Chuyện người Cor ở Quảng Ngãi nguyện theo họ Bác Hồ

Giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, năm 1969, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, người Cor ở vùng miền Tây Quảng Ngãi (nay là huyện Trà Bồng) đã tự nguyện mang họ Hồ để tỏ lòng biết ơn với Bác.

Ở vùng Trường Sơn tỉnh Quảng Ngãi, giữa bạt ngàn rừng núi là nơi cư trú lâu đời của người Cor bản địa. Đến nay, đồng bào Cor có trên 30.000 người.

Cách đây 66 năm, người Cor đã ghi dấu ấn lịch sử trong cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Từ ngày 7 đến ngày 10-7-1958, Đại hội nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi diễn ra ở Gò Rô, xã Trà Phong, với 200 đại biểu là đồng bào Cor, Ca Dong, Hrê và Kinh.

Tại đây, đại hội đã ra lời kêu gọi: “Các dân tộc anh em phải đoàn kết xung quanh Bác Hồ, đồng lòng hợp sức để đánh đổ Mỹ - Diệm. Mọi người không phân biệt dân tộc, già trẻ, gái trai phải tham gia lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự... sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền”.

Ngày 28-8-1959, quân và dân Trà Bồng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền và sau đó lan rộng ra khắp miền Tây Quảng Ngãi, thành lập chính quyền cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng. Người Cor một lòng sắt son đi theo Đảng, Bác Hồ, góp sức cùng cả nước thắng trận.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Giữa đại ngàn Trường Sơn, toàn bộ cán bộ, nhân dân đồng bào Cor hướng ra miền Bắc, hướng về Bác Hồ; đồng bào Cor đồng lòng, tự nguyện mang họ Hồ để tỏ lòng biết ơn Bác.

 Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên đang sửa sang lại bàn thờ Bác Hồ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên đang sửa sang lại bàn thờ Bác Hồ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trước dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2024), Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên (60 tuổi, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) đã sửa sang lại bàn thờ, thắp hương trước ảnh Bác Hồ.

Ông Biên cho biết: “Trước khi mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cor chỉ có tên được gọi bằng tiếng Cor, người Cor không có chữ, không biết viết bằng tiếng Việt và không có họ. Khi được mang họ Bác, chúng tôi rất vui mừng, nguyện học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ suốt đời, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới theo định hướng của Đảng, Nhà nước”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện Ủy Trà Bồng, cho biết: “Ngoài thờ ông bà cha mẹ, người Cor thờ Bác Hồ, tin Đảng, Nhà nước, các chủ trương chính sách đều được đồng bào Cor ủng hộ. Chủ trương của Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được truyền tải, lan tỏa ra các tầng lớp nhân dân. Các mô hình như thực hành tiết kiệm, tuyến đường tự quản, nồi cháo tình thương… được nhân rộng”.

Huyện Trà Bồng thành công trong thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Ông Dũng cho biết: “Trà Bồng tập trung phát huy giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, điệu xà ru, điệu a-giới… Các đoàn viên thanh niên và giáo viên trên địa bàn bình quân mỗi năm mở 5-6 lớp học các làn điệu, cồng chiêng. Có 13/13 xã thành lập đội văn nghệ truyền thống, có 6 trường học cũng thành lập đội cồng chiêng trong nhà trường và đến nay, huyện Trà Bồng có 20 câu lạc bộ cồng chiêng”.

 Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên giới thiệu và hướng dẫn cách đánh cồng chiêng của người Cor. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên giới thiệu và hướng dẫn cách đánh cồng chiêng của người Cor. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, đấu chiêng là một trong những sinh hoạt cồng chiêng nổi bật, độc đáo của người Cor.

Ông Hồ Văn Biên cho rằng: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Do vậy, người Cor phải giữ gìn văn hóa truyền thống, không bao giờ mai một. Bên cạnh đó, trong các phong tục, những tục lệ là hủ tục thì xóa bỏ, phát huy phong tục tốt đẹp để phát triển cùng đất nước”.

 Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An giới thiệu về cây Nêu và bộ Gu trong văn hóa truyền thống người Cor. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An giới thiệu về cây Nêu và bộ Gu trong văn hóa truyền thống người Cor. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An (66 tuổi, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) cho biết: “Từ năm 1970, tôi tham gia thanh niên xung phong, vận chuyển hàng hóa dọc đường Trường Sơn. Năm 1972, tôi chính thức nhập ngũ, tham gia kháng chiến. Tôi tự hào là người lính cụ Hồ và được mang họ Bác là mong muốn của người Cor”.

Ông An cũng là một trong các nghệ nhân có đóng góp giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tham gia thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc xã Trà Thủy với 30 thành viên.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: “Song song với bảo tồn và phát huy văn hóa, người Cor xây dựng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 29%, đây là nỗ lực lớn của Đảng bộ, nhân dân huyện với đặc thù vùng miền núi rất khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là thay đổi tư duy, tập quán canh tác chuyển từ du canh, du cư sang định canh, định cư; người dân được giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế sản xuất”.

 Khu định cư Nà Tà Kót (thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN TRANG

Khu định cư Nà Tà Kót (thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN TRANG

Huyện Trà Bồng thường xuyên giữ gìn, trùng tu các di tích lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Tiêu biểu là di tích Gò Rô, nơi diễn ra Đại hội nhân dân các dân tộc miền tây Quảng Ngãi, quyết tâm theo Bác Hồ, thực hiện đường lối Đảng, Nhà nước. Hiện tại, Gò Rô còn giữ nguyên vẹn những chứng tích như bàn đá, cây si lớn, nền ngôi nhà xưa…

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-nguoi-cor-o-quang-ngai-nguyen-theo-ho-bac-ho-post739882.html