Chuyện ít biết về nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ quân y nơi chiến trường

Do Mỹ liên tục đưa công nghệ vũ khí mới vào chiến trường, nhà phẫu thuật quân y buộc phải không ngừng nâng cao kiến thức để chữa trị các vết thương do từng loại vũ khí gây nên.

Nguyễn Huy Phan có nhiều dịp chứng kiến tác động kinh khiếp của thương tích chiến trận. Là một bác sĩ phẫu thuật vào năm 1953, ông tham gia cuộc chiến chống Pháp; từ 1964 đến 1975, ông chiến đấu chống Mỹ; và năm 1979, ông phục vụ trong cuộc xung đột biên giới với người Trung Quốc.

 Bìa cuốn sách.

Bìa cuốn sách.

Những kinh nghiệm ấy khiến ông trở thành một người có uy tín khi nói chuyện về đề tài thương vong mà kho vũ khí chiến tranh khổng lồ gây ra đối với người lính. Qua nhiều năm, ông là người trực tiếp chứng kiến sự phát triển liên tục của các loại vũ khí gây thương vong và tàn phế cho con người - kết quả của sự phát triển công nghệ và hành trình không ngừng của con người nhằm tìm ra các phương cách thực hiện chiến tranh một cách hiệu quả. Trong hoàn cảnh công nghệ của đối phương liên tục được hoàn thiện, nhà phẫu thuật quân y cũng buộc phải không ngừng nâng cao kiến thức để có thể chữa trị hữu hiệu nhất các vết thương đặc thù do từng loại vũ khí gây nên.

Trách nhiệm của ông Phan trong suốt cuộc chiến không chỉ là trị thương cho binh lính để họ có thể hồi phục và ra trận càng nhanh càng tốt, ông còn đảm nhiệm việc phân tích, nghiên cứu để cải tiến thời gian điều trị và chẩn đoán. Do phía người Mỹ liên tục đưa các công nghệ vũ khí mới vào chiến trường, trách nhiệm này chiếm hầu hết thời giờ của ông.

[…]

Kinh nghiệm là người thầy vĩ đại. Nhưng thật không may cho cộng đồng y tế Việt Nam, phần lớn kinh nghiệm đó đều liên quan đến chiến tranh. Cuộc chiến với người Pháp đã giúp Hà Nội có một đội ngũ y tế được huấn luyện thể lực tốt để hành quân cùng lính chiến. Cuộc chiến đó đã cho thấy sự thiếu hụt về hỗ trợ y tế cho quân đội, và sự thiếu hụt này đã được cố gắng bù đắp trong giai đoạn hòa bình ngắn ngủi mà Bắc Việt được hưởng trước cuộc xung đột với Mỹ. Ông Phan giải thích về điều này cũng như một số biện pháp khắc phục:

[…]

Trong cuộc chiến với người Mỹ, chúng tôi rất khó ở lâu một chỗ. Để theo chân bộ đội, chúng tôi thường tổ chức các đơn vị phẫu thuật lưu động. Tôi làm trưởng một bệnh viện phẫu thuật lưu động… Nhiều lần, việc di chuyển cả một bệnh viện là không thể nên chúng tôi tổ chức từng nhóm phẫu thuật chừng 20-30 hoặc 50-60 người, tùy theo nhiệm vụ cụ thể… nhằm hỗ trợ y tế cho tiền tuyến, làm việc ngay bên cạnh những người lính chiến, nơi chúng tôi có thể chăm sóc thương binh.

Chúng tôi có một vài kinh nghiệm về bệnh viện lưu động từ thời chống Pháp. Nhưng thời chiến tranh Việt Nam, có nhiều đơn vị, nhiều đội hơn và rất nhiều bác sĩ chuyên khoa, bởi chúng tôi đã có khoảng thời gian gần mười năm được đào tạo bác sĩ chuyên khoa tại các nước anh em như Liên Xô, Hungary, Bulgaria. Chúng tôi cũng gửi nhiều bác sĩ đi học tập tại Berlin, Tiệp Khắc, Cuba và nhiều nơi khác; chương trình này tiếp tục được tiến hành suốt cuộc chiến chống Mỹ. Sau khi được đào tạo chuyên sâu, họ trở về Việt Nam để phục vụ cho quân đội. Vì thế chúng tôi có đủ bác sĩ chuyên khoa.

 Trạm quân y dã chiến. Ảnh: Võ An Khánh.

Trạm quân y dã chiến. Ảnh: Võ An Khánh.

Thời đó chúng tôi không phân biệt y tế dân sự và quân sự. Quân đội phối hợp với bên dân sự và bác sĩ phẫu thuật quân đội cũng chữa trị dân thường một khi người dân cần đến. Sĩ quan và bộ đội cũng được chữa trị trong bệnh viện dân sự. Khi quân y gặp khó khăn, bên y tế dân sự sẽ chia sẻ nhiệm vụ. Có một sự hợp tác toàn diện và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai bộ phận này, và điều đó rất hữu ích. Nếu không hợp tác tốt, chúng tôi hẳn đã gặp nhiều khó khăn. Suốt thời chiến tranh, có thể nói rằng các bác sĩ chuyên khoa tốt nhất đều phục vụ trong quân đội.

