng; bởi họ có thể tồn tại trong nền kinh tế mới hay không tùy thuộc vào các tiêu chuẩn xanh như ESG, trong đó các yêu cầu về sử dụng năng lượng xanh đóng vai trò quan trọng.

DPPA đang trở thành giải pháp gỡ nút thắt năng lượng tái tạo, và một khi nguồn năng lượng này được lưu thông dễ dàng thì việc đầu tư khai thác năng lượng xanh ở nước ta sẽ vô cùng lớn.

Anh Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-dong-luc-moi-cho-nen-kinh-te-xanh/