Bệnh viện phẫu thuật lưu động có hơn 200 nhân viên y tế… Trong đó hai mươi lăm phần trăm là bác sĩ. Đôi khi bệnh viện tiếp nhận tới 500 thương binh trong một giai đoạn ngắn. Vì thế, chúng tôi phải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhiều lúc, chúng tôi phẫu thuật suốt 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong hai, ba ngày liên tiếp. Nhiều lúc điều kiện làm việc rất không bình thường - đôi khi dưới giao thông hào hoặc hầm trú ẩn”.

Ông Phan và các đồng nghiệp đầy tâm huyết của ông liên tục tìm tòi để cải thiện kiến thức và kỹ năng mỗi khi có loại vũ khí mới gây ra thương vong trên chiến trường. Cách làm này rất hữu dụng sau khi Mỹ đưa vào sử dụng một loại vũ khí đáng sợ được gọi là “CBU”, hay bom bi. Mỗi quả bom bi chứa khoảng 300 mảnh sắt, mỗi mảnh có đường kính nhỏ hơn 5,5 milimét.

Khi phát nổ, quả bom bắn mảnh kim loại theo nhiều hướng khác nhau. Người không may đứng trong phạm vi gần quả bom phát nổ sẽ không chết ngay lập tức, các mảnh kim loại li ti hoặc xuyên qua cơ thể người hoặc nằm lại trong đó. Mảnh bom để lại vết thương gần như không thể thấy được trên cơ thể nạn nhân khiến cho việc chữa trị rất khó khăn. Đối với vết thương không thể nhìn thấy rõ, rất khó để cho bác sĩ phẫu thuật chẩn đoán - dẫn đến khó khăn trong chữa trị. Sự chậm trễ trong chẩn bệnh làm gia tăng nguy cơ tử vong.

Vết thương ở sọ là một thách thức lớn trong chẩn đoán. Có nhiều trường hợp, mảnh bom chỉ đâm thủng một bên hộp sọ.

“Vết thương trong hộp sọ rất đặc biệt”, ông Phan giải thích, “vì nó giống y hệt trái bóng bi-da”. Xung lực của mảnh bom khiến nó bay tứ tung trong hộp sọ trước khi nằm yên một chỗ.

“Mảnh bom đi qua hộp sọ, xuyên qua não và bay tứ tung”, ông Phan diễn giải tiếp. “Nó có một quỹ đạo dích dắc… Chúng tôi nhận được rất nhiều ca bị thương vùng sọ và mặt do bom bi gây ra. Đôi lúc chỉ một quả bom mà gây ra thương vong cho nhiều người - vết thương từ đầu tới chân. Ban quân y ngay từ đầu đã đặc biệt quan tâm tới loại vết thương này và đã tổ chức một nhóm bác sĩ đặc biệt để nghiên cứu. Tôi là một trong những người chịu trách nhiệm tìm giải pháp điều trị vết thương do bom bi gây ra.

Tôi nghiên cứu vấn đề này với sự giúp đỡ của nhiều bộ phận khác nhau trong quân đội, trong đó có cả bên công binh. Chúng tôi mất ba, bốn tháng để nghiên cứu tìm giải pháp và cuối cùng đã tìm ra.

Chúng tôi đã viết rất nhiều bài nghiên cứu về vấn đề này cũng như một số vấn đề khác. Trong giai đoạn 1968-1970, các bài viết đã được đưa tới nhiều nước để chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp ở những nơi ấy. Tôi là Tổng thư ký của nhóm bác sĩ này. Các bài viết tập trung mô tả cách thức khám và điều trị phẫu thuật đa chấn thương. Nhờ kinh nghiệm của chúng tôi mà các đồng minh có thể giảm được thương vong trên chiến trường.

Trước khi có cuộc nghiên cứu của chúng tôi, việc chữa trị rất khó khăn. Nhưng sau đó, chúng tôi đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này; chúng tôi biết cách khám và điều trị vết thương theo cách tốt nhất. Chúng tôi viết lại tất cả để làm cẩm nang cho giới bác sĩ phẫu thuật quân y. Các chuyên gia giỏi nhất, những người lãnh đạo trong các chuyên ngành khác nhau, đã chia sẻ kinh nghiệm, từ đó tìm ra giải pháp cho mỗi chuyên ngành. Chúng tôi có cẩm nang hướng dẫn để các bác sĩ trẻ áp dụng điều trị trong những trường hợp cụ thể”.

James Zumwalt / First News - NXB Tổng hợp T.PHCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-it-biet-ve-nhiem-vu-dac-biet-cua-bac-si-quan-y-noi-chien-truong-post1425674.html